Tài cầu mưa kỳ lạ của Vua Lê Thánh Tông

Google News

Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại về việc vua làm thơ mà cầu được mưa.

Là một minh quân nổi bật trong lịch sử, bên cạnh những thành tựu xây dựng trong thời gian làm vua của mình, vì tầm ảnh hưởng và vai trò lớn lao của mình mà Lê Thánh Tông còn được huyền thoại hóa, bao phủ bởi những giai thoại lạ kỳ do người đời thêu dệt.

Thậm chí có những câu chuyện tưởng chừng huyễn hoặc nhưng vẫn được sử sách chính thống chép lại khiến hư thực, đúng sai hòa lẫn càng làm cho con người vị Hoàng đế anh minh này thêm thú vị.

Một trong số các câu chuyện như vậy được bộ sử lớn- Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại về việc vua làm thơ mà cầu được mưa. Chuyện xảy ra vào đầu năm Bính Thìn (1496) tại huyện Lương Giang (nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) trong dịp vua từ Thăng Long về quê bái yết lăng miếu tổ tiên và các vị tiên vương. Sách chép rằng:

“Mùa xuân, tháng 2, ngày mồng 4, vua ngự thuyền đi Đông Kinh bái yết các lăng tẩm. Ngày 11, làm lễ tấu cáo. Ngày 12, dựng cầu bến Tế Độ ở ngoài cửa Quang Đức. Vua viết sách Xuân vân thi tập.

Rồng phun mưa. Tranh minh họa.
Rồng phun mưa. Tranh minh họa.
Ngày 14, trời không mưa. Vua cầu đảo, tự tay viết các bài thơ trong thi tập của mình ra 4 tờ giấy, sai Nguyễn Đôn dán trên tường đền thờ thần. Hôm ấy, canh một trời mưa nhỏ, đến canh năm mưa to, nước tràn trề. Vua đề thơ ở miếu Hoằng Hựu rằng: “Cựu linh anh khi chấn dao thiên/Uy lực nghiêm đề tạo hóa quyền/Khấu vấn sơn linh năng nhuận vật/Thông vi cam vũ tác phong niên”.

Nghĩa là: “Khí thiêng lừng lẫy dậy trời cao/Tạo hóa quyền uy nắm chắc sao/Sơn thần nếu biết nhuần muôn vật/Hãy tuôn mưa ngọt, lúa vàng trao”.

Trước đó, vào năm Bính Thân (1476) vua Lê Thánh Tông cũng đã cầu đảo và làm một bài biểu cầu mưa, sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết như sau: “Mùa hạ, tháng 4, hạn hán. Ngày 23, vua cầu đảo Hạo Thiên Thượng Đế là vì từ mùa đông tới mùa hạ ít mưa.

Xét bài biểu cầu mưa đại lược viết: Kẻ không có đức, thần Lê mỗ xin dốc hết lòng chí thành, dâng lời kêu với đức Thái thượng khai thiên chấp phù ngự lịch hàm chân thể đạo hạo thiên chí tôn ngọc hoàng thượng đế bệ hạ: Nay từ mùa đông đến mùa hạ ít mưa, nắng suốt, việc dân vất vả. Người làm thợ, đi buôn không chỗ nương nhờ, kẻ cày ruộng chăn tằm hết bề trông ngóng. Chỉ vì thần không có đức, để đến nỗi trăm họ chịu tai ương.

Bọn dân ngu nhớn nhác kêu thương, cơ hồ đến hết phương sinh sống. Vì thế, thần dám đâu không gõ cửa Đế đình để giãi tỏ lòng xót thương, để tâu bày niềm kinh sợ. Cúi xin ngài tha thứ cho tội lỗi, đổi tai họa thành điềm lành, ban cho mưa móc lớn, thấu khắp đến mọi nơi. Thần kính cẩn xin tâu lời cầu khẩn”.

Trong sách Đồng Khánh chính yếu cũng có chép chuyện vua Đồng Khánh nhà Nguyễn cầu được mưa, sau khi linh ứng, tháng 3 năm Mậu Thìn (1868) ông đã ban sắc cho dân chúng được biết. Bản sắc viết rằng: “Gần đây gặp hạn hán, quan các phủ, các bộ đã thành kính cầu đảo nhiều lần mà chưa được ứng nghiệm. Nhận được tờ tâu của Bộ thần, trẫm ở trong cung cũng đã khấn xin. Ngày 17 lại sai viên Phủ thừa Nguyễn Văn Dụ mang bản sớ do trẫm đích thân viết ra đến điện Huệ Nam thành tâm cầu khấn, may liền được ngay trận mưa rào, nhưng vẫn chưa đủ nước tưới cho mọi nơi.

Ngày 21, đình thần lại xin trẫm thành tâm cầu xin cho dân. Sáng sớm hôm đó, sau khi phê duyệt các bản chương tấu xong thì đã muộn, trẫm ra ngoài tản bộ thư giãn, đến xẩm tối trẫm vào lầu Nhật Thành ngồi tĩnh tọa trai giới, tới đêm khuya thắp ba nén nhang làm bài văn khấn hướng về phía đàn Giao cầu xin.

Vào buổi tối và đêm các ngày 22 và 23 đều có mưa nhỏ, đến tối ngày 24 được trận mưa rào đổ xuống như trút nước. Đó chính là do trẫm một lòng kính trời thương dân day dứt mãi không thôi nên may được ứng nghiệm tốt lành như thế, thực rất mừng cho thần dân ta vậy”.

Hoàng đế Lê Thánh Tông (1460- 1497) tên húy là Lê Tư Thành, còn có húy khác là Lê Hạo, Lê Hiếu. Ông là vị vua thứ năm thời Lê sơ, ở ngôi 37 năm, trong lúc trị vì, ông đã đưa ra nhiều cải cách trong hệ thống quân sự, hành chính, kinh tế, giáo dục và luật pháp... Sử sách từ xưa đến nay và nhiều nhà sử học sau này đánh giá Lê Thánh Tông là một trong những vị vua tài ba trong lịch sử Việt Nam, là nhà văn hóa lớn và là người coi trọng người hiền tài. Thụy hiệu của vua Lê Thánh Tông được triều thần đặt sau khi ông mất là Sùng Thiên Quảng Vận Cao Minh Quang Chính Chí Đức Đại Công Thánh Văn Thần Vũ Đạt Hiếu Thuần Hoàng Đế.

(Theo Đất Việt)

[links()]

Bình luận(0)