Tướng Lê Văn Cương: Đừng bắt người ta nhảy qua cửa sổ

Google News

(Kiến Thức) - "Không thể kỳ vọng Công điện của Bộ trưởng Công an cấm cán bộ, chiến sĩ can thiệp vào việc xử lý vi phạm hành chính của thân nhân, bạn bè sẽ chấm dứt hẳn tình trạng này..."

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an bày tỏ quan điểm như vậy khi trao đổi với Kienthuc.net.vn.

Tâm lý "cậy ta có người quen" rất phổ biến

Tôi xin bắt đầu cuộc trò chuyện từ một tâm lý mà tôi tin không phải là cá biệt. Thú thực, bây giờ khi ra đường, tôi sẽ rất tự tin nếu có người thân làm cảnh sát giao thông.

Tâm lý đó rất phổ biến trong xã hội chứ không riêng gì của bạn (cười).

Hẳn trong số những người mang tâm lý này sẽ không tránh khỏi việc ai đó coi đây là một "tấm bình phong", để họ có thể phạm luật như vượt đèn đỏ chẳng hạn?!

Tôi nghĩ cũng không loại trừ việc đó. Bởi tâm lý này dễ hiểu mà, "cậy" ta có người quen làm trong ngành rồi, có vi phạm thì a lô xin xỏ nên nhiều khi cứ dễ dãi với bản thân mà phạm luật.

Như thế thì phải chăng, công điện của Bộ trưởng Bộ Công an cấm cán bộ, chiến sĩ can thiệp vào việc xử lý vi phạm hành chính của thân nhân, bạn bè mới đây sẽ khiến cho "tấm bình phong" ấy giảm đi tác dụng?

Công điện của Bộ trưởng xuất phát từ thực tế trong thời gian vừa rồi, chỗ này chỗ kia có một số cán bộ chiến sĩ công an lợi dụng quen biết mà can thiệp vào việc xử lý vi phạm hành chính đối với người thân, bạn bè. Tất nhiên, đó chỉ là một bộ phận thiểu số. Nhưng "con sâu làm rầu nồi canh", vì thế, công điện chấn chỉnh của Bộ trưởng là rất cần thiết. Nó sẽ làm cho xã hội tốt đẹp hơn, ý thức thượng tôn pháp luật cũng cao hơn.

Ông có vẻ rất kỳ vọng vào chỉ đạo của Bộ trưởng?

Đúng vậy. Nên nhớ, với lực lượng vũ trang thì "quân lệnh như sơn", đã là mệnh lệnh của thủ trưởng thì phải tuyệt đối thực hiện. 

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an.

Nó nhan nhản ra chứ đâu...!

Tôi - với tư cách là một người dân thì lại nghi ngờ về tính khả thi của nó, bởi hai lẽ. Thứ nhất, đây là tâm lý phổ biến trong xã hội như ông đã thừa nhận. Thứ hai, giả dụ tôi phạm luật giao thông nhưng tôi có người quen là Chủ tịch quận chẳng hạn, tôi sẽ chẳng dại gì mà không a lô cho ông ấy để nhờ vả.

Đúng rồi. Sẽ không loại trừ việc đó xảy ra. Ngay với ngành công an, tất nhiên, không thể kỳ vọng sẽ 100% thực hiện được đâu nhưng chắc chắn sẽ làm được. Nhưng nếu chỉ riêng ngành công an thôi thì chưa đủ đâu.

Nghĩa là, các ngành khác cũng phải cấm như thế?

Chứ còn gì nữa. Chuyện xin xỏ, can thiệp thì ngành nào chả thế. Nó phổ biến đến mức đi vào mọi ngóc ngách của đời sống rồi. Với ngành y tế thì trước khi đến khám bệnh, tôi a lô cho ông nọ bà kia để nhờ vả được ưu tiên khám trước; với ngành xây dựng cơ bản thì tôi xây nhà trái phép đấy, nhưng vì có người nhà làm trên Bộ nên "thôi, anh bỏ qua cho"; với giáo dục thì vì quen biết nên con tôi được học trường điểm, trường tốt... Đấy, nó nhan nhản ra chứ đâu có riêng gì việc của ngành nào! Nhưng nếu ngành công an làm tốt thì nó sẽ tác động nhất định đến các ngành khác.

Tôi nhớ đây không phải là lần đầu tiên một "tư lệnh ngành" ra quyết định cấm như thế. Với ngành y tế chẳng hạn, Bộ trưởng đã cấm bác sĩ nhận phong bì nhưng rồi đâu vẫn hoàn đấy. Theo ông thì vì sao?

Cái đó cũng có nhiều lý do. Nhưng khi đã làm thì phải đồng bộ, phải cùng quyết tâm, phải có hệ thống giám sát thì mới mong thành công được.

Tình cảm không có tội, cho đến khi...

Báo chí từng đưa tin có những người khi vi phạm giao thông thì nói là người nhà của ông nọ ông kia, toàn là cán bộ lãnh đạo trong ngành công an. Ông lý giải điều này thế nào?

Việc người ta nói là người quen của ông nọ ông kia (nhưng nhiều khi thực tế không phải vậy) là quyền của người ta, pháp luật không quy định. Có điều, nó phản ánh một tình trạng rằng, hiện nay ở ta, quan hệ gia đình (quan hệ tư quyền) xen lẫn quan hệ công quyền quá lớn. Thế nên, tư tưởng từ thời phong kiến "một người làm quan, cả họ được nhờ" vẫn còn tồn tại trong xã hội. 

Một xã hội mà quan hệ tư quyền xen lẫn quan hệ công quyền quá lớn như thế thì hệ quả của nó là gì, thưa ông?

Là bộ máy công quyền hiệu lực thấp, sức mạnh kém. Là sự bệ rạc, tha hóa của bộ máy. Hệ thống luật pháp không được thực hiện nghiêm chỉnh, trong tất cả các lĩnh vực và từ trên xuống dưới. 

Có ý kiến cho rằng, sở dĩ quan hệ tư quyền xen lẫn công quyền như thế là vì mầm mống của cơ chế xin - cho tồn tại từ thời bao cấp?

Bao cấp không để lại dấu ấn nặng nề bằng một đường rãnh sâu trong tư duy của người Việt từ hàng bao đời nay, ấy là "tình cao hơn lý". Xã hội ta chưa đạt đến thời kỳ phát triển để đặt pháp luật là tối thượng. 

Nhưng tình cảm thì đâu có tội?

Tình cảm chẳng bao giờ có tội, cho đến khi vì nó mà những quy định của pháp luật bị lu mờ. Bây giờ ra đường, anh vượt đèn đỏ, quệt xe khiến người ta bị trầy xước nhẹ, có thể vì tình cảm mà người ta độ lượng, bỏ qua cho anh. Khi đó, tình cảm không có tội. Nhưng khi mà con ông Giám đốc Sở gây tai nạn chết người chẳng hạn, ông vận dụng mọi mối thân quen với những người có thẩm quyền để con mình không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì rõ ràng, đó lại là tội ác. Đấy, chết là ở chỗ ấy!

Hãy bắt thói quen xuống từng bậc thang

Trong suốt quá trình công tác, có bao giờ ông được người ta nhờ vả, xin xỏ?

Tôi có 40 năm công tác trong ngành, trải qua nhiều cương vị và nhiều đơn vị. Cũng nhiều người nhờ vả mình chứ.

Khi đó, ông sẽ hành xử thế nào?

Thú thực, mục đích nhờ vả cũng đa dạng lắm, chính đáng có, không hợp lý cũng có. Thế nhưng, tôi có thể ngẩng cao đầu mà nói rằng, tôi chưa bao giờ làm sai cái gì cả. Có người nhờ vả chính đáng, tôi giúp. Ví như có anh bốn năm liền không vi phạm gì, làm tốt nhưng lại không được tăng lương, thế thì tôi phải can thiệp giúp họ chứ. Nhưng cũng có những người nhờ vả chạy chọt, xin xỏ này nọ, tôi từ chối thẳng.

Quay lại với công điện của Bộ trưởng Bộ Công an. Liệu nó có bị cho là "muối bỏ bể", thưa ông?

Tôi tin công điện của Bộ trưởng sẽ có tác dụng nhất định. Đương nhiên, bắt thói quen là sự nhờ vả, xin xỏ, để quan hệ công quyền xen lẫn tư quyền phải chấm dứt ngay sau công điện này thì chẳng khác nào bắt người ta nhảy qua cửa sổ thay vì xuống từng bậc. Muốn xóa bỏ nó phải làm dần dần, mất thời gian, phải đồng bộ các ngành, tức là hãy bắt thói quen xuống từng bậc thang một chứ không thể “đốt cháy giai đoạn”. Đương nhiên, để đạt được kết quả rất cần đến sự tham gia, giám sát của người dân.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Ngày 7/5, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an đã có công điện gửi các cấp, các đơn vị; trong đó cấm cán bộ, chiến sĩ công an can thiệp vào hoạt động của các cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm hành chính, vi phạm pháp luật của thân nhân, bạn bè dưới mọi hình thức. Công điện này được đưa ra trong bối cảnh ở một số địa phương đã xuất hiện hiện tượng mạo danh thân nhân lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo công an các đơn vị, địa phương để phô trương thanh thế, can thiệp vào hoạt động xử lý vi phạm hành chính, điều tra, xử lý tội phạm... nhất là việc "xin xỏ" xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông.




Vũ Thủy (Thực hiện)

Bình luận(0)