Không phải đợi có dấu hiệu vi phạm mới đi kiểm tra

Google News

(Kiến Thức) - Phó trưởng khoa Nhà nước và pháp luật, Học viện Hành chính TS Lương Thanh Cường cho rằng Hà Nội lập Đoàn kiểm tra công vụ là muộn và không phải đợi có dấu hiệu vi phạm mới đi kiểm tra.

Đáng ra cần sớm hơn

UBND TP Hà Nội vừa có quyết định thành lập Đoàn kiểm tra công vụ. Ông nghĩ sao về điều này?

Tôi thấy nên mừng và ủng hộ việc làm này của thành phố. Bởi trong quản lý hành chính thì thanh tra, kiểm tra là hoạt động không thể thiếu. Hoạt động quản lý theo một chuỗi các quy trình, ví dụ, làm quản lý thì phải lên kế hoạch như thế nào, tổ chức thực hiện ra sao, sau đó là sự kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Bây giờ thành phố mới ra quyết định này thì hơi muộn. Đáng ra cần phải sớm hơn.

Tại sao ông lại cho rằng cần phải sớm hơn?

Vì việc kiểm tra này không đơn thuần là phát hiện sai sót để xử lý mà còn có tác dụng tìm kiếm những nhân tố tích cực để nhân rộng. Từ đó sẽ đánh giá được hiện trạng của hoạt động công vụ hiện nay, kịp thời có những điều chỉnh cho tốt hơn. Rõ ràng, làm càng sớm càng tốt.

Phải chăng, việc thành lập Đoàn kiểm tra này là Hà Nội đã thừa nhận có những chệch choạc, lơ là trong hoạt động công vụ?

Tôi nghĩ không nên suy diễn như thế. Bởi ngay trong điều kiện hoạt động tốt nhất, dù người ta không lơ là thì cấp lãnh đạo vẫn có quyền đi kiểm tra chứ không phải đợi đến khi có dấu hiệu vi phạm. 

TS Lương Thanh Cường, Phó trưởng khoa Nhà nước và pháp luật,
Học viện Hành chính nói về việc TP Hà Nội lập Đoàn kiểm tra công vụ. 

Không thể đối phó mãi được 

Theo ông thì liệu việc kiểm tra này có khiến cho cán bộ công chức chăm chỉ, cần mẫn hơn, thái độ trách nhiệm với công việc cao hơn?

Tôi nghĩ là chúng ta có quyền hy vọng vào điều đó.

Nói thế thì hóa ra, trước đây người ta lơ là, thậm chí bị kêu rằng “ăn cắp thời gian công vụ” là vì không có người đi kiểm tra?

Đó là sự võ đoán đấy! Thế nhưng, đúng là vẫn có công chức chưa hết mình vì công việc. Việc kiểm tra này cũng sẽ có tác động tích cực tới họ.

Trong quyết định cũng chỉ rõ, đoàn kiểm tra sẽ “đột xuất, không báo trước”. Liệu có dẫn đến tình trạng khi đoàn kiểm tra đi rồi thì “đâu lại vào đấy”, thưa ông?

Tôi nghĩ tâm lý lo ngại đó cũng dễ hiểu vì một bộ phận xã hội có tâm lý đối phó, chẳng riêng một công chức nào. Do vậy, nếu chỉ trông chờ việc kiểm tra này là giải pháp duy nhất để nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ thì rất khó mà phải bàn đến các yếu tố đồng bộ khác. 

Nghĩa là, việc kiểm tra này không thể đánh giá được thái độ, năng lực làm việc của công chức?

Đúng thế, vì để đánh giá điều đó phải là cả một quá trình trước và sau khi kiểm tra chứ không thể chỉ trong một khoảnh khắc nhất thời. Nó cần rất nhiều tiêu chí khác. Kiểm tra đột xuất chỉ có thể cho biết trạng thái làm việc của công chức ở thời điểm kiểm tra mà thôi.

Và dẫu có thể có tâm lý đối phó thì việc kiểm tra này cũng vẫn mang lại tác dụng tích cực?

Đương nhiên. Bởi nếu thực sự có đối phó thì người công chức cũng phải nhận thấy rằng, không thể đối phó mãi được. Nên cũng đừng nên bi quan quá mà nghi ngờ cách làm này của TP Hà Nội.

Có vẻ ông đang rất kỳ vọng ở việc kiểm tra này?

Tôi là người lạc quan mà (cười).

Nhưng sự lạc quan thì cũng phải dựa trên những cơ sở thực tiễn chứ?

Đương nhiên. Tôi có cơ sở chứ! Tôi tin, để đưa ra quyết định này, Hà Nội phải cân nhắc rất kỹ với sự tham mưu của nhiều ban ngành, với những khảo sát, nghiên cứu nhất định. Điều này thể hiện quyết tâm của thành phố cả về chính trị lẫn pháp lý để có nền công vụ phục vụ dân tốt hơn. Thứ hai, quyết định này sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân và đó chính là một động lực quan trọng. Thứ ba là bản thân các cơ quan nhà nước sẽ tự ý thức rằng mình có thể bị kiểm tra bất cứ lúc nào, như vậy họ sẽ phải tự chấn chỉnh để làm việc sao cho tốt hơn. Thêm vào đó, xu hướng tất yếu là nếu không đổi mới, không làm quản lý hành chính tốt hơn thì khó đạt được những mục tiêu mà thành phố đã đặt ra.

Cần có tiêu chí cụ thể đánh giá công vụ

“Có một dạo, chúng ta từng đặt ra vấn đề: Phải chăng công chức không biết... cười? Tôi cho rằng, việc công chức xởi lởi, niềm nở đương nhiên có ấn tượng tốt với người dân. Thế nhưng, sâu xa thì nên xét ở hiệu quả công việc họ làm được. Công chức có thể không cười vì bất cứ lý do nào đó nhưng nếu họ vẫn giải thích cặn kẽ cho người dân, giải quyết công việc nhanh chóng, đúng pháp luật thì cũng là hoàn thành tốt công việc chứ! Giao tiếp chỉ là một tiêu chí để đánh giá công vụ mà thôi!”.
TS Lương Thanh Cường 
Thực sự tôi rất quan tâm đến việc kiểm tra xong thì sẽ như thế nào? 

Chắc chắn thành phố sẽ có những tổng kết, đánh giá, báo cáo! Đương nhiên, không thể trông chờ rằng việc kiểm tra này sẽ loại ngay những công chức có thái độ, tinh thần làm việc không tích cực, không tuân thủ các quy định được. Việc kỷ luật công chức phải căn cứ theo những quy định của luật pháp cũng như tính chất, mức độ của hành vi vi phạm kỷ luật của họ.

Và liệu rồi có lại theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”?

Chuyện niềm tin hay nghi ngờ là chuyện cá nhân. Nhưng trong trường hợp này, tin hay nghi ngờ cũng cần có thời gian. Tốt nhất hãy để thời gian trả lời, bởi Hà Nội cũng mới bắt đầu triển khai mà. Do đó, chưa thể đánh giá ngay được.

Nếu không thể chỉ trông chờ vào việc kiểm tra này sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ thì theo ông, chúng ta cần phải làm gì?

Phải có nhiều giải pháp. Đầu tiên là phải xây dựng được hệ thống tiêu chí cụ thể để đánh giá xem công chức có hoàn thành nhiệm vụ hay không. Trên cơ sở đó phải phân loại tiếp là tại sao họ không hoàn thành, có khắc phục được không. Nhưng quan trọng nhất vẫn là phải xây dựng được tiêu chí đánh giá cán bộ công chức.

Theo ông, có nên nhân rộng mô hình kiểm tra công vụ như Hà Nội đang triển khai?

Tôi cho rằng, mỗi địa phương có những điều kiện cụ thể riêng nên họ sẽ tự quyết định có nhân rộng hay không nhân rộng.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Theo Quyết định số 2136/QĐ-UBND của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội thì Đoàn kiểm tra công vụ gồm 19 thành viên, do ông Trần Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ làm trưởng đoàn. Việc kiểm tra sẽ được thực hiện đến hết ngày 31/12/2013. Nội dung kiểm tra gồm việc thực hiện các quy chế làm việc, quy trình công tác và sự chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên; việc tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính; thực hiện quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, đơn vị hiệp quản thuộc thành phố Hà Nội theo phương thức kiểm tra thường xuyên, đột xuất, không báo trước.

Vũ Thủy (Thực hiện)

Bình luận(0)