Trung Quốc tham vọng xây đường tàu xuyên Nga tới Mỹ

Google News

(Kiến Thức) -Trung Quốc muốn xây dựng đường tàu nối giữa Bắc Kinh và Alaska của Mỹ, đi qua Siberia của Nga.

Theo tờ Thời báo Bắc Kinh, các quan chức Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng đường tàu bắt đầu từ vùng đông bắc Trung Quốc, đi qua phía đông Siberia (Nga) cũng như vượt qua eo biển Bering bằng đường hầm dài hơn 200km vào Alaska (Mỹ).
"Vượt qua eo biển Bering giữa Nga và Alaska sẽ cần đường hầm dài hơn 200km", tờ Thời báo Bắc Kinh trích lời phát biểu của ông Wang Mengshu – chuyên gia đường sắt tại Học viện Kỹ thuật Trung Quốc. 
Dự án đường tàu Trung Quốc – Nga – Canada - Mỹ sẽ có độ dài lên dến gần 13.000km. Dự án này dài hơn gần 3.000km so với đường tàu nổi tiếng Trans-Siberian.
“Hiện thời, Trung Quốc đang bắt đầu thảo luận với các nước. Nga đã nghĩ về vấn đề này trong nhiều năm”, ông Wang Mengshu cho hay.
Tàu cao tốc của Trung Quốc. 
Đường hầm vượt eo biển Bering của Trung Quốc dài hơn 4 lần so với đường hầm nối giữa Pháp – Anh. Toàn bộ hành trình nối giữa Trung Quốc – Nga – Canada - Mỹ sẽ kéo dài 2 ngày với tốc độ trung bình của tàu là 350km/h.
Theo tờ Nhật báo Trung Quốc, công nghệ đường hầm của Trung Quốc đã có sẵn và sẽ được sử dụng để xây dựng đường tàu cao tốc giữa tỉnh Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc và Đài Loan.
Đường tàu giữa Trung Quốc và Mỹ nếu trở thành hiện thực sẽ trở thành một trong 4 dự án đường sắt cao tốc quốc tế của Trung Quốc. Dự án thứ nhất nối giữa London, Paris, Berlin, Warsaw, Kiev, Moscow và tiến vào Trung Quốc qua 2 ngả Kazakhstan và phía đông Siberia. Một dự án khác của Trung Quốc sẽ đi từ phía tây nước này tới Đức qua Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Dự án thứ 3 sẽ đi từ Côn Minh tới Singapore. Các dự án kể trên đều đang trong quá trình lên kế hoạch và phát triển. Trung Quốc cũng đang có ý đồ xây dựng thêm đường sắt tới châu Phi.
Một dự án khác đang được Trung Quốc thi công là đường sắt nối giữa Trung Quốc và Singapore qua Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Malaysia.
Trong vòng nửa thập kỷ trở lại đây, Trung Quốc đã bắt tay vào xây dựng hàng chục nghìn km đường sắt cũng như lên kế hoạch xây dựng các đường tàu cao tốc. Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch xây dựng “Con đường Tơ lụa mới” nhằm vận chuyển hàng hóa nặng qua Trung Á tới châu Âu.
Các kế hoạch của Trung Quốc gặp rất nhiều hoài nghi. Chưa có bất cứ chuyên gia đường sắt nào của Trung Quốc xuất hiện ở các hội thảo quốc tế để bày tỏ sự hỗ trợ cho dự án kể trên. Việc chính phủ Trung Quốc tham khảo ý kiến từ Nga, Mỹ, Canada hay các nước khác đều không rõ ràng. Chỉ tính đến đường hầm qua eo Bering, nếu đường hầm này được hoàn thành, nó sẽ trở thành đường hầm dưới biển dài nhất thế giới và là một thành tích chưa từng có của kỹ thuật xây dựng đường hầm.
Lê Trang

Bình luận(0)