Phát hiện và điều trị bệnh do vi rút Ebola

Google News

(Kiến Thức) - TS Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế đã ký quyết định ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh Ebola tại Việt Nam.

 Ảnh minh họa.
Bệnh do virus Ebola (trước đây gọi là sốt xuất huyết Ebola) là một bệnh nhiễm trùng nặng, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 90%. Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với mô, máu và dịch cơ thể của động vật hoặc người nhiễm bệnh, có thể bùng phát thành dịch. 
Virus Ebola có thời gian ủ bệnh trung bình là 2 - 21 ngày. Các triệu chứng thường gặp bao gồm: Lâm sàng như sốt cấp tính, đau đầu, đau mỏi cơ, nôn/buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, viêm kết mạc. Phát ban: Ban đầu ban nhú đỏ sẫm mầu như đinh ghim tập trung ở nang lông, sau hình thành nên tổn thương ban dát sẩn có ranh giới rõ và cuối cùng hợp thành ban lan tỏa, thường trong tuần đầu của bệnh. 
Xuất huyết: Đi ngoài phân đen, chảy máu nơi tiêm truyền; ho máu, chảy máu chân răng, đái máu, chảy máu âm đạo. Xét nghiệm công thức máu: Thường có giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu. Hóa sinh máu: Tăng AST, ALT. Creatinin máu và ure có thể tăng trong thời gian tiến triển của bệnh. Rối loạn đông máu nội quản rải rác. Xét nghiệm nước tiểu: Protein niệu...
Bệnh Ebola hiện có điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị hỗ trợ. Sốt > 380C: Hạ nhiệt bằng Paracetamol: 10 - 15mg/kg cân nặng mỗi 4 - 6 giờ, không quá 60mg/kg cân nặng/ngày; tránh dùng các NSAIDs (Diclofenac, Ibupropen...) hoặc thuốc nhóm Salicylate vì làm nặng rối loạn đông máu. Đau: Giảm đau bằng Paracetamol (nếu mức độ nhẹ) hoặc Morphin (nếu mức độ trung bình hoặc nặng). Tránh dùng các NSAIDs (Diclofenac, Ibupropen...) hoặc thuốc nhóm Salicylate vì làm nặng rối loạn đông máu. Tiêu chảy, nôn, có dấu hiệu mất nước: Cho uống Oresol ngay cả khi không có dấu hiệu mất nước. 
Theo dõi sát các dấu hiệu mất nước và bù dịch tương ứng theo phác đồ. Buồn nôn và nôn rất thường gặp. Các thuốc chống nôn có thể làm giảm triệu chứng và giúp bệnh nhân uống được Oresol. Đối với người lớn: Chlorpromazine 25 - 50mg, tiêm bắp 4 lần/ngày hoặc Metoclopramide 10mg, tiêm tĩnh mạch/uống 3 lần/ngày đến khi bệnh nhân hết nôn. Đối với trẻ em trên 2 tuổi: Dùng Promethazine, chú ý theo dõi các dấu hiệu ngoại tháp.
Co giật: Dùng Diazepam để cắt cơn giật, người lớn là 20mg, trẻ em từ 0,1-0,3mg/kg, tiêm tĩnh mạch chậm. Sau đó khống chế cơn giật bằng Phenobacbital, người lớn là 10mg/kg, trẻ em từ 10 - 15mg/kg, truyền tĩnh mạch chậm trong 15 phút. Truyền máu và các chế phẩm máu khi có dấu hiệu của chảy máu cấp/tái nhợt mức độ trung bình đến nặng/các dấu hiệu cấp cứu của sốc giảm khối lượng tuần hoàn. Trường hợp sốc, suy đa tạng: Đảm bảo khối lượng tuần hoàn, cân bằng dịch, duy trì huyết áp, lợi tiểu; lọc máu, hỗ trợ ECMO khi có chỉ định. 
Thúy Nga (ghi)

Bình luận(0)