Phụ nữ mang thai trước tuổi 33: Hài kịch... cười vui!

Google News

(Kiến Thức) - Thông tin phụ nữ mang thai trước tuổi 33 đã được xác nhận không có thực, nhưng vẫn gây tranh cãi trong dư luận; nếu là sự thật thì như vở hài kịch giúp cười vui.

Những ngày gần đây, thông tin Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM vừa đề xuất với UBND thành phố về việc quy định về độ tuổi của phụ nữ mang thai không được quá 33; người hiếm muộn phải thụ tinh nhân tạo cũng chỉ mang số lượng thai tối đa là 2 đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận. 

Thông tin này khiến nhiều người hoang mang bởi thực tế hiện nay, độ tuổi kết hôn của phụ nữ ngày càng muộn, nhiều người khoảng 28-30 tuổi mới xây dựng gia đình. Sau đó thường khoảng một năm sau họ mới sinh người con đầu tiên. Đợi con một trở nên cứng cáp, họ mới nghĩ đến việc sinh người con thứ hai. Khi đó, người phụ nữ ngoài 33 tuổi rồi thì chẳng lẽ chỉ cho họ sinh một người con? Đó là thắc mắc chung của rất nhiều người về quy định nói trên.

Tuy nhiên, hôm qua, (11/7), bác sĩ Tô Thị Kim Hoa, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, khẳng định trên một tờ báo điện tử rằng, không hề có chuyện chi cục đề xuất như thế. Tuy vậy, những ngày qua, dư luận thực sự hoang mang trước thông tin đó và có những phân tích "thấu tình" nếu như đề xuất này có thật. 

 
"Nếu quy định phụ nữ chỉ mang thai trước tuổi 33 về sức khỏe thì lý tưởng nhưng về yếu tố xã hội thì không phù hợp.

Về mặt sức khỏe, độ tuổi sinh đẻ tốt nhất của phụ nữ là từ 25-29 tuổi. Tuy nhiên, quy định cũng phải dựa trên thực tế, không nên áp dụng cho tất cả mọi người vì tình hình sức khỏe của mỗi người không giống nhau.

Theo tôi, quy định như thế thì thiếu khả thi. Nên khuyến khích phụ nữ không nên sinh con sau tuổi 36, nghĩa là lùi lại khoảng 3 năm thì hợp lý hơn. Nhiều phụ nữ sau 33 tuổi sức khỏe tốt thì việc mang thai không có gì nghiêm trọng quá mà phải lo ngại".

Bác sĩ Vũ Văn Vinh - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội
Chị Nguyễn Thị Hòa (Ba Đình – Hà Nội) cho biết: “30 tuổi tôi mới kết hôn, đến giờ vẫn chưa sinh con, đi khám bác sĩ bảo sức khỏe của hai vợ chồng bình thường, nghĩa là chưa có con, nhưng chưa hẳn là hiếm muộn và không thể có giấy chứng nhận hiếm muộn. Như thế chẳng lẽ tôi không được sinh con - đó là chuyện quá vô lý. Quyết định như thế thì vi phạm nhân quyền một cách quá đáng. Không chỉ tôi mà hầu hết chị em phụ nữ phản đối quy định đó”, chị Hòa bức xúc.

Về việc thụ tinh nhân tạo, chị Mai (Làng quốc tế Thăng Long - Hà Nội) cho rằng: “Theo tôi biết, khi thụ tinh nhân tạo, bác sĩ sẽ cấy liền mấy phôi. Bác sĩ khuyên chỉ nên để 2 thai thế nhưng vì muộn mới có thai, tôi có đủ sức khỏe, được bác sĩ cho phép thì ép tôi bỏ đi 1 là không hợp lý. Bởi, có những trường hợp khi bác sĩ can thiệp để bỏ đi 1 trong 3 thai thì lại hỏng tất cả. Tôi nghĩ việc này cần sự đồng ý của bác sĩ, chứ không nên ép, không nên quy định cứng nhắc”.

Trao đổi với Kiến Thức, Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất - Giám đốc Công ty Tâm lý An Việt Sơn cho rằng, quy định đó thiếu thực tế và phần lớn không ai đồng tình. 

 Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất.

Ông Chất phân tích rằng: “Ở góc độ nào đó, người ra quyết định có ý lo cho dân, với mong muốn để người nữ sau 50 tuổi thì con lớn rồi, đỡ vất vả, khi về hưu thì được thảnh thơi. Họ mong muốn người dân được sướng khi tuổi về già, đỡ bận bịu con cái còn nhỏ. Nhưng góc độ tốt đó rất nhỏ trong vòng tròn 360 độ. Suy nghĩ như vậy là không trọn vẹn, không đầy đủ cho tất cả cộng đồng, đặc biệt là những người phụ nữ xây dựng gia đình muộn. 34 tuổi họ mới sinh con mà trái quy định thì chẳng lẽ họ không được làm mẹ? Như vậy là gián tiếp cắt quyền làm mẹ của những người xây dựng gia đình ở tuổi 33, về mặt quyền lợi của người phụ nữ, về mặt tình cảm, đạo đức đều bất hợp lý”. 

“Hơn nữa, theo cuộc vận động dân số kế hoạch hóa gia đình của nhà nước là chỉ sinh 2 con, con thứ nhất cách con thứ hai 5 năm, thế những người kết hôn lúc 27-28 tuổi, 29 tuổi họ mới sinh con đầu lòng, quy định tuổi như vậy thì họ không được sinh con thứ hai? Thế là trái với cuộc vận động trước đây của nhà nước”, ông Chất đặt giả thiết. 

Dưới góc độ một nhà nghiên cứu tâm lý, ông Nguyễn An Chất cho rằng, quyết định như thế ảnh hưởng tâm lý, gây xáo trộn tâm lý rất nhiều người. “Nếu có quy định đó thật thì không hiểu người ký quyết định đó có trình độ như thế nào, cái tâm và cái tầm ra sao. Tôi thấy nó như vở hài kịch mà người đọc thấy thì được cười vui. Đó là quyết định sơ sài, nếu không muốn nói là ngớ ngẩn”, ông Chất nói.

Buộc khám sức khỏe trước khi cưới có thể… tiếp tay tiêu cực

Về việc buộc khám sức khỏe trước khi kết hôn, Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng: “Không nên nói là "bắt buộc" mà chỉ nói là nên khám sức khỏe trước khi kết hôn để xem họ có thể làm cha/mẹ, chồng/vợ tốt đẹp, hạnh phúc không. Nên mở phong trào vận động chứ không nên ép hay quy định”.

Có khá nhiều người đồng tình với việc khám sức khỏe trước khi cưới, nhưng ở mức độ… tự nguyện chứ không phải bắt buộc. Bởi có những trường hợp không khám trước, đến khi kết hôn hai vợ chồng mới phát hiện ra việc không thể sinh con, hoặc hai vợ chồng có gen kết hợp lại không may sinh con dị dạng rồi gia đình xảy ra những bất hòa, cãi vã.

Tuy vậy, việc bắt buộc việc khám sức khỏe trước khi kết hôn cũng không nên máy móc. Bởi lẽ, các bệnh viện ở thành phố lớn thường quá tải, việc khám bệnh thường qua nhiều thủ tục và tốn kém tiền bạc, không phải ai cũng có điều kiện thực hiện.

“Tôi nghĩ là với thực trạng y tế nước mình hiện nay, quy định đó có thể sẽ dẫn đến tình trạng khám sức khỏe kiểu đối phó, giống như việc khám sức khỏe để đi xin việc hiện nay. Chỉ cần tới phòng khám bệnh viện, đọc số đo chiều cao, cân nặng… để bác sĩ tích vào, đóng khoảng 70.000 đồng, thế là có tờ khám sức khỏe để đăng ký kết hôn. Mấy bệnh viện có “thêm” việc, thêm tiền, trong khi người dân thì tốn kém, thật là thiếu khoa học”, chị Hoài Thu (Hà Nội) nói.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Phạm Thủy

Bình luận(0)