Chứng minh không vi phạm: Hơi đâu mà kiện!

Google News

(Kiến Thức) - "Phần lớn người dân chẳng bao giờ khiếu nại cho mệt. Thôi thì mở lời xin xỏ cho nó xong đi. Thôi thì em có vài đồng cho các anh uống nước!"


Việc quy định cho phép người bị xử phạt vi phạm hành chính có quyền chứng minh mình không vi phạm thực ra cũng đã có trong luật từ lâu rồi. Để nộp một cái đơn kiện lên toà hành chính mất rất nhiều công đoạn, thời gian và thủ tục. Nên quy định đó, suy cho cùng cũng chỉ mang tính hình thức", TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển chia sẻ với phóng viên.

Tùy tiện trong việc chứng minh người vi phạm 

Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1/7, người bị xử phạt vi phạm hành chính có quyền chứng minh mình không vi phạm. Nhiều người cảm thấy vui mừng với thông tin này. Theo ông thì điều này có dễ thực thi?

Quy định đó chỉ mang tính nguyên tắc thôi. Không có các điều khoản cụ thể để thực thi được nguyên tắc trên thực tế. Đó là cái yếu của luật. Quy định này thực ra đã có từ lâu trong tất cả các văn bản luật quy định cụ thể rồi. Không chỉ trong luật sửa đổi này, mà người vi phạm có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về Luật Khiếu nại hành chính. Trình tự sẽ là làm đơn nộp trực tiếp đến người ra quyết định xử phạt, sau một thời gian mà không được giải quyết thoả đáng thì lại tiếp tục khiếu nại lên cấp trên. Nếu vẫn không được thì nộp khởi kiện ra đơn ra toà án hành chính. Toà án sẽ thụ lý vụ án, nhận đơn, định ngày xét xử. Tóm lại là quyền khiếu nại của người vi phạm rất đầy đủ. Nguyên tắc chung thì rất là hay, nhưng thực tế thì nó khó.

Khó ở chỗ nào thưa ông?

Trừ những trường hợp xử phạt với số tiền rất lớn, người vi phạm cảm thấy bị oan ức thì họ buộc phải khiếu kiện đến cùng, còn đa phần là người ta rất ngại, vô cùng ngại kiện tụng. Chỉ riêng việc nộp đơn, chờ giải quyết cũng mất đến vài tháng. Rồi có khi giải quyết không thoả đáng, tiếp tục kiện tụng, chỉ kéo dài thêm sự mệt mỏi cho người đi kiện thôi!

Ở góc độ người bị xử phạt, phải chứng minh được là mình không vi phạm thì mới được xem xét không xử lý. Còn ở góc độ là người xử lý vụ việc, chắc hẳn họ cũng phải chứng minh được đúng là người vi phạm đã phạm luật?

Theo quy định thì là thế. Rõ ràng nhất là ở lĩnh vực xử lý vi phạm giao thông. Chỉ có thể xử lý được vi phạm nếu cảnh sát giao thông chứng minh được người tham gia giao thông vi phạm. Còn nếu không chứng minh được thì coi như là vô tội. Nhưng thực tế thì có nhiều lý do khiến nó không như vậy. Người thực thi công vụ thường rất tùy tiện trong việc chứng minh người vi phạm. Họ sẽ chứng minh bằng cách nào đó có lợi nhất cho họ. Ví dụ như có chứng cứ gỡ tội cho người vi phạm thì họ lờ đi, còn những thông tin nào bất lợi cho người vi phạm thì họ sử dụng.

Nghĩa là họ đang toàn quyền định đoạt tội của người vi phạm?

Đúng vậy, họ toàn quyền định đoạt tội của người vi phạm. Họ nói thế nào thì người vi phạm biết thế. Trong lĩnh vực xử phạt vi phạm giao thông vốn rất phức tạp, nhiều khi hành vi xảy ra rất nhanh mà người điều khiển giao thông lại không thể quan sát hết được. Vì thế, quy định chung chung là rất bất lợi cho cả người thực thi công vụ, làm khó cho họ.

TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển.

Thôi thì em có vài đồng cho các anh uống nước!

Ông vừa nói đến xử phạt trong lĩnh vực vi phạm giao thông. Giả sử người vi phạm giao thông đúng là vi phạm, nhưng vì họ không nhận ra, hoặc là họ cố ý cãi cùn thì xử lý thế nào?

Đấy, nó rất khó. Nếu có quy định về quy trình thủ tục lập chứng cứ ngay tại chỗ, một cách rất chặt chẽ về nghiệp vụ thì người vi phạm mới tâm phục khẩu phục. Tâm lý chung của người phạm lỗi là nếu còn có thể cãi được, người ta vẫn chối, vẫn cãi. Do đó, phải có quy trình rõ ràng, đúng nghiệp vụ, có chứng cứ rõ ràng để không ai cãi được. Khi đó, người không vi phạm thì không ai áp đặt được tội cho họ. Chứ tôi biết có nhiều trường hợp cảnh sát giao thông cũng sợ người vi phạm lì lợm, to mồm. Họ cứ bù lu bù loa lên, đám đông xúm lại là lôi thôi. Mà đám đông thì chả bao giờ đứng về phía cảnh sát.

 Ảnh minh họa (Internet)

Nhưng người vi phạm có quyền khiếu nại, chứng minh mình không vi phạm?

Vì là có quyền khiếu nại nhưng quy trình lại quá rườm rà như vậy, nên giả sử tôi không vi phạm mà anh cứ nói tôi vi phạm, tôi không tâm phục khẩu phục thì tôi vẫn cứ nộp phạt cho nó qua chuyện. Hơi đâu mà nộp đơn lên cấp trên của người đó để khiếu nại, rồi chuẩn bị chứng cứ, nhân chứng cần thiết... Phần lớn người dân chẳng bao giờ khiếu nại cho mệt. Thôi thì mở lời xin xỏ cho nó xong đi. Thôi thì em có vài đồng cho các anh uống nước!

Ngoài cái thủ tục rườm rà kia thì việc đưa ra bằng chứng, nhân chứng để chứng minh mình không vi phạm, xem ra cũng rất khó?

Rất khó. Trong trường hợp đó thì bên có quyền lực bao giờ cũng có lợi hơn. Họ nói thì cấp trên của họ phải nghe chứ. Chẳng lẽ cấp trên lại đi nghe người dân, đi nghe người bên ngoài mà không nghe người của mình báo cáo? Mà người dân là đối tượng bị phạt. Thế thì đương nhiên bất lợi là người dân. Thế nên tôi nói lại, phải có quy trình rõ ràng về việc thu thập chứng cứ.

Thế nghĩa là nếu không có chứng cứ thì sẽ không bị phạt?

Đúng thế, nếu không có chứng cứ rõ ràng thì không được phạt người ta. Cũng giống như người vi phạm, nếu có chứng cứ rõ ràng chứng minh mình vô tội thì cũng không bị xử phạt.

Còn nếu không như vậy thì sao?

Nếu không thì cái quy định kia chẳng có ý nghĩa gì lắm, không có ý nghĩa thực tiễn. Người thi hành nhiệm vụ vẫn sẽ cứ chủ động áp đặt đưa ra quyết định xử phạt của mình mà không ai dám cãi.

Không ai muốn làm án hành chính

Nói như ông thì ngoài việc thi hành công vụ, sẽ lại nảy sinh thêm một bộ phận thu thập bằng chứng phục vụ cho việc xử phạt?

Đó là quy định chung cho rất nhiều lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính như xây dựng, động vật hoang dã, văn hoá... Và để áp dụng thì tất cả đều phải có bằng chứng, nhân chứng. Còn làm thế nào để có những bằng chứng thuyết phục thì đó là vấn đề nghiệp vụ của ngành công an. 

Hiện nay thì số vụ khiếu nại khiếu kiện ra toà án hành chính nói chung, trong lĩnh vực giao thông nói riêng có nhiều không thưa ông?

Ít lắm. Thế nên có người mới nói đùa là làm toà hành chính thì chỉ ngồi chơi xơi nước thôi. Thực tế làm toà hành chính nhàn lắm. Thậm chí họ chả muốn nhận đơn. Có nhận thì họ cũng om ở đấy. 

Vì sao lạ thế ạ?

Vì nếu nhận đơn và xử, chẳng nhẽ họ lại ra phán quyết xử lý các cơ quan chính quyền cùng cập của họ. Còn với những vụ việc nhỏ như vi phạm giao thông, làm gì có ai kiện mà bảo nhiều hay ít.

Theo ông thì người dân có thể hy vọng gì ở cái quy định mới này?

Người dân biết mình được quyền đó cũng là cách để người thực thi công vụ phải làm chặt chẽ, làm tốt hơn nhiệm vụ của mình. Ở các nước phát triển, trình độ dân trí cao, người dân chấp hành pháp luật một cách tự giác thì không cần đến các chế tài này, hoặc có cần thì cũng chỉ là hình thức. 

Xin cảm ơn ông!

Điều 3 trong Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính. Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, đảm bảo công bằng.

ĐANG ĐỌC NHIỀU

Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(0)