Học sinh giỏi hay dốt... phong bì quyết định

Google News

(Kiến Thức) - "Triết lý giáo dục không đánh giá học sinh bằng điểm số được các nước tiên tiến áp dụng, nhưng ở Việt Nam thì cần khoảng thời gian rất, rất dài nữa.


TS Trương Thị Kim Oanh, nguyên cán bộ Viện Khoa học Giáo dục, đã có buổi trao đổi với Kiến Thức về việc Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo đánh giá học sinh tiểu học.
Điểm số không thực chất
- Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo đánh giá học sinh tiểu học, theo đó, thay vì chấm điểm theo cách truyền thống, giáo viên sẽ đánh giá học sinh bằng nhận xét. Bà nhìn nhận thế nào về cách làm này?
Thực ra xu hướng giáo dục này đã trở nên phổ biến trên thế giới, hiếm nơi còn duy trì hình thức chấm điểm học sinh tiểu học như ở Việt Nam. Cách đây hơn 20 năm, GS Hồ Ngọc Đại đã đem phương pháp này áp dụng vào trường thực nghiệm. Bởi vì với trẻ con, điểm số không có nhiều ý nghĩa mà chỉ là thước đo của người lớn. Bố mẹ cứ nghĩ con đi học phải được điểm 10, điểm 9 thì mới là giỏi. Việc xếp hạng học sinh theo các mức A, B, C, D nó mang tính tương đối hơn, giảm được áp lực điểm số cho cả học sinh và phụ huynh.
- Đúng là áp lực điểm số hiện nay là điều rất nặng nề, đặc biệt với học sinh?
Tôi đã chứng kiến có cháu tan học đi ra cổng là khóc ngất đi, xin tôi giúp đỡ. Cháu bảo bác ơi bác giúp cháu với, hôm nay cháu bị 4 điểm, về nhà bố cháu đánh chết mất. Hôm đó chính tôi phải chờ bố mẹ cháu đến để nói cho họ hiểu. Bố mẹ cho rằng điểm số là tất cả. 
- Nên mới có thực trạng là tổng kết năm học nào cũng có đến 98% học sinh xuất sắc và giỏi, chỉ có 2% là khá?
Đó chính là cái bệnh thành tích nó biểu hiện ra, phải có nhiều học sinh giỏi thì giáo viên mới có danh hiệu dạy giỏi chứ. Cháu nào kém một tí là giáo viên mở ngoặc ngay chữ thiểu năng đằng sau kết quả học tập. Điểm số đã dần trở nên không còn ý nghĩa trong việc đánh giá học sinh tiểu học, nên Bộ GD&ĐT mới chủ trương nhận xét học sinh một cách định tính thay vì cho điểm số một cách định lượng như hiện nay. Khi đó, giáo viên phải quan tâm đến từng học sinh, cả về cá tính, nhân cách.
- Vậy là để đánh giá học sinh một cách định tính khó hơn nhiều so với cách chấm điểm?
Ví dụ, một em làm bài tiếng Việt đúng thì được 10 điểm, nghĩa là đúng với giáo trình đáp án. Thế nhưng phía sau nó, nhân cách của các em được hình thành như thế nào với bài học đó, thì giáo viên phải nhìn thấy rõ. Con số hiện nay không nói lên điều gì, dù có là điểm 10, điểm 9 cũng chưa chắc em đó giỏi, hoàn thiện các kỹ năng bởi điểm số ấy không thực chất. 
- Nếu nhận xét thì trong học bạ của mỗi em, sẽ biểu hiện rõ em đó có khả năng ở môn học nào?
Đúng vậy, em A có năng khiếu môn toán, tính toán rất nhanh nhưng ẩu, hay em B học văn rất tốt nhưng thái độ cục cằn, không hòa đồng với bạn bè. Ngoài năng lực còn là thái độ của em đó, chứ không phải là điểm số thuần túy. Điểm số không có ý nghĩa gì cả. 
 TS Trương Thị Kim Oanh, nguyên cán bộ Viện Khoa học Giáo dục. 
Đánh giá nhân cách sai thì rất nguy!
- Kết quả đánh giá đó sẽ được thể hiện thế nào?
Nó sẽ được dùng như một bảng điểm thông thường, giúp cho giáo viên biết được cần tập trung giáo dục vào mảng nào của từng em. Ví dụ, văn hóa kém thì phải tập trung đào tạo, còn nếu nhận thức tốt mà thái độ sống chưa tốt thì phải uốn nắn rèn giũa, động cơ và thái độ sống thế nào để điều chỉnh kỹ năng sống. Hiện tôi được biết là phụ huynh phản ứng với hình thức này vì họ sợ họ sẽ không có thước đo con mình học tốt hay không tốt. Giáo viên sẽ có những áp lực nặng nề vì khi đánh giá định tính một học sinh thì phải rất cẩn trọng.
- Rõ ràng trách nhiệm với giáo viên sẽ rất nặng?
Nó không là con số, không là kết quả đáp án mà nó là nhân cách con người. Mà đánh giá nhân cách con người mà không đúng thì cực kỳ nguy hiểm. Từ một đứa rất ngoan có thể trở thành hỏng hẳn, ngược lại, tôn vinh nó quá nó sẽ nghĩ cái sai là đúng. Nên nếu đánh giá thế này sẽ rất áp lực với giáo viên. Làm sao một giáo viên hiểu hết tận 60 học sinh với chừng ấy nhân cách. Nhận xét từng bộ môn, một cách toàn diện, với nhận xét vào học bạ như thế nào để vừa đúng vừa khuyến khích được các em cố gắng.
- Theo bà thì cách làm này liệu đã áp dụng ở Việt Nam chưa?
Tôi nghĩ là phải có thời gian. Với giáo viên, cái quan trọng nhất là phải có tâm. Còn nếu chỉ chấm bài không thôi thì không cần tâm vì đã có sẵn đáp số rồi. Cái tâm để đảm bảo sự công bằng, khách quan. Yêu thì ca tụng, ghét thì đay nghiến. Đó là yêu cầu cao với giáo viên, đặc biệt trong cơ chế thị trường hiện nay. Lương thấp, thu nhập không đủ sống, tiêu cực lại nhiều. Không chỉ giáo viên mà đa phần các ngành khác cũng thế, đẳng cấp là kiếm được nhiều tiền. Càng kiếm được nhiều thì đẳng cấp càng cao. Nên nếu đánh giá trung thực, điều gì sẽ xảy ra với giáo viên? Đánh giá không trung thực, điều gì sẽ xảy ra với học sinh?
- Nghĩa là nếu không cẩn thận thì tiêu cực hay bệnh thành tích vẫn sẽ không giảm?
Giờ một đứa trẻ hỗn láo nhưng vì bố mẹ quan tâm phong bì phong bao nhiều cho giáo viên, thì giáo viên sẽ nhận xét cháu đó thế nào? Một học sinh nói rằng chỗ này không hiểu, cô giảng lại cho em thì học sinh đó là dốt hay giỏi? Chắc chắn giáo viên bây giờ sẽ đánh giá cháu đó là kém và đặt câu hỏi ngược lại, vì sao các bạn khác hiểu mà em lại không, chắc là trong lúc cô giảng thì nói chuyện riêng, dù đứa trẻ không hiểu thực sự. Thế là nó hình thành tư duy, trên bảo, dưới phải nghe. 
Nói không với nói không!
- Như bà phân tích thì để chuyển đổi cách đánh giá từ điểm số sang nhận xét là rất khó?
Để thay đổi, phải thay cả hệ thống quan điểm của đội ngũ lãnh đạo quản lý các sở, các phòng, các trường học. Hiện chúng tôi cùng sự tài trợ của một số tổ chức quốc tế đưa vào phương pháp dạy học tích cự, dạy học theo nhóm, cứ có mặt mình thì họ áp dụng, vắng mình là thôi. Khi hỏi vì sao không làm thì họ bảo là trên sở không đồng ý, họ lại đánh giá chúng em thế nọ thế kia. 
- Bà vừa nói là ngay cả cách làm này cũng không giúp ngăn chặn bệnh thành tích?
Tôi thấy rất buồn cười là bây giờ người ta lại phát động phong trào "nói không với thành tích nói không". Tóm lại thì đó vẫn là thành tích. Trường nào cũng "nói không", nhưng hỏi rằng ở đó có tiêu cực về điểm số không? Có. Thế thì không thể thoát được bệnh thành tích. 
- Đổi mới cách đánh giá học sinh tiểu học tới đây nên làm như thế nào?
Tôi nghĩ không nên bỏ hoàn toàn cách đánh giá bằng điểm số mà kết hợp cả hai hình thức này. Một số môn học như Toán, Lý, Hóa thì đánh giá bằng điểm số, các môn khác đánh giá bằng nhận xét. Trong khi chưa thay đổi được đội ngũ quản lý, giáo viên thì phải áp dụng dần dần. Chứ không dễ làm ngay trong một sớm một chiều. Ban đầu áp dụng ở vùng nông thôn miền núi thì dễ hơn vì học sinh thuần hơn, tiêu cực ít hơn. Nhưng với các thành phố lớn thì tôi chưa nhìn ra cách đánh giá nào phù hợp với sĩ số mỗi lớp là 60 học sinh.
- Nhưng rõ ràng ý tưởng chuyển đổi hình thức đánh giá này là dấu hiệu vui về quyết tâm đổi mới của ngành giáo dục?
Nó thể hiện ngành giáo dục đang rất lúng túng, chuyển từ thái cực này sang ngay thái cực khác sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nếu không phối hợp cả hai. Sẽ phải tính toán đến các yếu tố như tôi nói mới mong đổi mới được thực sự.
Xin cảm ơn bà!
Gần đây dư luận cũng quan tâm đến vấn đề tổ chức mấy kỳ thi vào đại học. Tôi tự hỏi tại sao chúng ta lại không áp dụng hình thức mở rộng đầu vào thắt chặt đầu ra như nhiều nước tiên tiến họ làm. Ai muốn học đại học cứ việc, nhưng nếu không học được, nếu năng lực kém thì không thể ra trường được, thậm chí 5 năm, 10 năm vẫn chưa có bằng tốt nghiệp. Kéo dài thời gian học càng lâu càng tốn kém. Thế thì ai sẽ đổ xô vào học đại học nữa?
Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(2)

Minh Hiền

minh hang

Tôi thấy rất buồn cười là bây giờ người ta lại phát động phong trào "nói không với thành tích nói không". Tóm lại thì đó vẫn là thành tích. Trường nào cũng "nói không", nhưng hỏi rằng ở đó có tiêu cực về điểm số không? Có. Thế thì không thể thoát được bệnh thành tích.

Minh Hiền

Người Soi Tin

Qua học bạ, chả đánh giá được cái gì cả =)) Bản thân tôi ngày xưa đi học, 12 năm năm nào cũng học sinh trung bình thôi Nhưng bây giờ tôi có công việc còn ngon lành hơn mấy bạn GIỎI và THÂN vs giáo viên =))