Bi hài sếp sợ vợ

Google News

Trên vạn người nhưng vẫn phải dưới một người, đó chính là sếp. Đường đường là lãnh đạo oai phong lẫm liệt, sếp không sợ ai, trừ vợ.

Ai mới là sếp?
Thỉnh thoảng, chị Hường, vợ anh Sơn, giám đốc công ty X., lên cơ quan chồng chơi hay có việc gì đó. Đám nhân viên vẫn hay nói vụng với nhau: “Thủ trưởng của sếp đến rồi”. Chị Hường khá đẹp gái, ăn nói nhẹ nhàng, tươi cười vui vẻ với nhân viên của chồng, thế nhưng “giới thạo tin” trong công ty bảo chị sắc sảo ghê gớm lắm đấy, sếp mình “mắm tôm” thế mà với chị chẳng bao giờ dám to tiếng. Họ bảo, sếp sợ vợ lắm, sợ đến nỗi bao nhiêu gái đẹp xúm xít xung quanh, sẵn sàng dâng hiến nhưng đố dám ho he.
Một anh chàng thì thầm: “Trưởng phòng nhân sự kể với em, hồi trước đáng lẽ lấy cái Thủy làm thư ký cơ, vì Thủy rất nhanh nhẹn, tháo vát, tính tỉ mỉ, chu đáo, lại còn tươi tắn và xinh nữa. Phòng nhân sự đề xuất với sếp, sếp đã ok rồi, nhưng một lúc sau nhớ ra sếp lại bảo không được không được, em chọn cho anh người khác đi. Trưởng phòng nói, em thấy Thủy là thích hợp cho vị trí đó nhất, không ai phù hợp hơn, anh thấy cô ấy có điểm gì không ổn chăng”.
“Sếp ậm ừ rồi bảo em ấy cái gì cũng ổn, mỗi tội hình thức không ổn. Trưởng phòng nhân sự hết hồn, em Thủy mà hình thức không ổn thì trong công ty lấy đâu ra người ổn hơn đây? Không ngờ sếp yêu cầu cao quá mức như vậy. Bỗng sếp bảo, em Thủy làm thư ký thì tốt đấy, mỗi tội xinh quá, thôi chọn em khác. Hôm sau, phòng nhân sự đề xuất em Trang, sếp vừa nghe nhắc đến tên đã duyệt ngay, em Trang nhờ xấu gái mà thành thư ký giám đốc. Sau khi sếp chọn được thư ký, ‘thủ trưởng của sếp’ liền lên công ty xem mặt, cũng rất hài lòng”.
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Có “ông tám” kể, một lần anh lên phòng giám đốc, vô tình nghe tiếng sếp bà nói gì đó rất gay gắt, còn sếp thì cứ “ừ, được rồi”, “anh biết”, “không sao mà em”, “thôi mà em”… nghe vô cùng nhũn nhặn, dịu dàng. Cũng vì sợ vợ, sếp không bao giờ đi công tác với nhân viên nữ, rất ít khi đi nhậu, nếu phải tiếp khách thì cũng tiếp kiểu lịch sự để không phải về khuya.
Anh Hưng tuy mang tiếng với nhân viên là sợ vợ nhưng cũng chưa có tình huống nào bị vợ làm cho mất hết thể diện, như trường hợp của anh Mạnh, sếp của một công ty xuất nhập khẩu. Chuyện này không phải chỉ có vài người rỉ tai nhau, không biết thực hư, mà hàng chục nhân viên cùng nghe thấy: Hôm đó, đến bảo vệ công ty cũng sợ hết hồn khi thấy sếp bà xuất hiện, mặt hầm hầm giận dữ. Mọi người chào, chị không thèm trả lời, cứ thế hùng hổ đi đến phòng sếp.
Ai nấy vừa sợ vừa tò mò. Chuyện gì thế nhỉ? Đánh ghen chăng. Nhiều người thậm chí còn nhìn sang Hoa, cô gái chân hơi dài được cho là khá thân với sếp. Còn những người làm việc gần phòng sếp thì chẳng phải đoán già đoán non. Họ nghe tiếng quát đầy thịnh nộ của sếp bà vọng ra: “Anh bị điên à? Sao anh dám đuổi thằng H.? Nó là người của bố tôi, chính bố cũng đã gọi điện cho anh bảo bỏ qua cho nó, anh hứa rồi cơ mà?”.
Tiếng sếp nói lí nhí gì đó, mọi người nghe không rõ, có lẽ là bảo vợ giảm bớt volume, vì sau đó thấy sếp bà hạ giọng xuống, nhưng những kẻ thính tai và đang dỏng hết tai lên vẫn nghe được: “Anh còn muốn ngồi trên cái ghế này nữa không mà dám cãi lại ông già? Giờ bố giận rồi, mắng cho tôi một trận rát mặt kia kìa. Anh liệu sao thì liệu”. Rồi chị lại quày quả đi, còn sếp, nghe nói đến cuối buổi mới thò ra khỏi phòng để về, mặt vẫn còn tái dại.
Tại sao sợ?
Lý do sếp Mạnh bị vợ mắng như tát nước ở công ty mà không dám cãi, chỉ vì cái “tội” đuổi việc một nhân viên dưới quyền mình trái ý bố vợ, bị mọi người đoán ra chẳng khó khăn gì. Ai cũng biết, anh Mạnh lên được chức giám đốc là nhờ uy, nhờ thế bố vợ, chứ anh không có tài năng cũng như uy phong của một vị lãnh đạo.
Nhưng anh cũng đủ thông minh để hiểu rằng nhạc phụ đưa anh lên được thì cũng đưa anh xuống được, nên khôn hồn thì đừng làm ông phật lòng, mà chẳng có cách nào làm bố vợ phật lòng một cách “hiệu quả” hơn là khiến cho con gái ông, tức vợ anh, cảm thấy kém hạnh phúc. Vì thế, anh luôn phải nhìn nét mặt vợ mà hành động.
Vợ anh, sau những năm đầu của hôn nhân, đã nhận ra chồng đến với mình chẳng phải do tình yêu như anh vẫn nói, mà vì muốn làm rể của bố chị. Thế là chị không còn dịu dàng, tôn trọng, chiều chuộng anh như trước kia nữa, mà đâm ra hằn học, chuyên quyền, tác oai tác quái. Chị đối xử với anh như với thuộc hạ, luôn kiểm soát, theo dõi, ra lệnh, áp đặt… Anh Mạnh không dám trái ý vợ, nên vừa sợ vừa ghét chị; còn chị thì vừa khinh, vừa hận chồng, và càng tìm cách hành hạ cho bõ ghét.
Cũng là sếp và cũng sợ vợ nhưng nguồn cơn nỗi sợ hoàn toàn khác, đó là anh Lương. Vợ anh chẳng quyền thế, cũng chẳng phải con cháu người quyền thế có thế định đoạt đường công danh sự nghiệp của anh. Nhưng anh sợ chị đơn giản vì chị đã nắm được thóp của chồng. Trong mắt mọi người từ xưa đến nay, Lương luôn là người mẫu mực, và anh cũng luôn tỏ ra nghiêm chỉnh, đạo đức sáng ngời, luôn luôn nhắc nhở nhân viên ngoài chữ tài còn phải rèn chữ tâm, chữ đức. Nhưng anh có một bí mật, mà vợ anh là người nắm giữ.
Rồi bí mật đó cũng được “công bố” với đầy đủ bằng chứng khi họ quyết định ly hôn: anh Lương hóa ra lại là người dâm ô bệnh hoạn. Anh hám gái, nhưng không phải gái đẹp, mà thượng vàng hạ cám gì cũng được miễn là xuất hiện đúng lúc anh cần. Và cũng để che giấu, anh thường không tán tỉnh các nhân viên, đối tác xinh đẹp, mà hay dụ dỗ gái quê, cho họ chút tiền và giải tán đúng lúc. Vợ anh đã mấy lần phải đuổi người giúp việc vì có dính líu đến chồng mình, và một lần còn phải cho tiền đưa osin đi phá thai và mua sự im lặng của cô ta.
Nhưng không phải vị sếp nào sợ vợ cũng vì bị áp lực hay dọa dẫm, như anh Bính chẳng hạn. Vợ anh già hơn anh một tuổi, năm nay đã 51. Chị không ra oai hay giơ nanh múa vuốt gì, ấy vậy mà anh Bính làm gì cũng nghĩ đến chuyện vợ có hài lòng hay không, đi đâu cũng lo về sớm, vợ dặn dò hay nhờ vả, gửi gắm cái gì là lo lắng thực hiện bằng được.
Có lần ngồi nhậu thân tình với nhau, mấy đàn em mượn rượu hỏi chị dữ ngầm hay sao mà anh sợ thế. Anh Bính trả lời: “Bảo tôi sợ vợ cũng được, tôi sợ cô ấy buồn, cô ấy giận, sợ cô ấy thất vọng về mình. Cũng bởi vì tôi quá nể và biết ơn cô ấy”.
Rồi anh kể, hai người lấy nhau khi anh không xu dính túi, trong khi chị nhà có những lựa chọn tốt hơn nhiều. Anh bao nhiêu lần tập tành kinh doanh, bao nhiêu lần thất bại, có những lúc phải trốn biệt trong miền Nam mấy năm liền vì nợ quá nhiều. Ngay cả trong những lúc cam go nhất, chị luôn một lòng một dạ động viên, sát cánh bên anh, cho dù vắng chồng vẫn hết lòng chăm sóc bố mẹ chồng, cặm cụi nuôi con và tin tưởng chờ đợi.
“Cái đận bố mẹ tôi thi nhau ốm nặng, tôi không có mặt, chỉ có vợ chăm sóc. Các con tôi ngoan ngoãn giỏi giang được như ngày nay cũng nhờ mẹ”, anh Bính tâm sự. “Vì thế với tôi, không ai đáng để tôi trọng hơn cô ấy cả”.
Còn giám đốc Sơn, người không dám chọn thư ký có nhan sắc trong câu chuyện phía trên, lại chẳng thuộc vào trường hợp nào trong những nguyên nhân vừa kể. Anh sợ vợ đơn giản vì… sợ, vì vợ anh có một cái uy lực bí ẩn nào đó, nói đơn giản là vì chị át vía chồng. Đám nhân viên nói vui rằng, với nguyên nhân này, sếp của họ mới là sợ vợ đích thực, là thành viên xứng đáng nhất của Hội Sợ vợ, sợ vô điều kiện.
Theo Tri Thức Thời Đại

Bình luận(0)