Báo Mỹ lên án tội ác trong thảm sát Mỹ Lai

Google News

(Kiến Thức) - Tạp chí Life mới đăng lại những tấm ảnh rùng rợn về vụ thảm sát kinh hoàng của lính Mỹ với hàng trăm dân thường “tay không tấc sắt” ở Mỹ Lai.  

Sau đây là nội dung bài viết đăng trên Life:

Qua nhiều thế kỷ, những vũ khí mà quân đội sử dụng trong chiến tranh đã thay đổi nhiều từ việc sử dụng những khí tài thô sơ như ngọn giáo, cây cung rồi đến lưỡi lê, đại bác, bom đạn, vũ khí nguyên tử, máy bay ném bom tầm xa, máy bay không người lái tiên tiến. Nhưng cho dù là cuộc chiến nào đi chăng nữa thì có một khía cạnh không bao giờ thay đổi đó là những người vô tội thường mất mạng.

Từ thế kỷ XX cho đến nay, hàng chục triệu thường dân đã thiệt mạng và tiếp tục bị sát hại hoặc sẽ bị thương trong các cuộc chiến tranh toàn cầu, xung đột khu vực và nội chiến.

 Một số phụ nữ và trẻ em đau lòng vì người thân, anh em, họ hàng thiệt mạng trong vụ thảm sát Mỹ Lai.

Hầu hết, những nạn nhân xấu số này là nam giới, phụ nữ và trẻ em bị bắt trong các cuộc chiến tranh ở các thành phố; nhiều ngôi nhà của người dân bị phá hủy hoàn toàn do lựu đạn và súng cối; toàn bộ làng mạc bị bỏ hoang do những máy bay ném bom thả hàng tấn vũ khí từ trên cao xuống. Những người dân thường thiệt mạng trong cuộc chiến này không phải là một tai nạn hay lỗi của các bên liên quan gây ra. Lính Mỹ đã lên kế hoạch sát hại dân thường từ trước. Những người xấu số này thường bị giết hại dã man sau khi bị hãm hiếp hoặc bị tra tấn. 

Cho tới tận ngày nay, hai từ Mỹ Lai vẫn còn in đậm trong ký ức của những lính Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam và nhận ra rằng, cuộc chiến mà họ từng tham gia là chính nghĩa hay phi nghĩa. Bên cạnh đó, họ cũng nhận ra đã mất những gì trong cuộc chiến tại Việt Nam.

 Tạp chí Life của Mỹ đăng tải toàn bộ số ảnh của nhiếp ảnh gia Ron Haeberle
có mặt tại ngôi làng Mỹ Lai chụp được khoảnh khắc kinh hoàng đó.

Cuộc thảm sát đáng sợ mà lính Mỹ gây ra xảy ra vào tháng 3/1968 tại một ngôi làng nhỏ Mỹ Lai ở tỉnh Quảng Ngãi (Việt Nam) chỉ là một trong vô số những trường hợp đau thương khác mà người dân vô tội bị sát hại, tra tấn.

Thêm vào đó, thảm sát Mỹ Lai không phải là hành động tàn ác duy nhất mà lính Mỹ gây ra tại Việt Nam nhưng nhận được nhiều sự quan tâm nhất của cộng đồng quốc tế và sau này trở thành một trong những sự kiện được biết tới nhiều nhất. Bởi lẽ, nhiều báo chí nước ngoài đưa tin bài và ảnh xé lòng về vụ thảm sát ở Mỹ Lai.

 Hình ảnh người dân thường vô tội Mỹ Lai nằm vất vưởng dọc các con đường gần cánh đồng.

Còn biết bao nhiêu hành động ghê rợn như thế hoặc hơn mức đó mà lính Mỹ đã gây ra tại nhiều nơi trên thế giới vì thời gian cứ dần trôi và những sự kiện đau lòng đó dần chìm vào quên lãng. Nếu những sự kiện ấy được liệt kê đầy đủ thì có lẽ người Mỹ sẽ còn kinh sợ và xấu hổ hơn nhiều. 

Hơn 20 binh sĩ của Đại đội Charlie thuộc Tiểu đoàn số 1, Trung đoàn bộ binh số 20, Lục quân Mỹ đã sát hại hàng trăm người (ở nhiều tài liệu khác nhau, những con số được đưa ra cũng khác nhau, trong đó số lượng dân thường Mỹ Lai thương vong dao động trong khoảng 347-504 người) bao gồm người già, phụ nữ, trẻ em và cả trẻ sơ sinh.

Sau cuộc thảm sát này, chỉ có một mình Thiếu úy William Calley bị tuyên bố phạm vào tội ác chiến tranh và phải chịu trách nhiệm cho hành động tàn sát dân thường vô tội.Tuy nhiên, ông cũng chỉ phải chịu mức án ngồi tù ba năm rưỡi nhưng được thực hiện dưới hình thức quản thúc tại gia ở Fort Benning, Georgia vào tháng 3/1971 – 3 năm sau khi xảy ra vụ việc sát hại 22 dân thường.

 Nhiều ngôi nhà, đồ đạc, tài sản của người dân Mỹ Lai bị lính Mỹ đốt sạch.

Chắc có lẽ, cả thế giới sẽ không biết đến vụ càn quét, bắn giết điên cuồng, tra tấn của lính Mỹ đối với dân làng ở Mỹ Lai nếu không có nhiếp ảnh gia quân đội mang tên Ron Haeberle.

Ông Ron đi theo sau trung đội thứ 3 của Đại đội Charlie vào các thôn, bản nhỏ hy vọng sẽ ghi lại được những hình ảnh tư liệu về một cuộc chiến giữa lính Mỹ và chiến sĩ Việt Nam. Tuy nhiên, trái với những gì mong đơi, ông chỉ nhìn thấy hình ảnh lính Mỹ bắn giết điên cuồng vào người dân vô tội.

Hơn một năm sau, khi ông Ron quay trở về quê nhà ở Cleveland, Ohio, ông đã gửi một số hình ảnh về vụ thảm sát Mỹ Lai cho tờ báo của thành phố là Plain-Dealer và sau đó được xuất bản vào cuối tháng 11/1969.

Một vài tuần sau đó, tạp chí Life đăng toàn bộ ảnh của nhiếp ảnh gia Ron vào ngày 5/12/1969 cùng câu chuyện đằng sau những tấm ảnh. Đến thời điểm đó, người dân Mỹ mới sửng sốt về những gì xảy ra cách họ nửa vòng trái đất cũng như người thực hiện những tội ác ấy do chính binh lính Mỹ gây ra.

 Lời sám hối muộn màng của những cựu binh Mỹ từng tham gia vụ thảm sát Mỹ Lai: "Tôi luôn nghĩ rằng có ai đó sẽ bất ngờ chỉ một ngón tay vào tôi và nói rằng: Hắn là một trong số đó."

45 năm sau sự kiện thảm sát kinh hoàng của lính Mỹ  với người dân Mỹ Lai, tạp chí Life đã đánh dấu kỷ niệm sự kiện này bằng việc đăng lại toàn bộ tin bài và ảnh khi đó. 

Không có ai có thể ngăn cản những binh sĩ Mỹ dừng việc thảm sát đàn ông, phụ nữ và trẻ em vô tội trong lúc đó nhưng vẫn có một số người dũng cảm ngay trong lòng địch đứng ra ngăn cản hành động dã man ấy. Cụ thể là 3 binh sĩ Mỹ có mặt tại làng Mỹ Lai ngày hôm đó đã cố gắng ngăn chặn các chiến hữu của mình giết người. Họ dám đứng lên chiến đấu để bảo vệ những người bị thương. Và khi họ quay trở về quê nhà sau khi tin tức về Mỹ Lai bị công khai trên báo chí và giới truyền thông, ban đầu họ bị khép tội phản bội đất nước. Sau đó, quân đội Mỹ lại ca ngợi họ là những người thuộc chủ nghĩa anh hùng.

 Nhờ những tấm ảnh của nhiếp ảnh gia Ron mà cả thế giới biết được  tội ác ghê rợn của lính Mỹ với dân làng Mỹ Lai nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.

Mặc dù những tội ác của lính Mỹ đã bị phơi bày ra ánh sáng công lý nhưng không thể khiến người dân vô tội sống lại từ cõi chết. Sau nhiều thập kỷ hòa bình, khi tiếng súng, bom đạn đã lặng, ký ức kinh hoàng của người Việt Nam về chiến tranh dần phai nhòa, nhưng vẫn còn đó những hình ảnh đau thương làm vật chứng cho một thời chiến tranh đau khổ. 

TIN BÀI LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU

Nhật Anh (lược dịch theo Life)

Bình luận(0)