Kem tẩy sạch cao răng
Chị Nguyễn Thị Minh Hà (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, khi được bạn bè giới thiệu một loại kem đánh răng có thể thay thế việc lấy cao răng, giúp tẩy hết các chất cặn bám dính trên răng nên chị mua về dùng và tặng cho người thân, giới thiệu bạn bè cùng mua. Sau khi lấy một lượng nhỏ kem đánh răng vào bàn chải, đánh khô theo đường tròn ở những răng có nhiều vết bẩn, răng trở nên trắng sáng. Chồng chị hút nhiều thuốc lá, uống cà phê, sau khi đánh răng cũng thấy sáng bóng. Chị Hà đưa cho tôi xem tuýp kem đánh răng này để kiểm chứng.
Về hình thức thì nó giống hệt một tuýp kem đánh răng thông thường. Trên sản phẩm ghi kem có công dụng làm trắng bóng, đẹp răng, tẩy sạch cao răng và các vết bẩn bám chắc trên răng do thuốc lá, cà phê, chè, thức ăn gây nên, trung hòa axit có hại cho răng, làm sạch miệng, tạo hơi thở thơm, không ảnh hưởng đến men răng. Thành phần của kem đánh răng gồm các thuật ngữ khoa học như pumice, glycerin, aqua, propyene, glyco, silica, PEG 8, sodium laurylsufate....
Theo lời giới thiệu trên sản phẩm thì đây là một loại mỹ phẩm được nghiên cứu và bào chế đặc biệt để tẩy các vết bẩn bám chắc trên răng mà không cần sự can thiệp của máy móc, răng không bị ê buốt, lợi không bị chảy máu... Đánh răng mỗi tuần 2 lần sẽ cho hàm răng trắng bóng.
Để trải nghiệm sản phẩm, tôi cũng đem về dùng thử. Quả thực là răng trắng sáng trông thấy rõ ràng. Đem thắc mắc này hỏi TS Phạm Như Hải, Trưởng khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba thì được biết, trên thị trường có nhiều loại kem làm trắng sáng răng, tuy nhiên đừng thấy tác dụng tức thì là mua ngay và lạm dụng nó. Kem làm trắng răng nhanh như vậy ẩn chứa nhiều nguy cơ cho người dùng.
|
Theo lời giới thiệu trên sản phẩm thì loại kem tẩy các vết bẩn bám chắc trên răng mà không cần sự can thiệp của máy móc. |
Răng càng trắng càng mòn
Cũng theo TS Phạm Như Hải, đây gọi là loại kem làm sạch răng với nhiều thành phần khác nhau, trong đó chất làm trắng là mạnh nhất. Loại kem đánh răng này chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ, không được tự tiện dùng, đặc biệt là những người lạm dụng kem làm trắng răng sẽ dẫn đến những nguy cơ rất xấu cho răng. Nó có thể cho một hàm răng trắng bóng, nhưng răng càng trắng thì càng chứng tỏ nó bị bào mòn nhiều. Trường hợp bị bào mòn quá mức, răng sẽ trở nên yếu, nguy hại cho sức khoẻ.
"Đây là sản phẩm hỗ trợ người bị bệnh viêm răng và hoàn toàn không thay thế việc lấy cao răng. Đánh răng hằng ngày, đúng cách là một biện pháp để cao răng không bám dính. Tuy nhiên, vẫn phải đến các viện, phòng khám răng để lấy cao răng định kỳ thì mới đảm bảo được sức khoẻ răng miệng", TS Phạm Như Hải cho biết.
Các chuyên gia răng miệng cho hay, sau khi ăn khoảng 15 phút sẽ có một lớp màng mỏng bám vào răng. Nếu màng bám không được làm sạch thì các lớp vi khuẩn sẽ bám vào màng này và tích tụ ngày càng dày lên. Khi các mảnh vụn thức ăn, các chất khoáng trong miệng tiếp tục bám dính vào sẽ hình thành nên những màng cứng xung quanh cổ răng gọi là cao răng. Thành phần của cao răng gồm cacbonat canxi và phốt pho, vi khuẩn, xác các tế bào biểu mô. Ngoài ra còn có sự lắng đọng sắt của huyết thanh trong máu, nước bọt. Để biết mình có cao răng nhiều hay ít, chỉ cần để ý bên trong của răng mỗi khi vệ sinh răng miệng sẽ thấy rất rõ. Nếu như bên trong răng có màu vàng, nâu, đen không đều thì đó chính là cao răng. Các nha sĩ thường khuyến cáo bạn nên lấy cao răng định kỳ 6 tháng/lần.
"Lấy cao răng không đúng cách có thể làm mòn mất độ bóng hoặc vỡ men răng. Vì thế, nên lấy cao răng ở một phòng khám nha khoa có uy tín. Bên cạnh đó, hãy chăm chỉ súc miệng hằng ngày bằng nước súc miệng và đánh răng ngày 2 lần. Làm như thế sẽ rất lâu sau mới có cao răng trở lại. Việc đánh răng thường xuyên và đúng cách đã được coi là một phương pháp lấy đi cao răng rồi".
TS Phạm Như Hải