Nghìn lẻ bà vợ và nhân tình của công tử Bạc Liêu

Google News

Với sự giàu có và độ ăn chơi nổi tiếng khắp cõi Đông Dương, không khó để công tử Bạc Liêu chinh phục những mỹ nữ thời bấy giờ.

Nhắc tới Công tử Bạc Liêu, người ta nghĩ ngay đến hình ảnh những “cậu ấm” ăn chơi khét tiếng, tiêu tiền như nước. Đó là cụm từ dân gian miền Nam đặt ra từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 để chỉ các công tử con nhà giàu có sống ở tỉnh Bạc Liêu thời Pháp thuộc.
Nổi tiếng nhất trong số các công tử Bạc Liêu là Trần Trinh Huy (1900-1974) với nhiều tên gọi khác như Ba Huy, Hội đồng Ba, Hắc Công Tử (do làn da ngăm đen của ông, và để phân biệt với Bạch Công tử, con trai ông đốc phủ Sảng, “cao thủ ăn chơi” ở đất Tiền Giang).
Nghin le ba vo va nhan tinh cua cong tu Bac Lieu
Vợ chồng công tử Bạc Liêu. 
Các bà vợ của Công tử Bạc Liêu
Trần Trinh Huy là một con người tràn trề sinh lực, cộng thêm sự giàu có tột bậc đã khoác lên người Ba Huy cái nét quý phái, sang trọng.
Ngoài người vợ chính thức là bà Ngô Thị Đen (mất năm 1973) thì Công tử Bạc Liêu còn thêm mấy bà vợ không chính thức nữa. Nói là không chính thức chứ con cái của họ sau này đều được Trần gia thừa nhận. Người vợ không chính thức đầu tiên là bà vợ đầm, Trần Trinh Huy lấy được khi du học bên Pháp. Bà vợ này ở với Ba Huy có 1 đứa con sau này là phi công.
Bà đầm có sang Việt Nam ở trong nhà lớn một thời gian. Nghe nói có lần bà ta lên lầu thì té trật chân. Dân Bạc Liêu thời đó đồn ầm lên rằng, bà đầm lên lầu bắt gặp một ông già râu tóc trắng phếu, mở miệng rộng hoác, cười sang sảng, bà đầm hoảng hốt rồi té. Họ còn cho rằng đó là ông Thần Tài thật lớn của Trần gia.
Người đời còn thêu dệt thêm một câu chuyện nữa không biết rằng có hay không như sau:
Ba Huy mở tiệc đãi bạn ở Sài Gòn về chơi, trong mâm có một món mắm kho, bà đầm nhìn thấy rồi rùng mình và bảo rằng:
- Không thể nào ăn được cái món mọi rợ này.
Ba Huy nghe thì tức giận, tát cho cô vợ đầm một cái, sau đó thì đuổi về Pháp. Chính bà vợ đầm này đã góp phần nâng vị thế của Ba Huy trong giới quý phái và giới ăn chơi ở Sài Gòn, lục tỉnh. Thời đó, bọn Tây thực dân rất khinh rẻ người Việt, họ gọi ta là bọn A-na-mít. Không khi nào họ đem con gả cho người Việt. Vậy mà Ba Huy thì “vớt” được một cô vợ Tây, nghe đâu cũng là gia đình trâm anh thế phiệt.
Người vợ không chính thức thứ hai mà đến bây giờ hậu duệ họ Trần không nhớ được tên, chỉ biết rằng bà này ở với Ba Huy sinh được 2 người con, 1 trai 1 gái là Hiếu và Thảo. Thảo sau lấy chồng là Chánh án Tòa án tỉnh Biên Hòa (chế độ cũ).
Người vợ không chính thức thứ ba thì sinh ra 2 người con đặt tên là Nhân và Đức. Và người vợ không chính thức sau cùng ở với Ba Huy đến khi ông xuôi tay nhắm mắt; sinh được 4 người con, 2 trai và 2 gái tên là: Hoàn, Toàn, Trinh, Nữ. Bà này tên là Ba, nhỏ hơn Ba Huy đến suýt soát 40 tuổi. Sau khi Trần Trinh Huy qua đời, gia đình bà bán nhà ra Vũng tàu ở rồi mở nhà hàng hải sản, sinh sống tới ngày nay. Những người trong gia đình Trần Trinh, trong đó có Phan Kim Khánh nói rằng, bà vợ út của Trần Trinh Huy là cực kỳ xinh đẹp. Và họ kể rằng chuyện bà Ba về ở với Công tử Bạc Liêu cũng là một câu chuyện ly kỳ.
Đó là vào khoảng đầu thập niên 60, một buổi chiều, Trần Trinh Huy đứng trên ban công ngôi biệt thự của mình ở Sài Gòn để hóng gió thì chợt thấy một người con gái gánh nước đi ngang. Nhìn kỹ, tâm thần Ba Huy bấn loạn, ở đâu mà có một nàng tiên mày ngài mắt phượng xuất hiện thế này? Ba Huy hỏi người nhà và được biết, đó là một cô gái gánh nước mướn trong khu phố, là con gái thứ ba của ông già vá vỏ xe đạp ở đầu đường. Lúc này, Trần Trinh Huy đã hơn 60 tuổi rồi. Một bữa, Ba Huy đến trực tiếp gặp ông già vá vỏ xe rồi nói thẳng:
- Tôi thích con gái của ông, nếu ông gả cho tôi, tôi sẽ cho ông 1 căn phố lầu…
Ông già vá vỏ xe về suy nghĩ nhiều đêm. Căn phố lầu là chuyện cả đời ông không dám mơ ước. Công tử Bạc Liêu tuy già nhưng cả Sài Gòn này ai mà không biết ông ta giàu, nếu gả con gái cho ông ta thì đời nó sẽ sướng hơn nhiều, sẽ vĩnh viễn đi qua cái cảnh oằn lưng gánh nước mướn. Thế là ông đồng ý. Công tử Bạc Liêu liền kêu người làm khế ước cho ông 1 căn phố lầu như đã hứa.
Trong các bà vợ không chính thức của Công tử Bạc Liêu, có một bà vốn là vợ của bác vật (kỹ sư). Anh này vốn là bạn thân của Ba Huy, hai người cùng du học ở Pháp, từng giao hảo với nhau nhiều năm. Thế mà Công tử Bạc Liêu lại “đổ lọp” vợ bạn. Nhà bác vật biết được liền kêu Ba Huy đến giao vợ. Vì thế mà đương thời người Bạc Liêu chê bai Công tử Bạc Liêu rất dữ. Họ khen Phan Kim Cân hào hiệp bao nhiêu thì họ chê Công tử Bạc Liêu bất nghĩa bấy nhiêu…
Nhân tình nhân ngãi của Công tử Bạc Liêu
Trên đây mới chỉ là sơ bộ các bà vợ chính thức hoặc không chính thức của Công tử Bạc Liêu, còn nhân tình nhân ngãi của Ba Huy thì có trời mới biết hết(!). Có lần, Trần Trinh Huy cỡi ngựa ra sở điền Cổ Cò (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng ngày nay), một ông già dẫn đến một đứa bé mặt mày bặm trợn giống thằng cha… Ba Huy, rồi lột khăn xá Công tử Bạc Liêu và thưa:
- Bẩm cậu Ba, hôm nay con dẫn cháu ngoại con đến ra mắt cậu Ba.
Trần Trinh Huy hỏi:
- Nó là ai ?
Ông già thưa:
- Bẩm, nó là con của cậu Ba.
Trần Trinh Huy ngồi thừ ra, cố nhớ nhưng cũng không sao nhớ được. Ông già bèn kể :
- Năm kia, cậu Ba đi cúng đình ở Hòa Tú, trưa nắng, cậu Ba ghé nhà con ở mé sông uống nước, cậu Ba thấy con gái con, cậu Ba kêu “gả” cho cậu Ba thì cậu ba bãi số nợ con hỏi ở nhà lầu và cho thêm 150 giạ lúa. Sau đó thì con gái con có thai…
Trần Trinh Huy lại ngồi thừ ra, lại nặn óc cố nhớ và lại không thể nhớ nổi nó nằm ở khoảng nào trong trăm ngàn cuộc vui của kẻ phong tình. Thế nhưng, vốn tính dễ dãi, phóng khoáng, Ba Huy gọi tằng khạo cho ông một khoản tiền tương đương với 500 giạ lúa và mua cho thằng bé một chiếc xe đạp rồi dặn dò:
- Về cho nó đi học, khi nào khó khăn thì lên tìm tôi …
Một cụ bà quê ở Bàu Sàng, đã từng là nạn nhân của những cuộc trăng gió của Trần Trinh Huy, khi người viết tập sách viết những dòng này thì cụ đã qua đời cách đây gần 1 năm. Bà đã kể về thói chơi gái của Công tử Bạc Liêu. Năm đó, khi từ Bạc Liêu vào nhà lầu để kiểm tra việc thu lúa ở sở điền Bàu Sàng. Lúc ngồi trên ghe hầu ngắm cảnh, Ba Huy chợt thấy một cô gái nha sắc mặn mòi đang ngồi giặt áo dưới bến sông. Hỏi ra, biết được đó là cô S. con của ông H.D, là tá điền của mình. Đến nhà lầu, Trần Trinh Huy gọi tằng khạo Tư lên bảo:
- Mày qua nhà ông H.D. nói với ổng cho cậu Ba mượn con S. về nhà lầu nấu cơm một đêm.
Nhận được tin, ông cảm thấy như sét đánh ngang mày, ông thừa biết chuyện “nấu cơm” của Ba Huy là chuyện gì. Rồi ông dậm cẳng kêu Trời. Thế nhưng, ông đang mướn gần 1.000 công đất của ông Hội, nhà cửa ông cất trên đất đai ông Hội… Nếu không cho con qua, chắc chắn ông Hội đồng Ba sẽ đuổi ông đi khỏi điền Bàu Sàng.
Đi thì biết trôi nổi về đâu, rồi cả nhà sẽ lâm vào cảnh khổ, thôi thì đành lấy đời trong trắng con gái để cứu cả nhà. Vợ chồng ông gạt nước mắt nhìn con gái thơ ngây, bé bỏng của ông theo tằng khạo Tư về nhà lầu. Đêm đó, Công tử Bạc Liêu giở trò, cô S. vì quá nhỏ nên ngất xỉu. Trần Trinh Huy hoảng hốt, nửa đêm sai tằng khạo Tư chở cô S. về trả, rồi cho 80 đồng với lời dặn:
- Kêu ông H.D chở nó đi trị bệnh.
80 đồng lúc ấy trị giá bằng 400 giạ lúa!
Sau đó, chuyện này vở lẽ ra, tá điền ở Bàu Sàng ai cũng biết. Người ta bảo: Công tử Bạc Liêu cũng chẳng phải là trang mã thượng anh hào hay bậc phong lưu tao nhã, cũng là cùng một “giuộc” với bọn cường hào địa chủ đương thời, dùng tiền tài, quyền lực để làm nhục tá điền.
Vào khoảng năm 1940, trong các dịp lễ cúng Kỳ yên, Trần Trinh Huy đã mở một cuộc thi với tên gọi “Đấu xảo sắc đẹp”. Đây có lẽ là một trong những cuộc thi Hoa hậu sớm nhất ở ĐBSCL(?). Ba Huy treo giải thưởng khá cao, người trúng giải có thể được tặng một khoản tiền mua được cả trăm giạ lúa hay hiện vật là một chiếc kiềng vàng… Vì thế, nó có sức quy tụ gần như tất cả gái đẹp ở Bàu Sàng.
Trần Trinh Huy làm chủ khảo, các tằng khạo, hương ấp nằm trong Ban giám khảo. Trong dãy nhà ngang của nhà lầu – nơi tổ chức cuộc thi – Ba Huy ngồi giữa, các thành viên Ban giám khảo ngồi hai bên. Từng cặp hai cô gái đi chầm chậm đứng trước mặt Trần Trinh Huy để ông ta chấm điểm. Sau 2 – 3 vòng tuyển, Ba Huy chọn ra một cô gái đẹp nhất để trao giải. Nghe nói, cũng có chọn “Á hậu”. Dân Bàu Sàng kỳ cựu đến giờ vẫn còn nhớ tên những “Hoa hậu” của sở điền Bàu Sàng thời ấy như: bà A., bà B., bà Bảy D., bà M.R (người Khmer), bà T., bà Th. (con tằng khạo Hai)…
Sau đó, bằng những thủ đoạn quyền lực và tiền của, những cánh hoa đồng nội tươi tắn ấy đều rơi lả tả dưới tay Công tử Bạc Liêu. Trong số đó, Ba Huy thương nhất là bà Bảy D. Tuy không có dẫn về nhà lớn, nhưng Ba Huy xem bà Bảy D. như vợ bé. Mỗi lần vô điền, ông ta đều gọi bà Bảy D. đến. Đặc biệt, những lúc đi lễ ở bên tháp Vĩnh Hưng, Ba Huy đều kêu bà xuống ghe hầu đi chơi. Bà D. ở với Ba Huy được 1 người con trai. Để kỷ niệm những cuộc ân ái qua những lần đi Vĩnh Hưng, bà D. đặt con tên Hưng.
Mỗi tháng, Trần Trinh Huy đều cấp cho bà D. 5 đồng để nuôi con. Bài vè Nọc Nạng nói: “Lúa thời đồng hai” vào năm 1928, thế nhưng sau cuộc khủng hoảng ở châu Âu, lúa xuống giá chỉ còn 2 – 3 cắc/giạ, thế nên 5 đồng mà Ba Huy cấp cho bà D., nuôi con mua đến 25 giạ lúa. Đây coi như là một khoản chu cấp hào phóng.
Đứa con của bà D. lên 7 tuổi thì té sông chết. Chính điều này đã làm cho Trần Trinh Huy giận, nên bỏ bà D. bơ vơ, sau đó bà đi lấy chồng là ông H. thợ may, rồi bệnh chết.
>>> Mời quý độc giả xem video Chuyện ấy của các Hoàng đế xưa (nguồn Youtube):
Theo VnTinnhanh

Bình luận(0)