Coi chừng gặp họa khi chơi thể thao ngày hè

Google News

(Kiến Thức) - Mất nước, say nắng, chấn thương… là những nguy cơ mà nhiều người rèn luyện thể thao hay gặp phải vào mùa hè.

Làm thế nào để duy trì việc luyện tập thể thao an toàn vào những ngày nắng nóng là điều mà nhiều người quan tâm.
Bù nước sai cách
BS Nguyễn Văn Phú, Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết: Nhiệt độ tăng cao vào các ngày hè cùng với việc luyện tập thể thao sẽ khiến cho việc mất nước diễn ra rất nhanh. Việc ra mồ hôi liên tục khiến cơ thể bị mất nước và điện giải, thân nhiệt tăng cao hơn bình thường sẽ dẫn đến nguy cơ chấn thương, say nắng, chuột rút, đau cơ, đau xương khớp... 
Việc bổ sung nước khi tập luyện thể thao là điều mà người luyện tập nào cũng ý thức, nhất là vào ngày hè. Tuy nhiên, không ít người vẫn mắc sai lầm, cứ thấy khát là uống mà không để ý xem lượng nước cần bổ sung đã đủ hay chưa; cứ thấy khát là tu ừng ực mà quên rằng việc uống cho thỏa cơn khát là rất phản khoa học. Thực tế, việc bù nước phải được thực hiện đúng với lượng bù phù hợp, cách thức bù hợp lý. 
Theo đó, lượng nước cần bổ sung trong một buổi tập 90 phút – 2 tiếng vào các ngày hè, cần bổ sung từ 2 - 4 lít nước. Lượng nước này sẽ được bổ sung trực tiếp vào hệ tuần hoàn để bù lại lượng mồ hôi mất đi, giúp hạ nhiệt cơ thể và lại thoát ra ngoài cơ thể qua mồ hôi, hơi thở, thân nhiệt. Ngoài ra, cùng với bổ sung đủ lượng nước cần thiết, người tập thể thao cần chú ý đến cách bù nước khoa học. Lượng nước bổ sung không được ồ ạt mà phải từ từ trong suốt quá trình. 
Tốt nhất, bạn hãy chia nhỏ thời gian bổ sung nước, mỗi lần uống 120 - 200ml, cách nhau 10 - 20 phút. Khi uống bạn nên ngậm những ngụm nhỏ, để nước được hấp thu dần trong miệng, bổ sung trực tiếp cho hệ tuần hoàn. Không nên uống nước theo kiểu tu ừng ực và tuyệt đối tránh việc đợi đến khi quá khát mới tính đến việc bù nước.
Ngoài ra, nhiều người khi thấy khát thì lại lựa chọn các loại nước uống có ga. Điều này nên tránh. Tốt nhất bạn nên uống các loại nước uống thông thường hoặc nước khoáng không ga, thậm chí bạn có thể dùng orezol pha loãng để súc miệng thường xuyên trong quá trình tập. 
Coi chùng gạp họa khi choi the thao ngay he
Nhiệt độ tăng cao vào các ngày hè cùng với luyện tập thể thao khiến việc mất nước diễn ra rất nhanh. 
Nguy hiểm từ miếng dán làm mát cơ thể
BS Đào Bá Vy, nguyên Trưởng khoa Vật lý Trị liệu, Bệnh viện 354 cho hay, vào mùa hè khi tập luyện thân nhiệt sẽ tăng từ 1 - 1,50C, cộng thêm thời tiết nắng nóng khiến cho cơ thể rất dễ “bừng bừng”. Để làm nguội cơn nóng, không ít người sử dụng miếng dán làm mát cơ thể. Miếng dán này có kích thước nhỏ cỡ trong lòng bàn tay, chỉ cần dán vào vùng lưng, gáy hoặc trước ngực sẽ giúp cho cơ thể có cảm giác mát mẻ, dễ chịu, cơ thể lập tức được hạ nhiệt.
Cũng theo BS Đào Bá Vy, việc sử dụng miếng làm mát để điều hòa cơ thể khi chơi thể thao là không nên. Lý do là vì khi tập luyện thể thao, nhiệt độ sẽ tăng lên, mồ hôi ra nhiều, huyết áp, nhịp tim tăng, hơi thở dồn dập... Tất cả những phản ứng tự nhiên của cơ thể này sẽ là dấu hiệu cho người chơi thể thao nhận biết khi nào cơ thể cảm thấy mệt mỏi, quá sức để dừng việc tập luyện. 
Việc sử dụng miếng làm mát cơ thể, tuy rằng sẽ giúp cơ thể mát mẻ, nhưng cũng đồng nghĩa làm mất đi những phản ứng tự nhiên của cơ thể, mất đi những dấu hiệu nhận biết cơ thể mệt mỏi. Nói cách khác khi dán miếng làm mát này, người chơi thể thao sẽ không biết khi nào cơ thể mệt mỏi để dừng lại. Điều này là rất nguy hiểm. Cách tốt nhất đối với người chơi thể thao là tuân thủ những phản ứng tự nhiên của cơ thể để từ đó điều chỉnh việc tập luyện phù hợp với sức khoẻ của mỗi người.
Vào ngày hè nóng bức và nhiệt độ tăng cao, người dân có thể giảm bớt cường độ luyện tập bằng cách chia nhỏ thời lượng các buổi tập, giảm bớt tần số và cường độ vận động, sắp xếp thời gian luyện tập hợp lý, tránh những lúc trời quá nắng nóng. 
BS Đào Bá Vy
Huy Khánh

>> xem thêm

Bình luận(0)