Đừng tưởng “tín nhiệm cao” mà vui!

Google News

(Kiến Thức) - Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chia sẻ với phóng viên về việc Hà Nội lấy phiếu tín nhiệm 18 chức danh.

Làm dở mà tín nhiệm cao thì nên xấu hổ

Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân TP Hà Nội vừa kết thúc, 18 chức danh lãnh đạo đã được lấy phiếu tín nhiệm. Nhiều người lo lắng lấy phiếu tín nhiệm không cẩn thận sẽ chỉ là hình thức mà không đi vào thực chất, ông có cùng nỗi lo ấy?

Lấy phiếu tín nhiệm được coi là công việc của Quốc hội, của các hội đồng nhân dân. Đây là dấu hiệu đáng mừng, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Đồng thời nó là công cụ để chọn hiền tài. Để xác định ai là người có đủ tâm, đủ tầm lãnh đạo trước nhân dân, từ cấp trung ương đến tỉnh thành, cơ sở. Lấy phiếu tín nhiệm sẽ mở rộng ra các đoàn thể. Nhưng phải làm thế nào để nó không thành hình thức. Mà cái khả năng lấy phiếu tín nhiệm theo chủ trương chung, trở thành việc hình thức, là điều cũng có thể xảy ra.

Vậy làm thế nào để việc lấy phiếu tín nhiệm không phải là hình thức?

Người bỏ phiếu và người được lấy phiếu tín nhiệm phải nhận thức được trách nhiệm của mình trước nhân dân. Lấy phiếu tín nhiệm phải dân chủ. Người được lấy phiếu tín nhiệm dù là người đứng đầu thì phải thực sự cầu thị. Việc này phải được thực hiện với ý thức khách quan, thận trọng, không nể nang, đặt việc chung phải đặt lên trên hết.

Nhưng đó chỉ là lý thuyết, thực tế thì...?

Bởi vậy tôi mới nói làm không cẩn thận thì rất dễ rơi vào tình trạng làm cho có. Nó đòi hỏi mỗi người cầm lá phiếu phải có trách nhiệm cao trước nhân dân. Đây là khẩu hiệu, nhưng cũng là thực tế. Tuy nhiên, phải thấy cái được nhất chính là việc nó sẽ tạo ra tiền lệ tốt để nhân dân đánh giá lãnh đạo. Không có vùng cấm đối với những người lãnh đạo quản lý.

Với tư cách là một cử tri, ông kỳ vọng gì vào việc lấy phiếu tín nhiệm của Hà Nội?

Đối với Hà Nội thì đây không phải là lần đầu tiên. Hà Nội đã từng lấy phiếu tín nhiệm nhưng không công bố công khai. Phải khẳng định thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm ở các địa phương, tỉnh thành là việc làm đáng vui mừng. Người tín nhiệm thấp thì nên từ chức. Người tín nhiệm cao thì phát huy. Người làm dở mà tín nhiệm cao thì nên xấu hổ. Người làm tốt mà tín nhiệm thấp thì chính người bỏ phiếu phải xem lại.

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói về Hà Nội lấy phiếu tín nhiệm 18 chức danh.

"Tôi nghĩ không nên xấu hổ"

Giả sử ông là người được lấy phiếu mà kết quả tín nhiệm của ông bị thấp, ông có cảm thấy nặng nề, xấu hổ?

Trên thế giới, việc từ chức rất phổ biến. Nhưng chế độ xã hội mỗi nước là không giống nhau. Chúng ta đang tiến tới từng bước để thực hiện được điều này. Tinh thần trách nhiệm là rất quan trọng. Nếu có tinh thần trách nhiệm thì mọi người sẽ cảm thấy nhẹ như lông hồng. Nếu không được tín nhiệm cao thì tôi nghĩ cũng không nên xấu hổ. Đó là cơ hội để nhìn lại mình và sửa mình. Người bỏ phiếu thì cũng đừng tuỳ tiện hồ đồ.

Thế nhưng mỗi người một suy nghĩ, quan điểm khác nhau. Không thể có chuyện ai cũng khách quan, trung thực, không bị bất cứ mối quan hệ nào ràng buộc?

Trung thực phải là phẩm chất của con người. Không vì một uy quyền, lợi ích nào mà bẻ cong thực tế. Cái này là nhận thức của mỗi cá nhân. Xu thế dân chủ, công khai, minh bạch trong xã hội đang là một xu thế không thể cưỡng lại được. Ai đi ngược lại thì sẽ bị đào thải thôi. Không dân chủ, công bằng, văn minh thì làm gì có dân giàu nước mạnh.

Hẳn là mong muốn có một kết quả thực chất không phải là mong muốn của riêng ai?

Mọi người đều mong muốn có một kết quả thực chất, có hiệu quả, đánh giá lãnh đạo một cách chính xác. Thế nhưng vì nhiều lẽ, hoặc là nể nang, hoặc là hời hợt không nghiên cứu... nên nó dẫn đến những kết quả không chính xác. Mong rằng những người đại biểu của nhân dân đừng để cho dân ở địa phương mình thất vọng.

Đừng hài lòng với kết quả đạt được

Việc triển khai lấy phiếu tín nhiệm ở tất cả các hội đồng nhân dân địa phương tới đây sẽ có những điều gì đáng mừng, đáng lo, cần rút kinh nghiệm?

Đây sẽ là bước tập dượt. Dần dần chúng ta sẽ nhìn nhận việc lấy phiếu tín nhiệm là việc đương nhiên phải làm. Các bậc đánh giá cũng sẽ thực chất hơn, trực tiếp hơn trong việc đánh giá nhìn nhận các vị trí lãnh đạo. Đây là bước tập dượt và cũng là bước nhắc nhở. Việc này khác các nước trên thế giới. Tới đây chúng ta sẽ phát huy ưu điểm và khắc phục nhược điểm. 3 mức đánh giá hiện nay là dàn trải các bước đánh giá và làm trừu tượng hơn các thang độ. Tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp là những khái niệm rất rộng. Có thể sau này sẽ chỉ có hai mức là tín nhiệm và không tín nhiệm.

Kinh nghiệm hiện tại sẽ là gì thưa ông?

Chủ trương là đúng, việc làm là đáng khích lệ nhưng đừng chủ quan, đừng hài lòng với kết quả đã đạt được. Cần phải làm tốt hơn với yêu cầu khách quan, trung thực, trách nhiệm, chính xác.

Để tránh tâm lý làm cho có, làm vì quy định phải làm, lấy phiếu chỉ để cho có, ai cũng tín nhiệm cả, thì phải làm gì?

Giờ bên cạnh xu hướng công khai trung thực thì còn có xu hướng nể nang né tránh, sợ trả thù. Xu hướng đó không nhỏ. Điều này cũng được nói trong nhiều văn kiện của Đảng. Phải chống lại xu hướng đó. Phải coi đây là việc thử thách các tổ chức. Đó có phải là tổ chức lành mạnh, trong sạch vững mạnh không chứ không chỉ là thử thách người được lấy phiếu tín nhiệm. 

Xin cảm ơn ông!

- Lấy phiếu tín nhiệm chính là tự phê bình. Người ta đến cửa phật, đền chùa, nhà thờ là người ta phải thực hiện đúng theo quy định của đạo đó. Thì người đảng viên sinh hoạt trong các tổ chức đảng thì cũng phải coi việc đó là việc phải làm. Có những người tâm tốt nhưng tầm không đủ thì qua việc lấy phiếu tín nhiệm, nếu không thấy phù hợp nên tự động rút lui hoặc luân chuyển sang vị trí khác. Văn hoá từ chức sẽ được mở đường từ những cuộc lấy phiếu tín nhiệm như thế này.

- Chiều 4/7, 93% đại biểu Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội đã tán thành Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm. Theo đó, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Ngô Thị Doãn Thanh nhận được hơn 91% phiếu tín nhiệm cao, tiếp đó là Giám đốc Sở Công an Nguyễn Đức Chung. Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhận được 62%. Hai lãnh đạo ngành nhận được nhiều phiếu tín nhiệm thấp là Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Nguyễn Đình Đức (24%) và Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Ngô Văn Quý (23%). Còn Trưởng ban Pháp chế HĐND Nguyễn Hoài Nam là người duy nhất không nhận được phiếu tín nhiệm thấp nào.

ĐANG ĐỌC NHIỀU

Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(0)