Sự yên tĩnh nhất thời ở Biển Đông chỉ là giả tạo?

Google News

(Kiến Thức) - Quá trình hạ nhiệt hiện nay ở Biển Đông đang che giấu những cơn sóng ngầm và các mưu đồ chiến lược sâu xa.

Đó là nhận định của nhà phân tích Prashanth Parameswaran, trong bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat ngày 21/7/2017.
Một năm sau khi PCA ra phán quyết về Biển Đông bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc, tình hình khu vực dường như bước vào một thời kỳ khá yên tĩnh.
Tàu chở các nhà báo Philippines vượt qua sự bao vây phong tỏa của  tàu Cảnh sát biển Trung Quốc trên Biển Đông.  (Nguồn: Sputnik International) 
Nhìn bề ngoài, người ta có cảm giác rằng thời kỳ hạ nhiệt đang diễn ra ở Biển Đông. Thế nhưng, theo nhà phân tích Prashanth Parameswaran, phân tích sâu hơn cho thấy mọi sự tĩnh lặng bề ngoài chỉ là giả tạo và chỉ có tính chất nhất thời.
Ảo tưởng về sự hạ nhiệt ở Biển Đông xuất hiện trong bối cảnh có sự hợp lưu của nhiều yếu tố.
Yếu tố thứ nhất là ông Rodrigo Duterte đắc cử Tổng thống Philippines hồi tháng 6 năm ngoái. Ít nhất cho đến bây giờ, Manila đã tạm thời gác lại phán quyết PCA về Biển Đông vốn có lợi cho Philippines để tìm cách cải thiện quan hệ với Bắc Kinh.
Về phần mình, Trung Quốc cũng không muốn làm to chuyện và triệt để khai thác cái mà họ gọi là “hạ nhiệt” ở Biển Đông vì đang bận rộn với việc tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 19 vào cuối năm nay.
Cách tiếp cận của chính quyền Donald Trump đối với Bắc Kinh khiến người ta có cảm giác rằng Mỹ-Trung có thể đã thoả thuận ngầm: bỏ qua vấn đề Biển Đông để đổi lấy sự ủng hộ hợp tác của Trung Quốc về vấn đề tên lửa-hạt nhân của Triều Tiên.
Tuy nhiên, một cái nhìn sâu hơn cho thấy mọi ý kiến cho rằng Biển Đông “đang hạ nhiệt” chỉ là ảo tưởng.
Thứ nhất, căng thẳng ở Biển Đông vẫn tiếp tục âm ỉ và trong một số trường hợp đã bắt đầu sủi tăm.
Đáng chú ý nhất, dữ liệu của tổ chức Sáng kiến minh bạch Hàng hải Châu Á cho thấy ngay cả khi Trung Quốc tham gia đàm phán với các nước ASEAN về khuôn khổ dự thảo COC, Bắc Kinh vẫn ráo riết xây dựng trái phép các cơ sở quân sự và lưỡng dụng trên Trường Sa Quần đảo, vi phạm điều khoản của DOC và cam kết không quân sự hóa Biển Đông của Chủ tịch Tập Cận Bình. Điều này cho thấy Trung Quốc vẫn theo đuổi mưu đồ kiểm soát toàn bộ Biển Đông.
Các quốc gia ASEAN cũng hiểu rõ mưu đồ này và cũng từng bước đưa ra các biện pháp đơn phương một cách lặng lẽ, đôi khi công khai, để bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông, ngay cả khi tiếp tục đàm phán với Bắc Kinh. Một trong những ví dụ là việc Indonesia gần đây tuyên bố đặt tên một phần Biển Đông là thành Biển Bắc Natuna.
Trong khi đó, Mỹ và các cường quốc bên ngoài vẫn không bỏ qua vấn đề Biển Đông, mặc dù có thể im lặng hơn về những gì đang làm.
Các bên khác Nhật Bản, Ấn Độ và Australia cũng đã tiến hành một loạt biện pháp nhằm hỗ trợ một số quốc gia Đông Nam Á bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.
Thứ hai, có nhiều lý do cho thấy về cơ bản, căng thẳng sẽ sớm bùng phát ở Biển Đông và chấm dứt “thời kỳ tĩnh lặng giả tạo” này.
“Mô hình hành vi” của Trung Quốc trong vài năm gần đây ở Biển Đông cho thấy rằng bất kỳ sự tĩnh lặng nào đều chỉ là chiến thuật tạm thời chứ không phải chiến lược lâu dài. Bằng chứng cho thấy rằng Bắc Kinh có khuynh hướng hiệu chỉnh chính sách quyết đoán bằng những giai đoạn xen kẽ giữa quyến rũ và cưỡng ép.
Cụ thể , chỉ 7 tháng sau khi công bố một chiến lược mới cho quan hệ ASEAN - Trung Quốc như là một phần của cuộc tấn công quyến rũ mới ở Đông Nam Á, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan dầu Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trong mùa hè năm 2014. Trong năm 2015, năm mà Bắc Kinh tuyên bố là "năm hợp tác hàng hải ASEAN-Trung Quốc", Trung Quốc ráo riết thúc đẩy các hoạt động đắp đảo trái phép ở Biển Đông , trong khi vẫn tiếp tục xâm phạm vùng biển của một số quốc gia ASEAN.
Có nhiều lý do cho thấy Bắc Kinh sẽ “nhấn ga tăng tốc” ở Biển Đông một lần nữa, bất kể đó là sự vi phạm chủ quyền của các nước ASEAN từ các tiền đồn ở Quần đảo Trường Sa hay cưỡng ép, chia rẽ các nước ASEAN . Ít có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc nhượng bộ về mục tiêu chiến lược là kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Do một số nước ASEAN cũng không thể từ bỏ nỗ lực đơn phương để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông, hành động cưỡng bức của Trung Quốc thậm chí có thể được tăng tốc nhanh chóng.
Việc một quan chức năng lượng Philippines tuần trước thông báo rằng việc khoan dầu và khí đốt tại Reed Bank có thể được khôi phục trước cuối năm nay - một động thái phù hợp với phán quyết PCA về Biển Đông nhưng sẽ làm cho Bắc Kinh tức giận - là một lời nhắc nhở quan trọng về việc căng thẳng có thể bùng phát nếu chiến dịch ve vãn Trung Quốc của Tổng thống Duterte chấm dứt.
Nếu quan hệ Mỹ-Trung Quốc càng trở nên gay gắt hơn và Bắc Kinh tiến hành các bước khiêu khích như bồi đắp bãi cạn Scarborough Shoal hoặc đơn phương áp đặt Khu vực Nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, người ta không loại trừ khả năng Hoa Kỳ sẽ thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn vốn đã được các tổ chức tư vấn thảo luận từ lâu.
Trên thực tế, cách tiếp cận “giao dịch” của Tổng thống Donald Trump là một “con dao hai lưỡi”. Các thỏa thuận có thể đạt được một cách dễ dàng, nhưng chúng cũng dễ bị phá vỡ và các mối quan hệ dựa trên thỏa thuận có thể nhanh chóng tan vỡ khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump vốn bị chia rẽ về thế giới quan chứ không thống nhất (tương đối) như chính quyền Obama.
Minh Châu (Theo The Diplomat)

>> xem thêm

Bình luận(0)