Hút nhân tài bằng 20 lần lương cơ sở, đáng gì!

Google News

(Kiến Thức) – "Hỗ trợ nhân tài một lần bằng 20 lần mức lương cơ sở thì đáng gì. Có địa phương còn đãi ngộ nhiều hơn mà kết quả vẫn không khả quan…"- GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết.

GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa có cuộc trao đổi với Kiến Thức về nghị quyết “trải thảm đỏ hút nhân tài” của HĐND TP Hà Nội.

Mới đây, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về ban hành chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Theo đó, đối với những người đủ điều kiện, TP dự định hỗ trợ đãi ngộ thu hút một lần bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm được tuyển dụng. Đi kèm theo đó là nhiều chính sách đãi ngộ khác như: thuê, mua nhà ở, hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, học tập… Xin giáo sư (GS) cho biết ý kiến của ông về chính sách đãi ngộ này?

Nghị quyết về chính sách trọng dụng nhân tài là một trong ba nghị quyết mà HĐND TP  Hà Nội vừa ban hành để thực hiện Luật Thủ đô. Từ xưa tới nay, triều đại, quốc gia hay địa phương nào muốn phát triển cũng phải trọng dụng nhân tài. Một số chính sách cụ thể trong nghị quyết này có thể chưa trúng lắm nhưng nhìn chung trọng dụng nhân tài là chủ trương rất đúng của thành phố.

 GS Nguyễn Minh Thuyết: “Trả lương, trả công theo vị trí làm việc và chất lượng công việc mới thực sự là trọng dụng nhân tài”.

Vậy theo ông, nghị quyết mới về việc thu hút nhân tài của TP.Hà Nội có dễ thực thi?

Theo tôi biết, 10 năm trước Hà Nội cũng đã ban hành chính sách ưu đãi đối với nhân tài. Tuy nhiên, chưa thấy chính sách ấy tạo ra hiệu quả gì rõ rệt đối với sự phát triển của Thủ đô. Nguyên nhân chủ yếu có lẽ là do thực hiện chính sách chưa tốt.

Nhắc đến chính sách này, tôi lại nhớ tới câu chuyện 7, 8 năm trước báo chí đã đưa: Một vị TSKH, chủ nhiệm khoa của một cơ sở đại học hàng đầu ở Thủ đô nghe nói thành phố có chính sách ưu đãi nhân tài liền gửi đơn đề nghị thành phố cấp hoặc cho mua một căn hộ, nhưng đơn của nhân tài ấy lại được Văn phòng UBND TP trả lời là đã chuyển cho bộ phận… khiếu nại, tố cáo giải quyết. Chuyện cười ra nước mắt ấy có thể khiến người ta nghi ngờ: Chính sách ban hành vậy thôi nhưng có thực bụng chiêu hiền đãi sĩ không lại là chuyện khác.

Bởi vậy, theo tôi, để Nghị quyết về trọng dụng nhân tài của HĐND TP đi vào cuộc sống thì phải chú ý đến việc thực hiện và thường xuyên giám sát việc thực hiện nghị quyết ấy.

Trong chính sách đối với nhân tài, chế độ đãi ngộ có phải là vấn đề mấu chốt, thưa giáo sư?

Nói đến trọng dụng nhân tài thì chế độ đãi ngộ là quan trọng nhất. Nhưng đãi ngộ không phải chỉ là tiền bạc, vật chất, càng không phải là khoản 20 lần lương cơ sở để thu hút. Nghe con số 20 lần thì to nhưng cũng chỉ trên dưới 20 triệu đồng thôi, đáng gì. Có địa phương còn đãi ngộ nhiều hơn mà kết quả vẫn không khả quan. Bởi vì nhận 20 triệu rồi về cơ quan, xếp hàng theo thứ tự, từ mức lương 2,34 tuần tự ba năm lên một bậc thì nhân tài nào cũng sớm thành ông/bà công chức “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”.

Cách đãi ngộ tốt nhất là trọng dụng nhân tài trong công việc. Với những bạn trẻ có năng lực thực sự, cần tạo điều kiện cho họ đi học hỏi thêm ở nước ngoài, giao cho họ những việc quan trọng, mạnh dạn đề bạt họ; đừng lúc nào cũng nghĩ “tuổi nhỏ làm việc nhỏ” rồi cho rót nước, pha trà, phô tô giấy tờ… vài năm, lãng phí lắm. Với các nhà khoa học có tài thì hãy trả công xứng đáng để họ có điều kiện cống hiến xứng đáng.

Chúng ta phải học cách trọng dụng nhân tài của nước ngoài. Không nói đâu xa, ngay ở Trung Quốc, người ta sẵn sàng trả lương cao hơn hẳn mức thông thường cho người học ở những trường lớn từ nước ngoài về. Bên cạnh đó là những chính sách đãi ngộ khác, như vậy người giỏi mới có điều kiện làm việc và cống hiến.

Trong nghị quyết, TP Hà Nội hướng tới các đối tượng là thủ khoa, tiến sĩ…và những đối tượng này sẽ được tiếp nhận hoặc xét đặc cách không qua thi tuyển. Bằng cấp, danh hiệu có phản ánh đúng năng lực, thưa ông? Như thế, những người có tài nhưng thiếu bằng cấp dễ bị bỏ qua?

Người xưa đón nhân tài có nhiều cách. Thi tuyển chỉ là một cách. Người tài cao thì vua chúa còn phải đến tận nhà mời. Bởi vậy, tôi tán thành biện pháp mà Nghị quyết của HĐND TP đưa ra. Nhưng cũng cần lưu ý rằng nếu chỉ dựa theo bằng cấp thì rất có thể sẽ tuyển nhầm nhân tài. Tôi chưa nói tới chuyện “chạy bằng”, cứ cho rằng bằng cấp có được là do phấn đấu, do năng lực, nhưng sự thật là nhiều người học giỏi, học hàm học vị cao nhưng năng lực thực hành không tương xứng. Trong khi đó, nhiều người bằng cấp không cao nhưng thực sự có tài mà không được đãi ngộ tốt thì như vậy là bỏ phí nhân tài rồi.

Bên cạnh những người có học vấn cao, Nghị quyết của HĐND TP cũng đã chú ý đến những người lao động và các nghệ nhân có tay nghề cao. Nhưng theo tôi cũng cần chú ý đến những người hiện đang làm việc ở TP. Người mới được ưu đãi, người cũ không có gì, xem chừng cũng không ổn lắm.

Trả lương cao cùng với rất nhiều đãi ngộ khác có thể tạo điều kiện cho việc…“chạy nhân tài”. Ông nghĩ sao về giả thiết này?

Nếu chọn nhân tài theo kiểu hình thức (đơn thuần dựa vào bằng cấp chẳng hạn) thì rất có thể sẽ chọn nhầm và tạo điều kiện cho “con ông cháu cha” và những người chạy chức chạy quyền trục lợi…

Bởi vậy, việc thu hút nhân tài không nên thực hiện một cách ồ ạt. Nên cân nhắc lựa chọn, ít thôi nhưng xứng đáng và tạo mọi điều kiện để họ phát huy tối đa năng lực của mình.

Theo GS, phải làm sao để việc thu hút nhân tài cho Thủ đô đạt hiệu quả cao nhất?

Về việc sử dụng nhân tài, Hà Nội và TP.HCM thuận lợi hơn rất nhiều địa phương khác. Đặc biệt Hà Nội là Thủ đô, tập trung các cơ quan trung ương, các viện nghiên cứu và trường đại học lớn với nhiều tri thức có danh tiếng, nhiều cán bộ khoa học trẻ có năng lực… Nhân tài đang “ở trọ” ngay trong nhà, chẳng cần phải mong ngóng, cầu cạnh đâu xa. Hà Nội nên tận dụng số nhân tài “trời cho” này. Để tận dụng, cần biết cách đặt hàng và trả công lao động xứng đáng.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

Tại phiên họp chiều ngày 2/7, HĐND TP.Hà Nội đã thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết về ban hành chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô.

Theo đó, nhân tài mà Thủ đô nhắm đến là các thủ khoa ĐH xuất sắc các ngành Hà Nội đang cần, các tiến sĩ có công trình, đề án đáp ứng nhu cầu của thủ đô, các bác sĩ nội trú, bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa cấp II…

Các giáo viên, giảng viên có học sinh, sinh viên đạt giải cao trong nước và quốc tế, các huấn luyện viên có vận động viên đoạt giải cao, và các vận động viên, văn nghệ sỹ đoạt huy chương vàng hoặc giải nhất các kỳ thi chuyên nghiệp quốc gia, khu vực và thế giới, cũng thuộc đối tượng được thành phố ưu tiên.

Các chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân, người được trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước, có sáng kiến, công trình, giải pháp mang tính đột phá  được ứng dụng  phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô cũng sẽ được trọng dụng.

Các đối tượng đủ điều kiện sẽ được tiếp nhận hoặc xét đặc cách không qua thi tuyển, được hưởng hỗ trợ  đãi ngộ thu hút một lần bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm được tuyển dụng, tiếp nhận.

Ngoài ra các đối tượng này còn được thuê, mua nhà ở theo chính sách ưu tiên và sau 2 năm công tác được ưu tiên cử đi đào tạo sau đại học ở trong nước hoặc nước ngoài, được thành phố hỗ trợ kinh phí.

Đi kèm với việc hưởng chính sách đãi ngộ các đối tượng trên cũng phải có nghĩa vụ, trách nhiệm như cam kết làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc TP.Hà Nội ít nhất 7 năm.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Phạm Thủy (thực hiện)

Bình luận(0)