Tổn thất nặng nề, Ukraine xem xét lại chiến lược

Google News

Kể từ đầu chiến dịch phản công Nga, Ukraine mất tới 20% số vũ khí và xe thiết giáp của mình. Tỷ lệ tổn thất này tạm giảm xuống khi đà phản công chậm lại và các chỉ huy của Ukraine thay đổi chiến lược.

Thực tế nghiệt ngã với quân Ukraine

Mặc dù hứng chịu những thương vong to lớn trong cuộc phản công, quân Ukraine mới tiến được 8km trên quãng đường 96km họ cần vượt qua để tới được vùng biển Azov ở phía Nam và cắt đôi lực lượng Nga.

Một người lính Ukraine cho hay, UAV đơn vị anh ta đã ghi được cảnh khoảng 6 chiếc xe thiết giáp do phương Tây sản xuất bị kẹt trong loạt đạn pháo của đối phương ở phía Nam thị trấn Velyka Novosilka và "bốc cháy hết".

Ton that nang ne, Ukraine xem xet lai chien luoc

Các tân binh thuộc lữ đoàn 3 của Ukraine huấn luyện ở Đông Donetsk. Ảnh: New York Times.

Nga có nhiều tháng chuẩn bị đối phó cuộc phản công của Ukraine. Tiền tuyến rải đầy mìn, bẫy xe tăng và lực lượng binh sĩ Nga chốt phòng ngự. Trên trời, UAV trinh sát và trực thăng tấn công của Nga tăng cường tần suất hoạt động.

Trước hệ thống phòng ngự vững chắc như thế của Nga, nhiều chuyên gia cho rằng không có gì ngạc nhiên khi Ukraine hứng chịu thương vong lớn trong giai đoạn đầu chiến dịch phản công.

Mới đây Tổng thống Ukraine Zelensky thừa nhận rằng vài tuần trước, quân đội nước này đã phải tạm ngừng đà tấn công.

Giới chức Mỹ cũng thừa nhận có sự tạm ngừng đó và cho biết, Ukraine đã tiến công trở lại nhưng với sự chủ động hơn và sự khéo léo hơn trong cách lách qua bãi mìn của Nga, đề phòng nguy cơ thương vong. Ukraine đang có thêm hy vọng với các quả đạn chùm mới tiếp nhận từ Mỹ.

"Chảo lửa" miền Nam

Điểm nóng hàng đầu hiện nay là khu vực các cánh đồng bát ngát ở miền Nam Ukraine. Các binh sĩ Ukraine tham chiến tại đây cho biết, các xe chiến đấu bộ binh Bradley lao qua các quả mìn chống tăng gần như hàng ngày.

Các xe quân sự này nặng khoảng 34 tấn, được thiết kế để chở lính bộ binh đi qua các khu vực hứng chịu nhiều hỏa lực súng máy và trọng pháo. Một cánh cửa ở đuôi xe sẽ bung mở để bộ binh nhảy ra và chiến đấu với đối phương. Theo kế hoạch phản công, các xe Bradley này sẽ đưa lính Ukraine tới sát chiến hào và boong-ke của Nga.

Xe Bradley đã hoàn thành một phần nhiệm vụ của mình. Lớp giáp dày của nó bảo vệ cho hầu hết binh sĩ Ukraine ngồi trong xe ngay cả khi xe trúng mìn.

Binh nhất Serhiy của Ukraine kể lại lúc xe trúng mìn ở phía Nam thị trấn Orikhiv, tỉnh Zaporizhzhia: "Tai của bạn rung lên, mọi thứ trong xe bay tứ tung". 

Nhiều vụ nổ mìn đã làm hư hại nghiêm trọng xe bọc thép chở quân ngay trước khi xe kịp đến phòng tuyến Nga.

Đã từ lâu, các chuyên gia quân sự cho biết 24km đầu tiên trong cuộc phản công sẽ là khó khăn nhất, vì lực lượng tấn công nói chung cần sức mạnh gấp 3 lần lực lượng phòng thủ, cả về vũ khí và nhân lực.

Trong khi đó, Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Zaluzhny bày tỏ sự thất vọng về việc Ukraine đang thiếu chiến đấu cơ F-16, điều khiến các binh sĩ Ukraine trở nên yếu thế trước trực thăng và pháo binh của Nga.

Camille Grand - chuyên gia quốc phòng tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu, cho biết việc Ukraine thiếu năng lực phòng không và không giành được ưu thế trên không đồng nghĩa với "tỷ lệ thương vong có khả năng cao hơn trong các cuộc xung đột thông thường khác".

Tổn thất thiết giáp

Lữ đoàn cơ giới 47 của Ukraine - một trong 3 đơn vị được phương Tây huấn luyện và trang bị, đã được triển khai từ đầu chiến dịch phản công, theo các kế hoạch quân sự Mỹ bị rò rỉ. Lữ đoàn này theo kế hoạch được tiếp nhận 99 xe chiến đấu bộ binh Bradley.

Dữ liệu từ Oryx (một trang phân tích quân sự chuyên tính toán các tổn thất có thể xác nhận được bằng hình ảnh) cho thấy 28 trong số các xe Bradley đã bị bỏ lại, hư hại hoặc bị phá hủy hoàn toàn, trong đó có 15 chiếc tại một ngôi làng ở tỉnh Zaporizhzhia vào các ngày 8-9/6. Lúc đó Lữ đoàn 47 bị kẹt trên bãi mìn và bị trực thăng quân sự của Nga tấn công. Ngoài ra, còn có 6 chiếc xe Bradley bị bỏ lại hoặc bị phá hủy ở Mala Tokmachka vào ngày 26/6, nhưng các nghiên cứu viên của Oryx cho rằng các tổn thất này xảy ra sớm hơn. 

Theo kế hoạch ban đầu, Lữ đoàn 47 là lữ đoàn duy nhất được tiếp nhận xe Bradley, nghĩa là 1/3 số xe thiết giáp gốc loại này đã bị mất.

Dylan Lee Lehrke - nhà phân tích thuộc hãng tình báo an ninh Anh Janes, cho biết, mức độ hủy diệt vũ khí lớn như thế này nói chung là chỉ dấu cho thấy đây là một cuộc chiến tiêu hao.

Trong số các xe quân sự bị tiêu diệt, có 10 chiếc xe tăng và xe phá mìn Leopard do Đức sản xuất.

Lữ đoàn 47 như vậy mất 30% số xe Leopard được giao cho họ, gần như trong tuần đầu tiên của cuộc phản công, theo dữ liệu của Oryx.

Hạn chế đánh vỗ mặt, tăng cường "câu pháo" tầm xa

Các quan chức Mỹ và châu Âu cho hay, trong 2 tuần đầu tiên của chiến dịch phản công do Ukraine tiến hành, có tới 20% số vũ khí họ tung ra mặt trận đã bị phá hủy hoặc hư hại. Trong số tổn thất này có các xe tăng và xe thiết giáp hàng đầu của phương Tây mà Ukraine trông cậy vào để đánh bại quân Nga.

Tỷ lệ trên giảm xuống còn 10% trong các tuần tiếp theo, vẫn theo các quan chức nói trên. Và nhờ vậy, Ukraine đã bảo toàn thêm quân và vũ khí cho đòn tấn công chính mà phía Ukraine nói là vẫn chưa diễn ra.

Mức độ tổn thất giảm đi là nhờ 2 yếu tố. Thứ nhất, đà phản công của Ukraine chậm lại trước "bức tường thép" phòng ngự của Nga. Thứ hai, quân đội Ukraine đã điều chỉnh chiến thuật, chiến lược. Cụ thể, thay vì xung phong trực diện vào bãi mìn và phơi mặt trước hỏa lực Nga, họ chuyển sang tiêu hao lực lượng Nga bằng pháo binh và tên lửa tầm xa.

Song song với đó, cả Tổng thống Zelensky và các tướng lĩnh cấp cao của Ukraine đều tăng cường yêu cầu phương Tây viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine, bao gồm máy bay chiến đấu hiện đại F-16 và các hệ thống tên lửa tầm xa, như hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) của Mỹ, với tầm bắn lên tới 305km. Giới chức Mỹ và châu Âu ban đầu khẳng định không cung cấp tên lửa này do lo ngại chọc giận Nga nhưng hiện nay thì đang xem xét cung cấp Ukraine một vài hệ thống như vậy.

Trong khi đó, bộ trưởng quốc phòng của Đan Mạch và Hà Lan mới đây tuyên bố sẽ tập hợp 11 nước để giúp Ukraine đào tạo phi công lái chiến đấu cơ F-16 ngay từ tháng 8 tới đây.

Theo Trung Hiếu/VOV.VN

>> xem thêm

Bình luận(0)