Vợ chồng Ngưu Lang - Chức Nữ: “Không xa lấy gì mà sống“

Google News

(Kiến Thức) - Đã 55 tuổi, anh vẫn đi làm phu hồ, vợ chồng vẫn phải chịu cảnh xa cách. "Đợi đến bao giờ sức khỏe không cho phép nữa thì mới về đoàn tụ vợ chồng", chị Thơ thở dài bảo.


Nhà cấy hai sào ruộng, vụ được mùa cũng chỉ được 2 tạ thóc/sào, bán với giá 6.000đ/kg. Tính ra, 6 tháng, bốn nhân khẩu cũng chỉ thu được 2,4 triệu đồng. Thế nên, hơn chục năm nay, vợ chồng anh Phạm Văn Nùng - chị Nguyễn Thị Thơ (xóm Tiền Giang, thôn Cự Lộc, xã Minh Đức, Tứ Kỳ, Hải Dương) cứ phải mỗi người mỗi ngả vì mưu sinh.
Ngoài cây lúa, chẳng biết bám vào đâu
Xóm Tiền Giang biệt lập với thôn, xã bởi con sông Cửu An. Thế nên, người ta đặt cho nó cái tên "ốc đảo". Cả xóm chỉ có hơn 30 hộ. Cuộc sống hoàn toàn dựa vào nông nghiệp. Ngoài ra, không có nghề phụ gì.
Nhà chị Thơ có bốn nhân khẩu, gồm vợ chồng và hai người con (một trai, một gái). Chị cho hay, nhà cấy hai sào ruộng nhưng đều ở bên kia sông, vào vụ cấy, gặt phải vận chuyển bằng thuyền. Năng suất lúa vụ cao nhất cũng chỉ được chừng 2 tạ/sào, bán với giá 6.000đ/kg thóc. Tính ra, trong 6 tháng, vợ chồng con cái chỉ thu được 2,4 triệu đồng từ tiền thóc. "Đấy là chưa kể, có vụ lúa bị bệnh, gần như chẳng thu được hạt thóc nào. Vợ chồng tôi phải đi vay mượn thóc ăn của họ hàng", chị kể.
Để cải thiện cuộc sống, vợ chồng chị Thơ nuôi thêm đàn gà, đàn lợn bán lấy tiền trang trải sinh hoạt, lo chuyện học hành cho con cái. Thế nhưng, "cũng chẳng thấm vào đâu. Vì có những năm gà, lợn bị dịch bệnh chết hết. Lỗ vốn. Thế nên, gọi là chăn nuôi cải thiện cuộc sống nhưng xét cho cùng, ngoài cây lúa ra thì chẳng biết bấu víu vào đâu", chị Thơ bảo.
Cuộc sống gia đình càng thêm khó khăn khi các con học lên cấp hai với nhiều khoản đóng góp hơn. Anh Nùng, chồng chị quyết định theo cánh thợ trong xã lên Hà Nội làm phu hồ. Công việc vất vả hơn nhưng cũng đảm bảo được nguồn thu nhập hàng tháng. Vả lại, "không đi làm ăn xa thì biết lấy gì mà sống?", chị Thơ thở dài.
Chỉ có hai bà cháu ở nhà, chị Thơ sợ nhất những đêm cháu ốm đau. 
Khi nào sức khoẻ không cho phép thì về
Bấm đốt ngón tay, chị Thơ bảo, chồng đi làm tính đến nay đã bước sang năm thứ 15 rồi.
Nghĩa là ngần ấy thời gian, vợ chồng sống trong cảnh xa cách. "Anh theo công trình, lúc ở Hà Nội, khi thì Bắc Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ... Thông thường, nếu không có việc đột xuất ở nhà hay giỗ chạp thì 3 - 4 tháng anh mới về thăm nhà. Bởi nghỉ ngày nào thì mất công ngày đó. Số ngày chồng ở nhà cộng lại cũng chỉ chừng vài tháng trong năm. Bù lại, thu nhập bình quân cũng được 4 triệu đồng/tháng. So với cấy lúa, chăn nuôi thì số tiền đó là quá lớn", chị cho hay.
Chồng đi vắng, chị Thơ phải quán xuyến mọi việc trong nhà, từ cám bã lợn gà đến cấy hái, rồi đối nội đối ngoại. Hai đứa con của anh chị học xong phổ thông ra Hải Phòng làm công nhân. Chị Thơ bảo, thời gian ấy thật sự rất khó khăn với chị, vì chỉ có một mình ở nhà. "Lúc đau ốm phải tự chăm sóc lấy mình. Nhưng vì tương lai phải gắng gượng thôi, vì chồng con đều vất vả".
Ba năm nay, chị Thơ có thêm công việc là trông đứa cháu nội, vì vợ chồng con trai vẫn làm ở Hải Phòng, gửi con cho bà bế để đỡ mất tiền đi nhà trẻ. Chỉ có hai bà cháu ở nhà, với chị Thơ thì sợ nhất những đêm cháu ốm đau, ngộ nhỡ có chuyện gì thì không biết nhờ cậy ai. "Chắc tôi chỉ hết sợ khi chồng về nhà thôi", chị cười.
Bây giờ, anh Nùng đã ngấp nghé tuổi 55. Các con cũng đã có gia đình riêng, hai vợ chồng chỉ lo tích góp để phòng thân khi già yếu. Thế nên, tạm thời anh vẫn đi làm phu hồ, vợ chồng vẫn phải chịu cảnh xa cách. "Đợi đến bao giờ sức khỏe không cho phép nữa thì mới về đoàn tụ vợ chồng", chị Thơ bảo.
Thanh Thủy

Bình luận(0)