Giải mã tâm lý những kẻ vũ phu “luộc vợ”, “ném con“

Google News

(Kiến Thức) - Ném chết con vì vợ cấm vận, hắt dầu ăn đun sôi vào vùng kín của vợ chỉ vì lý do vớ vẩn... đó là biểu hiện  sự ích kỷ của một số người đàn ông. 

Lý do vớ vẩn, tội ác rùng rợn
 
Chỉ vì vợ ngủ say nên không nghe thấy mình gọi cửa, Hải cạy cửa vào nhà, nấu một xoong nước sôi, một chảo dầu ăn rồi vén màn hắt thẳng vào vùng dưới của vợ. Người chồng vũ phu này là Lê Vũ Hải (33 tuổi, làm nghề mộc), chị vợ là Lưu Thị Hạnh N (trú xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa, Phú Yên). Vụ án vừa xảy ra lúc khoảng 23h ngày 25/12.

Chị N. nằm điều trị ở bệnh viện sau khi bị chồng tra tấn

Chị N được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên lúc 23 giờ 40, trong tình trạng bị bỏng độ I, II trên diện tích 18% cơ thể (vùng bụng, vùng kín, hai đùi). 

Một vụ việc diễn ra trước đó, ngày 11/9, bị vợ "cấm vận" vì mới sinh con, Lương Văn Trọng bực tức dùng gậy đánh vợ trọng thương, ném chết con gái 2 tuần tuổi. Vụ án gây chấn động dư luận bởi tội ác kinh hoàng của người cha, người chồng. 

Theo cơ quan điều tra, khi xảy ra vụ án, vợ của Trọng là chị N.T.H (21 tuổi, quê An Giang) mới sinh con gái được khoảng 2 tuần tuổi nhưng Trọng vẫn thường xuyên đi nhậu rồi về nhà đòi quan hệ. Do sức khỏe còn yếu nên chị H. cự tuyệt vòi vĩnh của Trọng.

Người cha "máu lạnh" ném chết con gái mới 2 tuần tuổi vì vợ không "chiều"

Rạng sáng ngày 11/9, khi đòi quan hệ, Trọng vẫn bị vợ từ chối nên xảy ra cãi vã. Khi được cha mẹ vợ can ngăn, Trọng đã dùng nước sôi tạt luôn vào người cha mẹ vợ và tiếp tục đòi chị H. phải đáp ứng nhu cầu. Lúc này, chị H. chỉ biết ôm con ngồi khóc. Nước mắt của chị H. không khiến Trọng động lòng mà còn dùng gậy tre đánh vào đầu vợ gây thương tích. Sau đó, Trọng giật lấy con gái 2 tuần tuổi từ tay chị H. ném mạnh vào tường khiến cháu bé chết tại chỗ.

Đầu tháng 5, dư luận cũng xôn xao về vụ việc “Chồng tra tấn, cắt tóc và đòi vợ quan hệ vì ghen”. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị H., (sinh năm 1987, quê ở Đội 7, xã Giao Hương, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định). Người đàn ông vũ phu là Phạm Văn Đ., sinh năm 1983, chồng của chị H.

Chị H. bị chồng cắt tóc ngắn trụi vì ghen tuông mù quáng

Theo lời kể của chị H., chị kết hôn với anh Đ. từ đầu năm nhưng anh luôn có biểu hiện ghen tuông. Sự việc đỉnh điểm vào ngày 30/4, đúng lúc chị vừa bước chân xuống bến xe Giao Hương khi từ Hà Nội về cũng là lúc hứng những trận mưa đòn ập từ chồng và em trai chồng. Sau đó bị “áp tải” về nhà và tiếp hứng chịu nhiều đòn roi đau thấu xương, chảy cả máu mồm, máu mũi. 

Không chỉ thế, chị H. còn bị anh Đ. cắt tóc và đòi quan hệ sau khi đã “đánh đã tay”. 

Trong năm 2011 cũng xảy ra nhiều vụ việc tương tự: tra tấn vợ như 'thời trung cổ' ở Thanh Xuân (Hà Nội); chồng tra tấn vợ bằng gậy, bắt xem video truy lạc với bồ…

“Tính vũ phu ăn vào máu khó thay đổi”

Theo thạc sĩ tâm lý Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên ĐH Sư phạm TP HCM, những người đàn ông có hành động vũ phu với vợ chỉ vì những bất đồng nhỏ trong sinh hoạt vợ chồng là những qúa ích kỷ, không biết kìm chế bản thân. 

Phân tích diễn biến tâm lý lúc người đàn ông có hành vi bạo hành người thân trong một số trường hợp cụ thể nêu trên, anh Hiếu cho rằng, trong hoàn cảnh đó, chính họ mới là người có lỗi nhưng quá đề cao bản thân nên họ không ý thức về lỗi của mình mà đổ hết sang cho người khác. Nguồn gốc những vụ việc đó là sự ích kỷ, tự tôn bản thân, thổi phồng suy nghĩ trở thành cơn giận dữ bùng phát dẫn đến không kiểm soát được hành động.

“Trong câu chuyện người chồng đi uống rượu về nhà muộn, gọi vợ mở cửa nhưng do ngủ say biết đã đổ dầu nóng vào người vợ hay chuyện ném chết con vì vợ “cấm vận” đều là thể hiện sự ích kỷ, thổi phồng cái sai của người khác mà không ý thức được lỗi của bản thân. Những người này không gương mẫu nhưng lại đề cao cái tôi của bản thân, chỉ muốn người khác phục tùng mình mà không biết đặt mình vào vị trí của người khác”, anh Hiếu phân tích.

Cũng theo anh Hiếu, “vũ phu là nét tính cách của người ta. Những hành động xảy ra lần đó do không biết kìm, do ích kỷ nó có thể lặp lại nhiều lần chứ không phải chỉ một lần đó. Họ không thể đổ lỗi cho mất kìm chế trong giây phút hay do ma men đưa lối. Đó là một hành vi mang tính ổn định bên trong chứ không phải do hành động bên ngoài. Những hành động bên ngoài nó chỉ bộc phát ra từ tính cách cố hữu, ăn trong máu của con người đó. 

Cũng vì thế, anh Hiếu cho rằng, dù bị pháp luật trừng trị nhưng bản thân họ không có nhìn nhận đúng đắn, không thực sự tự kiểm điểm thì sớm muộn “ngựa sẽ quen đường cũ”. 

“Khi sự trừng phạt của pháp luật, của lương tâm không đủ nặng để lôi kéo họ quay lại với “tính bản thiện” thì những hành động vô nhân tính vẫn tái diễn. Những người thay đổi được ý thức bên trong thì sẽ kìm chế được hành vi của mình sau này”, anh Hiếu nói. 



Thuần Lương

Bình luận(0)