Sự ảnh hưởng qua lại của ung thư vú và bào thai là một vấn đề tương đối phức tạp.
Sự ảnh hưởng qua lại của ung thư vú và bào thai là một vấn đề tương đối phức tạp.
Tôi nghe nói tế bào của em bé sẽ tiêu diệt tế bào ung thư ngực, có đúng không? Một người mang thai có đảm bảo không còn ung thư ngực nữa? Và sau khi có em bé, có bị ung thư ngực trở lại không? Em bé có bị ảnh hưởng gì? Người có thai bị ung thư ngực tốt nhất nên làm gì? (Nguyen Thu Khuong)
Sự ảnh hưởng qua lại của ung thư vú và bào thai là một vấn đề tương đối phức tạp. Ung thư vú là một ung thư có liên quan chặt chẽ với tình trạng nội tiết của người phụ nữ mắc bệnh. Ở người phụ nữ còn kinh và đặc biệt trong thai kỳ, buồng trứng chính là nơi sản xuất estrogen và progesterone. Hai nội tiết tố này có một số nhiệm vụ quan trọng:
- Điều hòa sự thay đổi của tử cung trong chu kỳ kinh nguyệt và trong thai kỳ,
- Kích thích sự phát triển của tuyến vú và chi phối việc tiết sữa,
- Điều hòa sự phát triển của thai...
Ở người phụ nữ mắc ung thư vú, estrogen có thể kích thích sự phát triển của các tế bào ung thư.
|
|
Khi mang thai, cơ thể mẹ và thai nhi có sự trao đổi các chất dinh dưỡng, các kháng thể... thông qua nhau thai. Cần lưu ý rằng hoàn toàn không có sự thông thương trực tiếp giữa 2 hệ tuần hoàn của mẹ và con, cũng như không có hiện tượng các tế bào từ con có thể di chuyển sang cơ thể người mẹ.
Thông tin về việc “tế bào em bé sẽ tiêu diệt tế bào ung thư ngực” có thể là những thông tin liên quan đến việc dùng những tế bào gốc và gần đây là dùng máu cuống rốn trong điều trị một vài bệnh lý ung thư, đặc biệt là các ung thư hệ tạo máu. Đối với các ung thư này, việc điều trị bao gồm các giai đoạn sau:
- Dùng hóa trị tiêu diệt các tế bào ung thư, thậm chí hóa trị liều cao đến mức độ kiệt tủy (tủy xương không còn khả năng tạo ra các tế bào máu).
- Ghép các tế bào có khả năng sinh sản và biến đổi thành các loại tế bào khác nhau để thay thế các tế bào, các mô bị tổn thương trong quá trình điều trị. Các tế bào này được gọi chung là các tế bào gốc, có thể được lấy từ tủy xương của bản thân người bệnh (trong trường hợp ghép tủy tự thân), tủy xương của một người khác (trường hợp ghép tủy dị thân), hoặc từ các tế bào trích từ máu cuống rốn của thai nhi (lấy ngay sau khi sinh).
Gần đây, từ các tế bào cuống rốn, các nhà nghiên cứu đã thành công trong việc tạo ra một số mô như mô da... Và đã có một số công trình nghiên cứu việc sử dụng tế bào gốc trong điều trị một số loại bướu đặc.
Như vậy, “tế bào em bé tiêu diệt tế bào ung thư vú”, “mang thai sẽ giúp người phụ nữ tự khỏi ung thư vú” là những thông tin hoàn toàn không chính xác. Ngược lại, khi có thai, sự gia tăng nồng độ estrogen có thể làm cho bệnh phát triển nhanh và nguy hiểm hơn. Hay nói một cách đơn giản hơn, thai kỳ sẽ ảnh hưởng không tốt cho người mắc ung thư vú.
Bên cạnh đó, những phương pháp điều trị ung thư, đặc biệt là hóa trị và xạ trị, không thể tiến hành được khi bệnh nhân mang thai. Bởi vì những phương pháp điều trị này có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho thai nhi.
Một số khuyến cáo đối với bệnh nhân ung thư vú
- Nếu chẳng may mắc ung thư vú, bệnh nhân không nên có thai trong khi điều trị.
- Nếu đã có thai trước khi phát hiện ung thư vú, phải xử lý thai trước khi bắt đầu điều trị. Việc xử lý thai tùy thuộc vào tuổi thai. Trong trường hợp thai nhỏ, không có khả sống sau khi sinh, nên tiến hành hủy thai. Trong trường hợp thai lớn, có thể sống được sau khi sinh, nên chấm dứt thai kỳ sớm (sinh thường hoặc mổ lấy thai tùy trường hợp). Sau khi sinh, không nên cho con bú sữa mẹ. Việc điều trị cần tiến hành ngay sau khi đã xử lý thai.
- Sau khi hóa trị, một số trường hợp sẽ không còn kinh. Một số trường hợp người bệnh vẫn còn kinh và vẫn có thể mang thai. Sau thời gian điều trị tại bệnh viện, thường kéo dài khoảng 6 - 8 tháng, người bệnh có thể được chỉ định dùng thêm thuốc nội tiết trong vòng 5 năm.
Trong suốt khoảng thời gian đó, tốt nhất bệnh nhân nên tránh mang thai. Biện pháp tránh thai an toàn nhất là dùng bao cao su. Tuyệt đối không nên dùng các thuốc tránh thai vì đây cũng là các nội tiết tố.
Sau 5 năm, nếu như tình trạng bệnh nhân ổn định và bệnh nhân muốn có con, bệnh nhân nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ điều trị để được tư vấn kỹ lưỡng trước khi đi đến quyết định mang thai.
Theo Giaoducsuckhoe
Bài đọc nhiều:
[links()]