Giật mình bức thư gửi bố nghiện smartphone của cậu bé tiểu học

Google News

Đây là bức thư của cậu con trai học tiểu học gửi cho ông bố nghiện smartphone được đăng tải lên một trang mạng xã hội Trung Quốc ngày 8/12.

"Bố, con có lời muốn nói
Bố, bố là trụ cột của cả nhà, cũng là chỗ dựa vững chãi cho gia đình. Công ơn trời biển của bố, sự quan tâm chăm sóc mà bố dành cho con khiến con không biết dùng lời nào mới diễn tả hết.
Những lúc mẹ vắng nhà, bố lo cho con từng bữa ăn giấc ngủ và còn dạy con học nữa. Thế nhưng, con có một chuyện luôn giấu kín trong lòng không dám nói với bố. Bây giờ con muốn nói ra điều đó, mong bố hãy thứ lỗi cho con.
Con biết là công việc của bố rất bận rộn, nhưng không hiểu vì sao mà từ lúc bố đổi sang dùng chiếc điện thoại mới, bố không còn nói chuyện với con, không quan tâm đến con như trước đây nữa.
Có một lần, con không giải được bài tập về nhà mà mẹ lại không ở nhà, con mang ra hỏi bố nhưng bố chẳng thèm để ý đến con, bố chỉ quan tâm đến cái phần mềm chát trên điện thoại mà thôi.
Con đã gọi mấy lần bố quay đầu nhìn con. Lúc này, con đang thầm reo mừng trong lòng: 'Bây giờ bố có thể dạy mình học rồi!', thế nhưng bố lại lạnh lùng bảo con: 'Ra hỏi mẹ!'. Con bảo: 'Mẹ không có nhà và nhận được câu trả lời cực kỳ phũ phàng từ bố: Đợi mẹ về rồi hỏi”.
Bố, bố là bố của con, là người thân nhất của con, tại sao bố lại lạnh lùng với con như vậy? Con chỉ muốn nói với bố rằng, bố có thể nhắn bớt đi một cái tin nhắn và quan tâm đến con, yêu con hơn một chút xíu thôi, có được không bố?".
Bức thư không chỉ khiến cho ông bố người Trung Quốc thấy xấu hổ và thương con nhiều hơn mà còn khiến cho bất cứ bậc phụ huynh nào nghiện smartphone cũng phải giật mình. Vì thế, bức thư này đã trở thành thư gửi cho rất nhiều người không phân biệt biên giới.
Giat minh buc thu gui bo nghien smartphone cua cau be tieu hoc
 Bức thư gửi bố của cậu học sinh Trung Quốc.
Bất cứ lĩnh vực nào khi dùng đến từ nghiện đều mang tính tiêu cực bởi vì chứng tỏ người dùng đã quá lạm dụng và phụ thuộc. Nghiện smartphone cũng là một hiện tượng như vậy.
Vấn đề đáng nói ở chỗ, ai cũng đều nhận thức được tác hại của nghiện smartphone nhưng họ vẫn không hề nghĩ đến chuyện dứt ra và có người muốn cũng đã không làm được.
Chúng ta có nhiều cảnh báo về nguy cơ lạm dụng điện thoại thông minh đối với giới trẻ song mọi người hầu như bỏ quên đi một đối tượng nhạy cảm – đó là người lớn, những bậc phụ huynh của các em. Không ít người lớn đã tự cho phép mình có quyền sử dụng điện thoại thông minh bởi họ cho rằng họ đã qua tuổi rèn luyện, học tập và chủ động về tài chính để có thể tự chủ về việc mua và sử dụng smartphone.
Mặt nào đó, họ có lý, song thật khó để nhắc nhở con cái nếu ông bố bà mẹ suốt ngày online và cắm mặt vào điện thoại chưa kể họ cũng vô tình tạo nên những hình ảnh không đẹp trong mắt con.
Một bức ảnh “Gia đình thời công nghệ” lan truyền trên mạng xã hội là cảnh mỗi thành viên ngồi một góc với chiếc điện thoại thông minh của mình. Có một điều nhiều bậc phụ huynh không dám nói ra rằng khi mình say sưa với smartphone, họ cũng phần nào đó đã thỏa hiệp về quản lý thời gian của con cái như: cho con xem tivi, cho con chơi game trên máy tính, lướt web trên điện thoại...
Lá thư của cậu bé học sinh tiểu học đã khiến các ông bố bà mẹ phải giật mình để nhận ra điều cần phải thay đổi ngay của mình.
Giat minh buc thu gui bo nghien smartphone cua cau be tieu hoc-Hinh-2
 Cảnh cả nhà đều cặm cụi với smartphone.
Chúng ta cũng biết người lớn bận rộn với công cuộc mưu sinh vất vả nên thời gian dành cho con cái không được nhiều. Câu chuyện đầy nhân văn và cảm động về đứa con hỏi ông bố mỗi giờ bố kiếm được bao nhiêu tiền, sau đó em xin tiền bố cùng với số tiền lẻ mình để dành để mua 1 giờ của bố vì khao khát ông trở về nhà sớm hơn để cùng ăn tối với mình.
Câu chuyện cảm động ấy cho thấy các con cần biết bao sự quan tâm của bố mẹ. Vậy mà, ông bố nghiện smartphone người Trung Quốc mỗi ngày dành cho điện thoại 10 tiếng đồng hồ thì còn đâu thời gian để tâm đến đời sống xung quanh chứ nói chi đến chăm sóc và lo lắng cho con cái.
Sự vô tâm vô tình là điều không tránh khỏi. Bức thư của cậu học sinh không chỉ nhắc nhở chuyện nghiện smartphone mà còn nhắc nhở về quỹ thời gian quý giá của những bậc phụ huynh dành cho con mình. Những ông bố hãy giảm thời gian ở quán nhậu, những tụ điểm ăn chơi giải trí để dành thời gian cho con mình. Những bà mẹ hãy giảm bớt thời gian đi mua sắm, đi spa, đi buôn chuyện... để thời gian bên con được nhiều hơn nữa.
Cám ơn bức thư của em nhỏ đã giúp cho chúng ta, những bậc làm cha làm mẹ giật mình thức tỉnh. Hy vọng rằng, mỗi chúng ta, sau khi đọc bức thư này và thấy giật mình, hãy bỏ điện thoại xuống và cùng chơi với các con ngay.
Theo Lao Động

Bình luận(0)