Vì sao Hồ Quý Ly chọn tên nước là Đại Ngu?

Google News

(Kiến Thức) - Có thể nói, dưới triều đại nhà Hồ, ý nghĩa của quốc hiệu Đại Ngu - sự bình yên lớn - mới chỉ thực hiện được non nửa.

Từ tháng 3 năm 1400, sau khi Hồ Quý Ly lên nắm quyền, Quốc hiệu Đại Việt của dân tộc Việt đã được đổi thành Đại Ngu. Quốc hiệu này bắt nguồn từ truyền thuyết cho rằng họ Hồ là con cháu Ngu Thuấn – một vị vua của Trung Hoa cổ đại nổi tiếng vì đã đem lại sự bình yên và thịnh vượng cho dân chúng.

Chữ “Ngu” trong quốc hiệu “Đại Ngu” của nhà Hồ có nghĩa là “sự yên vui, hòa bình".  “Đại Ngu” có thể hiểu là ước vọng về một sự bình yên rộng lớn trên khắp cõi giang sơn.

Lịch sử đã ghi nhận những nỗ lực to lớn của nhà Hồ để hiện thực hóa mong muốn này.

Đó là những cải cách sâu sắc do Hồ Quý Ly thực hiện từ cuối thời Trần nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng toàn diện của xã hội. Sau khi Hồ Quý Ly lên ngôi và đổi quốc hiệu thành Đại Ngu, những cuộc cải cách này càng được đẩy mạnh và đem lại nhiều đổi thay cho đất nước.

Hồ Quý Ly đã thực hiện những cải cách thiết chế chính trị xã hội và hệ tư tưởng phong kiến với các biện pháp cụ thể như: Phát triển đội ngũ quan lại phong kiến quan liêu thay thế dần phong kiến quý tộc, giảm thiểu việc phát triển chùa chiền, không biệt đãi và đưa nhiều tôn thất họ Hồ vào bộ máy nhà nước nhằm đề cao tác dụng và trách nhiệm của hệ thống phong kiến quan liêu.

Trên bình diện kinh tế - xã hội, Hồ Quý Ly đã đưa ra nhiều biệp pháp cải tổ như thực hiện phép “Hạn điền" nhằm hạn chế chiếm hữu lớn về đất đai của quý tộc phong kiến, phép “Hạn nô” để hạn chế số lượng gia nô mà giới phong kiến quý tộc được sở hữu, bổ sung số gia nô dư thừa vào việc củng cố quân đội và chế độ phong kiến quan liêu. Dưới triều Hồ, tiền giấy đã được đưa vào sử dụng lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

Về văn hóa, giáo dục, Hồ Quý Lý khuyến khích việc sử dụng chữ Nôm, đề cao lối học thực dụng, phê phán những người chỉ biết tầm chương trích cú, học rộng nhưng viển vông. Việc thi cử cũng được cải tiến nhằm kém chọn nhiều người tài hơn.

  Thành nhà Hồ.

Mặc dù còn nhiều điểm chưa triệt để, song, các cải cách của Hồ Quý Ly đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của dân tộc trong giai đoạn nhà Hồ trị vì.

Dưới quốc hiệu Đại Ngu, người Việt cũng được chứng kiến những thành tựu to lớn về khoa học - kỹ thuật như việc phát minh ra súng thần cơ, thuyền cổ lâu (thuyền chiến lớn có hai tầng), những hệ thống thủy lợi quy củ, các công trình kiến trúc hoành tráng…

Thành nhà Hồ là một di sản quý giá mà Hồ Quý Ly để lại cho người Việt ngày nay. Công trình độc đáo này đã thể hiện bước phát triển mới trong phong cách kiến trúc và kỹ thuật xây dựng. Việc sử dụng kỹ thuật xây dựng bằng những khối đá lớn là thành tựu chưa từng có ở Việt Nam, chứng minh quyết tâm của nhà Hồ trong công cuộc xây dựng đất nước.

Tuy vậy, hào quang Đại Ngu đã vụt tắt chỉ sau 7 năm ngắn ngủi. Trước cuộc xâm lược của nhà Minh, nhà Hồ đã sụp đổ vào tháng 4/1407. Sự tồn tại của quốc hiệu Đại Ngu cũng vĩnh viễn chấm dứt từ thời điểm đó.

Có thể nói, dưới triệu đại Hồ, ý nghĩa của quốc hiệu Đại Ngu - sự bình yên lớn - mới chỉ thực hiện được non nửa. Trên một phương diện nhất định, Nhà Hồ đã đem lại sự bình yên cho đất nước về nhiều mặt kinh tế - xã hội. Nhưng họ đã thất bại trong việc đem lại sự bình yên trong lòng dân. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến sự đổ vỡ của triều đại này.

TIN BÀI LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU

Thanh Bình

Bình luận(0)