Vụ bạch tuộc: Bồi thường gấp 2, 3 lần giá trị mới đúng!

Google News

(Kiến Thức) - "Nguyên tắc là không được ngăn cản việc đưa hàng hóa đi tiêu thụ, trừ khi đó là hàng lậu. Theo đúng luật, phải bồi thường gấp 2 đến 3 lần giá trị hàng hóa", chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định.

Vụ việc cảnh sát môi trường Hải Dương bắt giữ 2 tấn bạch tuộc của người dân huyện Cần Giờ (TP.HCM), sau đó phải bồi thường 650 triệu đồng khiến dư luận vẫn xôn xao.

Cụ thể, khoảng 22h ngày 27/5, Nguyễn Quang Hưng lái xe tải chở bạch tuộc từ sân bay Nội Bài về Móng Cái (Quảng Ninh). Đến thị xã Chí Linh (Hải Dương), số hàng trên bị cảnh sát môi trường tỉnh bắt giữ với lý do xuất xứ không rõ ràng, không có giấy kiểm dịch. Tài xế Hưng cho biết đã đề nghị giải phóng hàng để bảo quản song không được chấp nhận. Lô hàng bạch tuộc sau một thời gian đã bị hỏng và trong quá trình phân hủy do không được bảo quản.

Ngay khi biết tin số lô hàng bị bắt giữ, hơn 40 chủ hàng là các nông dân tại Cần Giờ yêu cầu cảnh sát môi trường tỉnh Hải Dương bồi thường thiệt hại gần một tỷ đồng vì cho rằng hàng bị giữ trái quy định. Những người này cho biết bạch thuộc được họ khai thác tự nhiên tại TP.HCM, không nằm trong danh mục hàng hóa phải kiểm dịch.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã yêu cầu Công an tỉnh Hải Dương báo cáo toàn bộ sự việc cũng như quá trình giải quyết vụ bắt giữ xe chở bạch tuộc gây bức xúc cho các chủ hàng.

 Xe chở bạch tuộc bị bắt giữ tại Hải Dương.

Ngày 11/6, Công an tỉnh Hải Dương đã có cuộc làm việc với các chủ hàng huyện Cần Giờ về mức tiền bồi thường. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Công an tỉnh này đã nhận có sơ suất khi tạm giữ ô tô tải chở bạch tuộc khiến lô hàng bị hư hỏng. Sau khi thương thảo, thống nhất với các chủ hàng và người dân huyện Cần Giờ, đại diện Công an tỉnh đã trao tiền bồi thường 650 triệu cho các hộ dân bị thiệt hại.

Đại tá Phạm Văn Loan, Phó giám đốc Công an tỉnh Hải Dương cho biết, Công an tỉnh đã tạm ứng số tiền trên để đền bù, sau đó sẽ xem xét trách nhiệm cá nhân, tập thể có sai phạm trong bắt giữ xe tải chở bạch tuộc. "Số tiền trên Công an tỉnh Hải Dương không lấy từ ngân sách để đền bù mà cán bộ công an làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm cả về mặt tài chính. Người làm sai phải bỏ tiền túi hoàn trả tiền bồi thường", đại tá Loan khẳng định.

Việc kịp thời giải quyết sự việc, cũng như thẳng thắn nhận khuyết điểm, sai sót của Công an tỉnh Hải Dương đã được dư luận đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc công an tự ý bắt giữ xe, trong quá trình giữ xe có hàng hóa cần bảo quản thì lại không biết cách bảo quản cho hợp lý. Hơn nữa, nguồn kinh phí 650 triệu để đền bù vẫn còn chưa rõ ràng, minh bạch khiến nhiều người cho rằng, biết đâu số tiền đó lại từ tiền ngân sách, có khi từ tiền thuế của dân. Cán bộ làm sai thì đương nhiên sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường, số tiền này cá nhân nào làm sai cá nhân đó phải chịu...

Trao đổi với PV Kiến Thức, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, việc Cảnh sát môi trường Hải Dương bắt giữ hai tấn bạch tuộc là hoàn toàn sai luật.

"Nguyên tắc là anh không được ngăn sông cấm chợ, không được ngăn cản việc đưa hàng hóa đi tiêu thụ, trừ khi đó là hàng lậu. Khi quyết định bắt giữ phải bắt chính xác. Khi tạm thời giữ hàng hóa, phải có trách nhiệm bảo quản sao cho hợp lý. Giữ mà để hàng hóa bị hư hỏng thì đó là trách nhiệm của cơ quan công quyền. Theo đúng luật thì phải bồi thường gấp 2 đến 3 lần giá trị hàng hóa", ông nói.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, hiện nay có thực trạng hàng hóa trong quá trình đi tiêu thụ không chỉ ách tắc về mặt hạ tầng, mà còn chịu ách tắc bởi các cơ quan công quyền.

 Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.

"Hiện nay có hiện tượng, cảnh sát dừng xe, tạm giữ theo kiểu bắt bóng. Nếu lái xe chở bạch tuộc hôm đó lót tay cho cơ quan công quyền tiền thì hàng hóa này không bị bắt giữ? Nếu như vậy là lợi dụng luật pháp để "trấn", moi tiền người dân, doanh nghiệp", ông Phú không dấu được sự bức xúc.

Vị chuyên gia kinh tế này cũng đề nghị Công an tỉnh Hải Dương công khai rõ nguồn kinh phí bồi thường trị giá 650 triệu là của ai? Có phải tiền từ ngân sách và tiền thuế của người dân đóng góp hay không? "Qua cách nói của lãnh đạo Công an tỉnh Hải Dương về nguồn kinh phí, tôi thấy vẫn lùng bùng, không minh bạch. Số tiền này nếu làm đúng phải lấy từ tiền phạt một số cá nhân làm sai. Làm sai thì phải chịu phạt", ông Phú nhận định.

TIN LIÊN QUAN
 

ĐANG  ĐỌC NHIỀU
Hải Ninh

Bình luận(0)