“Thánh địa” bói toán, chữa bệnh ma mị giữa TP Pleiku (1)

Google News

(Kiến Thức) - “Cha mẹ không đưa ra giá, người giàu có thì lễ lớn, 100.000.000 đồng, người khó thì lễ nhỏ hơn!... Quan trọng là thành tâm, đáp lễ xứng đáng”.

Mới tới đầu đường Lê Văn Tám, phường Phù Đổng, TP Leiku (Gia Lai), PV Kiến Thức đã thấy một nhóm người lỉnh kỉnh đồ đạc đi tế lễ. Hôm nay họ đến gia đình cô Đồng Quyết “xin lộc”. Lân la hỏi chuyện mới biết, để có mặt tại đây lúc 9h sáng, những người này đã phải dậy từ rất sớm, chuẩn bị đồ đạc, bắt xe khách từ huyện Phú Thiện (Gia Lai) lên TP Pleiku, cách xa gần 100km.
 Nhà cô Đồng Quyến (treo cờ)
Nhóm người này đều là những người “ngoan đạo”, đã theo cô Đồng Quyến bói toán, “xin lộc” từ nhiều tháng qua. Lần này, họ lên với cô Đồng Quyến để tiếp tục “xin lộc”. Người thì xin sang năm mới bán được mảnh đất với giá cao, người thì cầu cho cô con gái năm mới có được việc làm ổn định trong cơ quan nhà nước, kẻ lại cầu xin cho cô con gái tuổi Tân Mùi (1991) lấy anh chồng tuổi Đinh Mão (1987) chứ không phải là anh tuổi Bính Dần (1986) vì cô gái này đang có hai người theo đuổi, người xin thuốc chữa bệnh cho cháu nội vốn nhiều ngày bị đau mắt đỏ…
Tuy tuổi đời khác nhau, mỗi người một cảnh, mục đích xin khác nhau nhưng họ cùng chung một suy nghĩ là chỉ có cô Đồng Quyến mới có thể giúp họ đạt được mục đích trong lúc này. Họ có niềm tin gần như tuyệt đối vào cô Đồng Quyến, vốn được những người “mộ đạo” lan truyền là người của hai cõi, với hàng nghìn âm binh hỗ trợ cô vào Nam ra Bắc, tinh thông từ chuyện quá khứ đến tương lai của bất cứ gia đình nào, miễn là họ đến đây xin lộc và thật sự thành tâm, đáp lễ xứng đáng.
 Chân dung cô Đồng Quyến đời thường.
Chân dung cô Đồng Quyến
Chúng tôi tới nhà cô Đồng Quyến tại số 5, đường Lê Văn Tám đúng lúc cô đang ăn sáng ở phía sảnh phải của Chánh điện, nơi cô lên đồng bói toán, xin thuốc chữa bệnh bằng chai nước khoáng. Khác với những gì trước đó tôi mường tượng, cô Đồng Quyến có nước da đen thui, tóc thưa, cuộn tròn thành búi trên đỉnh đầu, chiều cao của cô rất khiêm tốn nhưng thân hình lại cực kỳ đẫy đà, tiếng nói cô vang vọng, to lớn, lấn át người khác, nhất là tiếng cười ha hả của cô khiến người yếu bóng vía chắc chắn phải rùng mình.
Cô Đồng Quyến có thói quen không mấy người thích nhìn đó là thường bĩu môi sau mỗi câu nói. Không những thế, cô đồng này còn hút thuốc lá phì phèo cả ngày. Giúp việc đắc lực nhất cho cô Đồng Quyến là một người đàn ông khoảng 60 tuổi, cô Quyến gọi người này là Thanh Đồng. Trong suốt quá trình đồng Quyến làm lễ, người này không rời xa nửa bước và thường có những động tác rất kỳ quặc, khó hiểu.
Cô Đồng Quyến vừa ăn sáng xong, ngoài sân tiếp tục có mấy người lục đục từ phương xa kéo tới. Họ ngồi vào hai hàng ghế đá dài ở phía hông Chánh điện nơi cô lên đồng. Đông người tới nhưng cô Quyến không có gì vội, cô thong thả súc miệng, ngồi nghỉ ngơi, uống nước và kể chuyện cho chúng tôi nghe về cái duyên “nghề nghiệp” của mình. 
 Chánh điện nơi cô Đồng quyến "hành nghề"
Theo cô Quyến, cái nghề nó tìm lấy người, cô ra tay “cứu rỗi” dân chúng đã mười mấy năm nay. Nhờ ơn “cha mẹ” mà cô đã cứu được nhiều người bệnh hiểm nghèo, kể cả ung thư, diệt ma trừ ác, xem trước tương lai, phòng ngừa vận hạn, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý vì được sự hỗ trợ của hàng nghìn âm binh…
Tuy nhiên, cô Đồng Quyến cũng không quên đưa ra điều kiện là người nhà và bệnh nhân phải thành tâm, đáp lễ xứng đàng cho “cha mẹ”.
Đáp lễ càng lớn, lộc tới càng nhiều?
Cô Đồng Quyến nói, cô không bói toán mà chỉ nhờ vào anh linh soi đường chỉ lối của “cha mẹ”. Những người đến với “cha mẹ” phải thành tâm, thành ý, không đứng núi này trông núi nọ, phải có niềm tin tuyệt đối thì mọi chuyện cầu mong, xin lộc mới như ý muốn, ước gì được đó.
Đặc biệt, theo giải thích của cô Đồng Quyến, lễ vật của mọi người đem đến đây không phải là để cho cô mà là trả ơn “cha mẹ”. Việc trả ơn này không có giá cả cụ thể, tuy vào tấm lòng của mỗi người. “Cha mẹ không đưa ra giá cả cụ thể, người giàu có thì lễ lớn, người khó hơn thì lễ nhỏ hơn... Quan trọng là thành tâm và đáp lễ xứng đáng thì tài lộc cha mẹ cho càng nhiều”, cô Đồng Quyến nói.
 Phía trước Chánh điện của cô Đồng Quyến
Gia tài “chìm” của gia đình cô Đồng Quyến không ai biết nhưng nhìn những chậu cây cảnh bề thế, cặp lục bình bằng gỗ đen bóng to cao ngất ngưỡng, bể hoa sen xanh tốt nở giữa đầu xuân được chăm sóc công phu, kỹ lưỡng cùng Chánh điện rộng gần 100m2 được xây dựng toàn bằng gỗ tốt cho thấy "nhờ ơn cha mẹ”, mà gia đình cô không phải lao động nhọc nhằn, vẫn sung túc, giàu có. Khuôn viên nhà cô Đồng Quyến được xây dựng theo hình chữ L lộn ngược, mặt hướng ra đường Lê Văn Tám. Cổng sắt cao vút, dãy nhà ngoài lúc nào cũng có vài người giúp việc chăm lo dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn và chuẩn bị đồ tế lễ. Thường trực canh cổng là hai con chó béc giê dữ tợn nặng tới vài chục kg.
Hơn 10h sáng, cô Đồng Quyến sai đệ tử Thanh Đồng vào Chánh điện thắp nhang trên 3 bàn thờ lớn. Cô nói giờ phải vào nhà thay đồ, trang điểm để lên “hầu cha mẹ”.
Lúc này ở ngoài hành lang, một số người không có sẵn tờ 100.000 đồng liền xôn xao hỏi nhau đổi tiền để đặt quẻ.
Trong khi cô Đồng Quyến và đệ tử Thanh Đồng hành lễ, mọi người nóng lòng chờ đợi 
Khoảng 20 phút sau, cô Đồng Quyến đã trút bỏ bộ xiêm y đời thường. Hôm nay, cô mặc áo dài màu đỏ, đầu quấn khăn, trang điểm má hồng, đôi môi cũng bớt thâm đen nhờ son phấn.
Người đàn ông thân cận giúp việc cho cô Đồng Quyến mặc bộ đồ sọc trắng theo kiểu đồ ngủ. Điệu bộ cung kính, chỉnh tề, sẵn sàng giúp đỡ cô Đồng Quyến chuẩn bị cho nghi thức phù phép, lên đồng bói toán, bữa bệnh.
(Còn nữa)
Khắc Lịch

Bình luận(0)