“Lệ làng” và hình phạt bị hãm hiếp man rợ ở Pakistan

Google News

Pakistan từ nhiều thế kỷ qua đã có truyền thống xét xử các vấn đề được biết đến với tên gọi jirga hay panchayat.

Ngày 16.7, nam thanh niên tên Umar Wawda đã cưỡng bức một bé gái 12 tuổi ở Muzaffarabad - một ngôi làng gần thành phố Multan, Pakistan. Vụ hãm hiếp man rợ đã được đưa ra trước panchayat để xét xử.

Hai ngày sau, các bô lão trong hội đồng ra hình phạt cưỡng hiếp em gái 16 tuổi của Umar Wawda để xử phạt. Thông tin về vụ việc được báo cho cảnh sát ngày 20.7. 

Theo nguồn tin của CNN, 2 chị gái lớn của cô gái 16 tuổi bị gọi đến để chịu hình phạt này. Tuy nhiên, các thành viên trong hội đồng bô lão quyết định thiếu nữ 16 tuổi sẽ là người chịu hình phạt.

"Bà mẹ và các chị gái của cô gái này đều phản đối, nhưng các bô lão trong hội đồng làng đã mang súng ra và đe dọa giết họ", nguồn tin nói.

Ông Ahsan Younus - cảnh sát trưởng thành phố Multan chia sẻ trên Reuters: “Tổng cộng 29 người liên quan đến tội ác này. Chúng tôi đã bắt giữ 25 người trong số đó”. 

Trên phạm vi cả nước Pakistan, jirga/panchayat rất phổ biến nhưng không được tòa án, cảnh sát công nhận. 

“Le lang” va hinh phat bi ham hiep man ro o Pakistan
 Năm 2002, một vụ việc tương tự gây chấn động dư luận quốc tế. Ảnh: Reuters

Từ vụ thiếu nữ 16 tuổi bị xét xử bằng hình phạt bị cưỡng hiếp đã gợi lại một vụ việc tương tự, từng gây chấn động dư luận quốc tế năm 2002. 

Năm 2002, một phụ nữ tên Mukhtaran Mai đã bị hội đồng bô lão của làng xử cưỡng hiếp sau khi em trai của cô bị cáo buộc có quan hệ bất chính với một phụ nữ lớn tuổi hơn ở làng đối địch Mastoi. 

Mukhtaran Mai bị lôi vào nhà, hãm hiếp và đẩy ra ngoài trong tình trạng trần truồng. Khoảng 200 người có mặt ở gần đó theo dõi tội ác này mà không can thiệp. Cha của Mukhtaran Mai vì quá sợ hãi nên không thể làm gì để cứu con.

Các cuộc điều tra sau đó cho thấy, cáo buộc về em Mukhtaran Mai là sai sự thực. Trên thực tế, 3 người đàn ông của làng Mastoi đã quấy rối em trai của Mukhtaran Mai.

Mukhtaran Mai sau đó đã đưa những kẻ cưỡng bức mình ra tòa để xét xử hình sự. Theo New York Times, sau một cuộc điều tra và xét xử kéo dài, các thẩm phán đã tha bổng hầu hết 14 người bị buộc tội trong vụ hiếp dâm tập thể này. Reuters cho hay, 6 người bị kết án tử hình cuối năm đó, tuy vậy, 5 người sau đó được trắng án. 

Mukhtaran Mai trở thành một biểu tượng quốc tế về quyền của phụ nữ, giành nhiều giải thưởng và thành lập một trường học. Câu chuyện của cô thậm chí còn gợi cảm hứng cho một vở opera mang tên "Thumbprint" công chiếu ở New York năm 2014.

Mukhtaran Mai - nhà hoạt động tích cực về nữ quyền tại Pakistan chia sẻ với tờ Geo News sau khi nghe vụ việc về thiếu nữ 12 tuổi và 16 tuổi: "Những vụ việc như vậy nhắc nhở tôi về những gì đã xảy ra với mình năm 2002”. 

"Có vẻ như không có gì thay đổi kể từ năm 2002", "có vẻ như những nỗ lực của tôi trong 15 năm đã trở nên lãng phí" - Mukhtaran Mai chia sẻ trong các cuộc phỏng vấn với truyền thông quốc tế về vụ việc.

Những vụ việc gây rúng động dư luận quốc tế nhấn mạnh tới vấn đề bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái ở Pakistan. Theo một cuộc khảo sát năm 2011 của Thomson Reuters Foundation, Pakistan là quốc gia xếp vị trí thứ 3 trên thế giới về mức độ nguy hiểm cho phụ nữ. Theo Ủy ban Nhân quyền Pakiststan, hơn 1.000 phụ nữ và trẻ em gái của nước này là nạn nhân của những "vụ giết người vì danh dự" mỗi năm.

Nhưng cũng đã có những tiến bộ được thực hiện. Theo Reuters, năm ngoái, các nhà lập pháp Punjab đã đưa ra sự bảo vệ chưa từng có cho các nạn nhân nữ khỏi các hành vi bạo lực, thông qua một đạo luật quy định tội phạm hóa tất cả các hình thức bạo lực đối với phụ nữ gồm bạo lực gia đình, bạo lực tâm lý hay tình dục. Đạo luật cũng yêu cầu thành lập cơ quan bảo vệ phụ nữ và lập đường dây nóng...

Theo HL/NLĐ

>> xem thêm

Bình luận(0)