Vợ chồng Ngưu Lang - Chức Nữ: Xa mặt dễ cách lòng

Google News

(Kiến Thức) - Hết mực thu vén cho gia đình để chồng yên tâm theo những công trình xây dựng, thế nhưng chị nhận lại được chỉ là những tháng ngày vò võ chờ chồng cùng lá đơn ly dị anh ký sẵn.

Chồng mình không tin còn tin ai
Câu chuyện của chị Lưu Thị Thủy, ở Kim Động, Hưng Yên khiến người nghe không khỏi xót xa, thương cảm.
Phải vất vả lắm, chị Thủy mới lấy lại được bình tĩnh, nén những tiếng nấc nghẹn để bắt đầu câu chuyện. Chị kể, chị lấy chồng từ năm 19 tuổi. Khi ấy, trong mắt gia đình, bạn bè, làng xóm, chị rất may mắn bởi lấy được một người đàn ông mạnh khoẻ, chăm chỉ làm lụng, lại có tiếng là khéo ăn khéo nói.Với hơn hai sào ruộng khoán cùng những lần đi vác gạch thuê khiến cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ cũng tạm ổn. Thế nhưng, từ khi đứa con lớn chào đời, ốm đau liên miên thì số tiền vác gạch thuê ấy cũng không thấm tháp gì. Những ngày nông nhàn, anh Tuấn - chồng chị tạm biệt vợ con để lên Hà Nội làm thợ xây, bởi so với vác gạch ở quê thì tiền công trên Hà Nội cao hơn. Vốn khéo tay, lại chăm chỉ nên anh sớm vững tay nghề, từ thợ phụ chuyển lên làm thợ chính, thu nhập cũng nhiều hơn. 
Làm được hơn 3 năm, nhờ anh em giúp đỡ thêm chút vốn, anh đứng ra nhận thầu các công trình xây dựng dân dụng. Cũng từ đây, kinh tế gia đình trở nên khấm khá. Ngôi nhà hai tầng khang trang mọc lên giữa thôn làng lúp xúp mái ngói đã chứng tỏ phần nào. Cũng từ ngày lên làm chủ thầu, anh Tuấn ít về quê hơn. Mọi việc trong nhà, đối nội đối ngoại đều do chị Thủy đảm nhiệm.
Thế rồi, ở làng, người ta bắt đầu xì xào bàn tán chuyện anh "có bồ". Chị bảo, quanh năm không đi khỏi lũy tre làng, thấy người ta đồn thế khiến ruột gan chị nóng như có lửa đốt, bởi dạo ấy, đó là chuyện hết sức khủng khiếp ở quê chị. Anh về, chị có hỏi thì anh gạt đi, bảo nhà cửa như thế, người ta ganh tị, đặt điều cho anh mà thôi. "Lúc ấy, tôi như bừng tỉnh vì chồng mình mà mình không tin thì còn tin ai. Nghĩ lại thấy anh vẫn quan tâm tới ba mẹ con như trước nay vẫn thế, người gầy rộc đi nên càng thương vì anh đã phải lao động vất vả mà tôi ở nhà lại lắm chuyện, nghi ngờ đâu đâu", chị chua chát kể.
Từ kinh nghiệm của mình, chị Thủy vẫn dạy con gái "dù khó khăn vợ chồng cũng nên ở gần nhau". 
Mẹ chết thì ai nuôi chúng con?
Sau lần đó, anh càng ít về quê hơn. Những lời đồn thổi về anh "rát tai" chị nhưng cũng chẳng khiến chị nao núng, bởi chị tin chồng. 
Cho đến một ngày, chị bảo trời đất như sụp đổ dưới chân mình. Đó là một ngày giáp Tết 2008, anh về nhà và... chìa trước mặt chị lá đơn xin ly dị mà anh đã ký sẵn, vì anh đã trót có con với người ta. Người đàn bà ấy chính là cô buôn đồng nát vẫn thường đến chỗ anh thu mua sắt vụn như người làng đồn thổi. "Lúc ấy, tôi đã ký ngay vào tờ đơn mà không chút do dự, bởi cảm giác bị phụ bạc khiến tôi kinh tởm chính người mà mình đã từng yêu thương và bảo vệ đến cùng", chị không giấu được nỗi xót xa.
Chồng đi rồi, chỉ còn lại đau đớn giằng xé tâm can chị. Cũng chẳng cần suy nghĩ như khi ký vào tờ đơn, chị đã tìm đến thuốc trừ sâu để quyên sinh. "Hôm đó, có chai thuốc diệt chuột vẫn còn trong bếp, tôi lôi ra pha uống bởi nghĩ cuộc đời tôi thế là chấm dứt rồi, vì tôi phải là loại đàn bà như thế nào mới khiến chồng bỏ tôi. Nhưng vừa uống thì con trai lớn đi học về, nó gào lên: Bố đã bỏ mẹ con mình đi rồi, giờ mẹ chết thì ai nuôi chúng con", chị kể. Vậy là, thần chết đã không thể đưa chị đi khi mà chị vẫn còn hai đứa con đang ăn học. Và vì con, chị không còn cách nào khác là phải sống!
Bây giờ, niềm hạnh phúc của chị là được thấy các con sớm ổn định gia đình. "Tôi vẫn bảo con gái, nếu lấy chồng thì dù khó khăn, vợ chồng cũng nên ở gần nhau. Xa mặt thì dễ cách lòng lắm!", chị kể. Bởi kinh nghiệm ấy, hơn ai hết, chị thấu rõ nhất và không muốn con cũng vấp phải.
An Nhiên

Bình luận(0)