Ám ảnh làng điên dưới chân đèo Phú Gia

Google News

(Kiến Thức) -  Cả làng có 22 hộ dân với gần 100 nhân khẩu thì có đến hơn hai chục người điên dại, gần chục người khác không khuyết tật thì cũng thiểu năng trí tuệ bẩm sinh.

Hành trình trên "đất thánh" miền Trung còn đang dang dở thì một anh bạn là họa sĩ người Huế bật mí về câu chuyện đầy rẫy những ám ảnh, câu chuyện ấy anh phát hiện ra trong một lần đi thực tế sáng tác. Đó là câu chuyện có thật về "làng điên" dưới chân đèo Phú Gia. Bỏ lại những kỳ thú của kinh thành Huế xưa, chúng tôi lên đường để sẻ chia những chuyện buồn về thân phận con người.
 Làng Phú Gia tiêu điều.
Có một "làng điên"
Ngôi làng Phú Gia thuộc xã Lộc Tiến (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) nằm dưới chân đèo huyền thoại cũng với tên Phú Gia. Người dân ở đây kể lại rằng, cái tên làng với ý nghĩa là giàu có được đặt từ xa xưa. Ngôi làng cũng một thời sung túc, khác biệt hẳn với ngôi làng phía bên kia đèo có tên làng Cò nghèo khó thuộc vịnh Lăng Cô. Thế nhưng, bây giờ tình thế đổi thay, làng Phú Gia trở nên nghèo khó, làng Cò lại phất lên như diều nhờ du lịch biển. Và con người ở làng Phú Gia cũng lắm những suy tư khó lý giải.
Ông Tôn Thất Tuấn, Trưởng làng Phú Gia kể với sự đau xót về những thân phận trong ngôi làng nhỏ hẹp này. Ông bảo, cả làng có 22 hộ dân với gần 100 nhân khẩu thì có đến hơn hai chục người điên dại, gần chục người khác không khuyết tật thì cũng thiểu năng trí tuệ bẩm sinh. Ông chẳng biết điều gì đã khiến ngôi làng nhỏ bé dưới chân đèo mắc phải "họa truyền kiếp" như thế.
Chẳng thể tin ngay lời ông Tuấn nói, chúng tôi vào từng nhà ở ngôi làng này. Thoạt nhiên, lời ông Tuấn không có gì là quá khi trước mắt tôi đây là những người tâm thần đầy những ám ảnh. Người thì bị xích, người khác lại phải nhốt trong cũi, người khác nữa nằm trên giường nhưng gào thét dữ dội. Có người, chẳng thù chẳng oán với ai nhưng cứ cơn điên tái phát là cầm dao dọa giết người. Ông Tuấn thở dài: "Ngôi làng này chưa bao giờ được yên".
Ông Tuấn cũng nhẩm tính về tỷ lệ cứ 10 người thì có 2 người bị điên. Tỷ lệ ấy không có một ngôi làng nào ở nước ta có thể bằng được Phú Gia. Vả lại, ông Tuấn cũng tiết lộ một bí mật kiểu cứ "tre già măng mọc", người điên này chết đi thì tức khắc sẽ có người khác điên thay thế để giữ cho cái tỷ lệ 2/10 người bị điên ấy không bao giờ giảm. Ngôi làng vốn đã nghèo, lại càng tiêu điều hơn. Người điên không thể làm ăn được gì, người khoẻ lại phải nuôi người điên. Có nhà tất thảy 4 nhân mạng, thì 3 người mắc bệnh tâm thần. Có những nhà, cơm không có mà ăn, phải ăn khoai ăn sắn trừ bữa.
Con trai ông Tường phải xích chân. 
Khi chúng tôi vào nhà ông Phan Tường đã thấy đứa con trai của ông bị xích trong góc nhà. Cậu thanh niên ấy tên Toản, 25 tuổi thì ngót nửa thời gian ấy cậu bị xích lại như con vật. Ông Tuấn bảo: "Nhà này có 4 người thì  3 người bị điên, ông Tường chủ nhà cũng điên nốt. Đứa con gái tên Lành cũng bị điên, nó bỏ đi mất rồi". 
Thấy nhà có khách, vợ ông Tường tủi hổ ra sau bếp khóc nức nở. Bà bảo, mấy năm nay nhà không có khách đến nên cũng quên mất cách tiếp khách như thế nào rồi. Ông Tường bị điên nhưng điên theo giờ, thỉnh thoảng lại lên cơn đập phá. Còn bây giờ, ông đang rất tỉnh táo. Ông cầm cái môi nhựa bón cơm cho con trai. Nhưng Toản quen ăn cơm bốc nên ông để cơm vào lòng bàn tay đứa con yêu của mình.
Nhưng chúng tôi giật mình, vì đó không phải là cơm. Đó là khoai độn sắn, vợ ông Toản nấu nhuyễn ra như cháo rồi để khô cho dễ ăn. Ông Tường tưng tửng: "Lâu rồi không được ngửi mùi cơm, cũng quên mất hình thù hạt gạo nó như thế nào rồi".
Chúng tôi rút ra một ít tiền, ông Tường tay run run cầm lấy, mắt liếc sang đứa con trai đang bị xích ở góc nhà bảo: "Lần này thì sống rồi con ơi!".  
Người làng nói Huy bị chứng "người khỉ". 
"Người khỉ" nặng 6kg
Phía trước nhà ông Tường, là hộ chị Hứa Thị Yến thuộc hàng nghèo thê thảm. Trước khi đến đây, ông Tuấn cảnh báo phải vững tinh thần không là khóc thét lên mất. Vì ở đấy có một thằng bé mà các cậu chưa bao giờ nhìn thấy.
Ông Tuấn nói vừa dứt thì có một cái gì đó vụt sau lưng tôi, rồi tót lên cổ cùng tiếng kêu khèng khẹc. Định thần lại tôi mới thấy rõ đó là một con người - một cậu bé khuyết tật bẩm sinh. Nhưng ám ảnh về cậu bé này thì đến bây giờ tôi vẫn chưa nguôi.
Cậu bé đó tên là Huy, năm nay đã 12 tuổi nhưng chỉ nặng tròn 6kg. Chị Yến là mẹ của Huy, vì nhà nghèo nên chị chẳng lấy được chồng. Sống cô đơn bao nhiêu năm rồi qua lại với một người đàn ông, chị sinh được bé Huy nhưng không ngờ chính đứa con cũng là nỗi ám ảnh của chị.
Vì mặc cảm nên chị chẳng kể gì nhiều về cuộc sống. Mãi đến khi có vài tu sĩ đạo Công giáo thuộc giáo phận Huế có quen biết vào thăm Huy thì chị mới nói về gia đình. Chị bảo, bé Huy khi sinh ra chỉ to bằng cổ tay. Nhiều người cho đó là quái thai nhưng chị nén nỗi đau suốt 12 năm qua để nuôi con.
Huy không nói được, chỉ khèng khẹc ú ớ. Chân của Huy chỉ to hơn ngón chân cái người lớn, tay cũng nhỏ tin hin. Đặc biệt, phần đầu, chỉ bằng cái chuyên pha trà. Chị Yến bảo: "Mỗi bữa nó chỉ ăn được một thìa cơm, không ăn được đến thìa thứ hai".   
Tác giả bên "người khỉ". 
Và những cái chết vì mưu sinh
Làng Phú Gia đã có nhiều người chết vì bệnh tâm thần, nhưng theo ông Tuấn - nhiều người còn bị mất tích. Những người điên sau khi phá cũi, phá xích đã bỏ đi vĩnh viễn. Có người chết nơi đất khách quê người được công an báo tin về làng, có những người mãi mãi trở thành cô hồn trôi sông lạc chợ.
Và ở dưới chân đèo ám ảnh này, nhiều người đã chết vì mưu sinh. Họ làm thứ nghề nguy hiểm bậc nhất trần gian là "nhảy tàu". Những phụ nữ, trẻ em nghèo khó làm nghề bán hàng rong trên những chuyến tàu Bắc Nam. Họ nhảy ton tót trên những toa tàu, chân bám thành tàu thả mình xuống như chim dơi bán hàng cho khách. Có người bị tàu cán, có người ngã thành tật.
Những cái chết tức tưởi dưới chân con đèo Phú Gia này thực sự là nỗi ám ảnh. Có lẽ chưa ở đâu, chưa nơi nào ven con đường quốc lộ lại nhiều miếu thờ cô hồn đến như vậy. Và ngôi làng Phú Gia với những phận người nổi trôi, nay tỉnh mai mê kia sẽ thế nào nếu một ngày, người tỉnh thì chết vì mưu sinh chỉ còn lại những người điên xích chân cùm tay nơi góc nhà tăm tối?
"Làng Phú Gia thực sự là một câu chuyện buồn cho đến nay chưa có hồi kết. Cũng không có một lối đi nào trong tương lai cho ngôi làng này. Chỉ còn đó những ám ảnh về bệnh tật và thân phận con người. Cần lắm những sẻ chia, những góp sức của cộng đồng đối với "ngôi làng xấu số" này".
Ông Hồ Hữu Phúc (Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến)
Quách Hoà

Bình luận(0)