Lê Thánh Tông và những mối tình với tiên nữ

Google News

(Kiến Thức) - Có lẽ vua Lê Thánh Tông là một trong số ít những vị vua có nhiều giai thoại tình ái liên quan đến thần tiên trong lịch sử nước ta.



Tiên Đồng – Ngọc Nữ

Triều vua Lê Thánh Tông là thời đại thái bình thịnh trị trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Dưới triều vua này, uy tín đất nước được nâng cao. Bên ngoài thì các lân bang kính nể, bên trong thì nhân dân no ấm. Xung quanh Lê Thánh Tông có những quần thần giỏi giang phò tá như Lương Thế Vinh, Thân Nhân Trung…Thực là một triều đại vua sáng tôi hiền.

 Tượng Lê Thánh Tông tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: Ngoisao.vn.

Quanh các vĩ nhân thường có truyền thuyết giai thoại ly kỳ để làm nhân vật thêm phần hào quang huyền ảo. Trường hợp Lê Thánh Tông cũng vậy. Để giải thích cho sự anh minh của nhà vua, dân gian đã lưu truyền nhiều truyền thuyết nói rằng ông vốn là Tiên Đồng được Ngọc Hoàng cử xuống làm vua nước Nam. Một trong những truyền thuyết đó là câu chuyện về một bà phi của nhà vua.

Truyện kể rằng khi Nguyễn Trãi bị án chu di 3 họ thì may mắn có 1 người vợ lẽ trốn thoát được. Bà này lúc ấy đang có mang. Sau đó, bà sinh được 1 cô con gái, đặt tên là Nguyễn Thị Đào. Cô Đào có nhan sắc xinh đẹp lại có năng khiếu gảy đàn, chỉ đáng tiếc là cô bị câm bẩm sinh.

Sau khi mẹ mất, Nguyễn Thị Đào lưu lạc lênh đênh. Nhờ có tài gảy đàn, cô được tuyển vào một đội nữ nhạc. Khi đội nhạc này được gọi vào hoàng cung để phục vụ, cô cũng được tham gia mặc dù bị câm.

Có lần đội nhạc được biểu diễn cho vua Lê Thánh Tông và Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao xem. Thấy các cô khác thì hết múa lại hát còn cô Đào thì chỉ gảy đàn hoặc gõ phách mà không nói lời nào, nhà vua mới hỏi: “Còn cô này, sao không hát đi?”.

Bỗng cô Đào đứng bật dậy hát một câu Nôm: “Ví dù duyên chẳng nợ nần, thì đem nhau xuống cõi trần làm chi”. Cả đội nhạc đều ngạc nhiên vì cô vốn bị câm mà nay lại nói được. Không những thế, giọng hát của cô còn rất hay nữa. Trong khi mọi người còn đang choáng váng thì cô đọc tiếp một bài thơ chữ Hán nữa. Đại ý bài thơ nói về cuộc xum họp của một đôi uyên ương vì lẽ gì đó mà phải tạm xa nhau, nay mới được gặp lại.

 Theo truyền thuyết, Nguyễn Thị Đào chính là "Ngọc Nữ". Ảnh minh họa.

Nhà vua vốn là một người giỏi thơ văn, nghe giọng hát và bài thơ hay nên hỏi: “ Ai đã dạy cô hát?”. Cô Đào sau lúc đột nhiên nói được thì chính mình cũng đang ngạc nhiên nên khi vua hỏi thì bối rối không biết phải trả lời làm sao. Người Quản giáp của đội nhạc mới thay lời, tâu vua mọi nhẽ về hoàn cảnh của Đào và không quên chêm vào đó lời tâng bốc rằng nhờ sự anh minh của hoàng thượng đã giúp cô lấy lại được tiếng nói.

Thái hậu Ngọc Dao cũng có mặt trong canh hát. Nãy giờ bà đang nhìn Nguyễn Thị Đào rất kỹ. Khuôn mặt này, dáng người này dường như bà đã quen lắm, không biết đã gặp ở đâu. Một hồi sau bà à lên một tiếng, đã nhớ ra được cô gái này rồi bèn kể cho vua Thánh Tông nghe rằng: “Hồi còn hoài thai Hoàng Thượng, có lần ta nằm mơ được lên Thiên đình, Ngọc Hoàng phán bảo cho ta một Tiên Đồng đầu thai để sau này làm vua nước Nam. Rồi ngài lại truyền chỉ cho một Ngọc Nữ cùng theo xuống. Cô gái này giống Ngọc Nữ ta gặp trong mơ như đúc”.

Đoạn kết của câu chuyện, theo sách 36 tình sử Thăng Long Hà Nội, Nguyễn Thị Đào được vua phong làm cung phi và hết sức sủng ái. Tuy vậy, sử sách không chép rõ nhà vua và vị “Ngọc Nữ” này có hoàng tử, công chúa nào không.

Tiên nữ bay đâu mất

Chùa Ngọc Hồ ở kinh đô dựng từ thời Lý, thường có tiên nữ hiện ra nên còn có tên là Tiên Phúc. Một lần vua Lê Thánh Tông sau khi tới Văn Miếu đã ghé thăm chùa này vãng cảnh. Vừa dừng chân, vua đã nghe thấy tiếng ni cô tụng kinh vang vọng. Giọng ni cô trong trẻo, du dương khiến nhà vua dù chưa thấy mặt mà đã bồi hồi xao xuyến. Vua liền sai mang nghiên bút đề lên vách chùa hai câu thơ: “Tới nơi thấy cảnh thấy người, tuy vui đạo Phật chưa nguôi lòng trần”.

Lê Thánh Tông là người đã lập ra hội Tao đàn do chính nhà vua là chủ soái, bên dưới là các bề tôi giỏi thơ văn, hay chữ. Ngày thường, lúc rảnh rỗi nhà vua và các quần thần vẫn thường ngâm thơ xướng họa với nhau. Do vậy, Thánh Tông vừa viết 2 câu thơ lên vách một lát thì Thân Nhân Trung đã dâng lên một bài thơ lấy ý hai câu vua vừa viết làm chủ đề.

Bài thơ viết:

Ngẫm sự trần duyên khéo nực cười
Sắc không tuy Bụt hãy lòng người
Chày kình một tiếng tan niềm tục
Hồn bướm canh ba lẩn sự đời
Bể ải ngàn trùng mong tát cạn
Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi
Nào nào cực lạc là đâu tá?
Cực lạc là đây rõ chín mười

Vua bèn trao bài thơ cho vị ni cô xem và có ý bảo họa lại. Xem qua một lát, vị nữ tu cất giọng thanh thoát: “Muôn tâu bệ hạ, kẻ tu hành thấy 2 câu thực (câu 3 và 4) chưa chỉnh, mạn phép sửa lại: Gió thông đưa kệ tan niềm tục, Hồn bước mơ tiên lẩn sự đời.

Vua nghe xong ngạc nhiên quá, không ngờ vị nữ tu sĩ này đã sắc nước hương trời mà thơ phú, kiến thức cũng uyên bác như vậy. Vua nảy lòng yêu thương mới phán bảo: “Ái khanh sửa như thế hay lắm. Ta thực không ngờ. Tiện đây ái khanh hãy sửa soạn cùng ta hồi cung để sớm tối cùng nhau đàm luận thơ phú”. Vị nữ tu hốt hoảng: “Muôn tâu bệ hạ, bần tăng đã cắt tóc đi tu”.

Vua bèn làm mặt giận: “Ái khanh chớ không tuân thủ”. Không dám khi quân kháng lệnh, vị ni cô đành lên kiệu theo vua về cung nhưng đến cửa Đại Hưng thì nàng biến mất. Theo cuốn Những thiên tình sử nước Việt, nhà vua cho đây là tiên nữ giáng trần nên cho làm một cái lầu cao gọi là lầu Vọng Tiên ở ngay chỗ phát hiện nàng biến mất để tưởng nhớ.

TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
Vũ Tiến Đức

Bình luận(0)