Đại hội đồng đã thông qua một nghị quyết khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý, dẫn đến việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của họ là bất hợp pháp. Trong cuộc bỏ phiếu về nghị quyết
Ukraine nói trên, 100 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ, 11 nước phản đối và 58 phiếu trắng.
Truyền thông phương Tây nhấn mạnh, số phiếu ủng hộ cao hơn hẳn so với sự dự đoán ban đầu. Hơn một nửa trong số 193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc đã ủng hộ nghị quyết cho thấy sự phản đối quốc tế rộng rãi việc Nga tiếp quản khu vực Biển Đen chiến lược.
|
Biểu tình ủng hộ Nga tại Crimea.
|
Tuy nhiên, không giống như Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có quyền lực thực sự mạnh mẽ hơn, nghị quyết do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua không thể bị phủ quyết nhưng không có tính ràng buộc pháp lý.
Về phía Nga, nước này đã lên tiếng bác bỏ luận điệu của truyền thông phương Tây khi cho rằng, việc thông qua nghị quyết phản ánh sự phản đối quốc tế rộng rãi việc Nga sáp nhập Crimea, tiếp quản khu vực Biển Đen chiến lược.
Đặc phái viên Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly Churkin nhấn mạnh: "Đại diện các quốc gia bao gồm Armenia, Belarus, Bolivia, Cuba, Triều Tiên, Nicaragua, Sudan, Syria, Venezuela và Zimbabwe đã đứng về phía Nga bác bỏ nghị quyết".
“Chúng tôi hài lòng với kết quả này vì nó phản ánh chúng tôi đã giành được chiến thắng về chính trị lẫn nhân nghĩa. Điều này cũng cho thấy, Nga rõ ràng không bị cô lập trong cộng đồng quốc tế”, ông Vitaly Churkin tuyên bố.
Trước đó, Nga đã dùng quyền phủ quyết chặn một nghị quyết tương tự về Ukraine tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Dù vậy, Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên đã tổ chức 8 cuộc họp về Ukraine khi các nước phương Tây cố gây áp lực với Moscow.
Ngày 16/3, người dân bán đảo Crimea đã tổ chức trưng cầu dân ý quyết định việc vẫn là một phần của
Ukraine hay gia nhập Nga. Kết quả, gần 97% cử tri đồng ý đưa Crimea quay trở về với "đất mẹ Nga".