Có luật trưng cầu ý dân, tham nhũng sẽ phải sợ

Google News

(Kiến Thức) - "Ra đời luật trưng cầu ý dân là để tăng quyền dân chủ trực tiếp cho dân, đồng thời làm cho quan chức tham ô tham nhũng phải chùn bước", ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam chia sẻ.

Quyền phúc thẩm là ở dân

Được biết, Hội Luật gia Việt Nam đang tiến hành soạn thảo Luật Trưng cầu ý dân để trình Chính phủ. Vì sao lại phải đặt vấn đề xây dựng luật này thưa ông?

Nó xuất phát từ thực tiễn đòi hỏi yêu cầu của người dân. Nghị quyết Đại học Đảng lần thứ 9 cũng nêu rõ trưng cầu ý dân là một nhiệm vụ cấp bách. Chúng ta phải xây dựng được luật đó. Trong Hiến pháp 1946 cũng đã quy định rõ dân có quyền phúc quyết Hiến pháp. Trưng cầu ý dân thể hiện quyền dân chủ trực tiếp của người dân. Chứ lâu nay chúng ta mới có quyền dân chủ gián tiếp thông qua các đại diện của mình. Nếu có luật trưng cầu ý dân thì dù các đại biểu Quốc hội đã thông qua rồi, cũng vẫn phải lấy ý kiến nhân dân. Nó giống như xử sơ thẩm và phúc thẩm, thì vai trò phúc thẩm là người dân. Đó mới là quyền dân chủ trực tiếp theo tư tưởng của Bác Hồ. Dân có quyền quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước.

Vấn đề lớn nhất sẽ là Hiến pháp, nhưng vấn đề nhỏ nhất sẽ phải lấy ý kiến nhân dân là gì ạ?

Ví dụ như các quyết định hành chính theo luật thì không cần phải lấy ý kiến nhân dân, nhưng vấn đề hệ trọng của cả đất nước là phải đưa ra lấy ý kiến. Chúng tôi chưa đặt ra vấn đề nhỏ nhất là vấn đề nào. Ở một số nước có truyền thống dân chủ, mỗi năm họ làm đến mấy chục cuộc trưng cầu ý dân. Ví dụ như khi tôi sang Thuỵ Sỹ thì thấy, kể cả những vấn đề nhỏ nhất họ cũng lấy ý kiến dân. Tuy nhiên, có hai kiểu là trưng cầu ý dân trong phạm vi toàn quốc và trưng cầu ý dân trong khu vực, địa phương. Những chuyện như mở rộng Thủ đô thì nhất thiết phải trưng cầu ý dân.

Trước nay chúng ta vẫn lấy ý kiến nhân dân về các vấn đề hệ trọng của đất nước. Vậy trưng cầu ý dân có khác gì với lấy ý kiến nhân dân không?

Khác nhau hoàn toàn. Lấy ý kiến nhân dân là tập hợp tất cả các ý kiến đóng góp của dân lại. Việc tiếp thu thế nào thì phải xem xét. Còn trưng cầu ý dân thực chất là hỏi dân có đồng ý hay không. Chỉ có hai phương án là có hoặc không. Kết quả trưng cầu ý dân phải là con số định lượng, bao nhiêu phần trăm đồng ý, bao nhiêu không. 

Ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam. 

Tốn mấy cũng phải làm

Mỗi lần tổ chức trưng cầu dân ý như vậy hẳn là tốn kém lắm?

Đúng là rất tốn kém. Nhưng tốn mấy cũng phải cố gắng làm cho được. Nếu chưa làm được thì ít nhất cũng phải xây dựng luật. Phải có luật thì mới thực hiện được chứ.

Thế nhưng những nước phát triển họ có điều kiện kinh tế, trình độ dân trí họ cũng cao hơn mình, việc đưa ra lấy ý kiến nhân dân ở ta liệu có lãng phí và không hiệu quả?

Đó cũng là khó khăn mà mình phải tính đến. Tuy nhiên, trưng cầu ý dân là đòi hỏi bức xúc của người dân, quyền chính đáng của dân. Vì thế, ta không tính đến các yếu tố đó. Trưng cầu ý dân là một cuộc vận động chính trị. Trước khi trưng cầu thì chúng ta phải đưa ra các phương án và có giải thích rõ ý nghĩa của từng phương án. Qua đó người dân tự cân nhắc và tự quyết thôi.

Ông vừa nói hiện giờ quyền của dân vẫn còn mang tính hình thức. Còn nhiều người thì nói đùa "khổ nhất vẫn là dân đen thôi". Phải chẳng bởi thế mà cần phải có ngay Luật Trưng cầu ý dân?

Đúng thế. Thực tế đó cần phải thay đổi. Việc tuyên truyền giáo dục vận động nhân dân đã có tiến bộ nhưng vẫn còn rất hình thức, chưa sâu sắc. Cần phải đi sâu vào dân, trao vào tay người dân quyền quyết định. Chứ ví dụ như việc lấy ý kiến hiện nay, vừa tốn kém vừa mang nặng hình thức. Chỉ khi nào quyền được đặt trực tiếp vào tay người dân thì niềm tin của dân mới tăng lên được.

Không ảnh hưởng đến chế độ

Chế độ của ta là "Đảng cử Dân bầu", mỗi người dân đã bầu ra đại diện cho mình để quyết định các việc hệ trọng của đất nước. Liệu luật thừa?

Tôi thấy không ảnh hưởng gì đến chế độ của ta. "Đảng cử Dân bầu" là để ổn định về mặt tổ chức. Dân bầu ra đại diện của mình nhưng cũng có quyền tự quyết. Những vấn đề quan trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia thì phải có ý kiến của chính người dân.

Có khi nào ý kiến của đa số dân không trùng với ý kiến của đại biểu do dân bầu ra?

Thực tiễn là có. Ở các nước khác cũng có đấy. Đó cũng là điều phải đắn đo cân nhắc kỹ, nếu không nó sẽ trái với mục tiêu và bản chất của chế độ. Bởi vậy việc xây dựng luật cần làm ngay, nhưng để áp dụng vào thực tiễn thì sẽ phải chờ đến lúc trình độ dân trí phát triển, hiểu biết của dân, cách tổ chức của cơ quan quản lý, chính trị ổn định... thì mới áp dụng được.

Rõ ràng nếu chính trị không ổn định, các thế lực thù địch dòm ngó, thì khó để trưng cầu ý dân có kết quả tốt?

Đúng thế!

Thế nhưng hiện nay, dư luận một số người chưa thực sự tin tưởng vào bộ máy lãnh đạo của ta. Bởi tham nhũng còn nhiều, lòng tin của dân cũng suy giảm nhiều?

Đúng là lòng tin của người dân vào bộ máy lãnh đạo hiện nay giảm sút rất nhiều. Quyền dân chủ trực tiếp của dân còn có những hạn chế. Ví dụ, trong vấn đề đất đai, dù đã sửa đổi bổ sung nhiều lần nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh. Những vấn đề cụ thể cho từng trường hợp lại chưa có. Đặc biệt là chính quyền cơ sở khi thực hiện lại không nghiêm chỉnh, chặt chẽ, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để tham ô tham nhũng, gây bất bình trong dân.

Người tham nhũng sẽ phải sợ

Liệu khi có Luật Trưng cầu ý dân, các khiếu kiện khiếu nại, bức xúc của người dân có giảm?

Tôi nghĩ là không giảm được vì chúng ta chỉ trưng cầu ý dân đối với những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước. Nhưng khi dân được quyền quyết định thì người tham nhũng sẽ phải sợ. Nó có thể răn đe, giáo dục đội ngũ cán bộ. 

Thế thì nó sẽ nảy sinh vấn đề là chính những người tham nhũng đó lại đang giữ những chức vụ quan trọng. Chắc hẳn họ không muốn có luật này?

Hiện chưa thể nói được có bao nhiêu người, loại người nào không thích trao quyền quyết định cho dân. Nhưng thực tế thì đúng là có những kẻ xấu không muốn phát huy quyền dân chủ của dân, tìm cách ngăn cản. Cái này không tránh được. Nhưng yên tâm rằng số này lúc nào cũng chỉ là thiểu số mà thôi. 

Khi nào thì người dân Việt Nam sẽ chính thức có quyền được hỏi ý kiến đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước và địa phương?

Luật này vẫn nằm trong chương trình dự bị của Quốc hội. Tôi nghĩ năm 2015 - 2016 thì luật này sẽ được thông qua. Làm sao để đến năm 2020 trở đi là có thể áp dụng được. Lúc đó Việt Nam đã ở ngưỡng là nước phát triển rồi. Đó là lộ trình để chúng tôi phấn đấu.

Xin cảm ơn ông!
Khi có luật trưng cầu ý dân, kể cả các vấn đề quan trọng của từng địa phương cũng phải trưng cầu ý dân. Phải thông báo cho dân biết, dân bàn. Nếu dân phản đối thì phải ngừng lại quyết định/dự án đó. Như thế thì những bức xúc trong người dân sẽ bớt đi và người dân thực hiện được quyền dân chủ trực tiếp.

ĐANG ĐỌC NHIỀU

Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(0)