Washington Times: Việt Nam muốn Mỹ làm gì ở Biển Đông?

Google News

(Kiến Thức) - Tờ Thời báo Washington của Mỹ vừa có bài viết nhận định sự hung hăng của Trung Quốc đang đẩy Mỹ và Việt Nam tiến lại gần nhau.

Dưới đây là bài viết của Thời báo Washington được Kiến Thức lược dịch:
Mỹ nên hành động thiết thực hơn
Vừa qua, Bắc Kinh có những hành vi hung hăng khiêu khích khi điều giàn khoan khổng lồ trị giá 1 tỷ USD Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Không những vậy, lực lượng tàu bảo vệ của giàn khoan này còn có hành vi chủ động đâm, va chạm và phun vòi rồng vào tàu cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam cũng như đâm chìm một tàu đánh cá Việt Nam.
Tàu Kiểm Ngư 951 bị tàu Trung Quốc hung hăng đâm nát phần đuôi tàu. 
Trước động thái hung hăng khiêu khích kể trên, Việt Nam hoan nghênh Mỹ và cộng đồng quốc tế lên tiếng phản đối các hành vi hiếu chiến và bành trướng của Trung Quốc.
“Chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực của các quốc gia và đối tác, trong đó có Mỹ, đóng vai trò là đối tác toàn diện của Việt Nam, đóng góp vào giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp này”, ông Hà Huy Thông, Phó chủ tịch Ủy ban đối ngoại của quốc hội Việt Nam, tuyên bố.
Tại cuộc họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức, diễn ra chiều 5/6 tại Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cũng trả lời câu hỏi của phóng viên tờ Washington Times (Mỹ) về việc Việt Nam có kỳ vọng như thế nào về vai trò của Mỹ trong hỗ trợ Việt Nam bảo vệ chủ quyền.
Theo đó, ông Lê Hải Bình khẳng định: "Việc duy trì hòa bình, ổn định an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực là lợi ích và cũng là trách nhiệm của các quốc gia liên quan cả ở trong và ngoài khu vực. Mỹ là một cường quốc thế giới và cũng là một cường quốc châu Á – Thái Bình Dương. Trong thời gian qua, cùng với cộng đồng quốc tế và Mỹ đã có những tiếng nói nhằm đóng góp vào hòa bình ổn định an ninh hàng hải ở khu vực và vào việc giải quyết căng thẳng hiện nay ở khu vực. Chúng tôi mong muốn Mỹ tiếp tục có những tiếng nói mạnh mẽ hơn, những hành động thiết thực hơn, có tính xây dựng để đóng góp vào hòa bình ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở khu vực, vào việc giải quyết các tranh chấp ở khu vực thông qua luật pháp quốc tế".
 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình phát biểu kêu gọi Mỹ và cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối các hành động của Trung Quốc.
Theo tờ Thời báo Washington, trong bối cảnh chính quyền Obama thực thi chiến lược “Trục châu Á”, tới nay Washington mới dừng lại ở việc trấn an các đồng minh và chưa có nhiều hành động cụ thể. 
Từ lâu, các quan chức Mỹ vẫn luôn khẳng định chiến lược này nhằm giúp Mỹ chú ý và điều động trở lại các nguồn lực tới châu Á, không phải nhằm kiềm chế Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Trung Quốc ỷ lại vị thế là quốc gia có sức mạnh quân sự và kinh tế lớn nhất châu Á để “o ép” các quốc gia láng giềng nhỏ hơn.
“Tôi quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng hiện nay trên Biển Đông và những hành động của Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp khiến dư luận đặt câu hỏi về cam kết vì hòa bình và an ninh của nước này”, Thượng nghị sĩ Benjamin L. Cardin, thành viên Ủy ban quan hệ ngoại giao của Thượng viện Mỹ, nhận xét trong cuộc hội đàm với các quan chức Việt Nam tại Hà Nội vào tháng 5.
Mỹ có mối quan hệ đồng minh với các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực gồm Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Đài Loan trong khi Mỹ và Việt Nam chỉ đóng vai trò đối tác toàn diện.
Mỹ tăng hiện diện... Trung Quốc bớt hung hăng
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995, Mỹ và Việt Nam đã mở rộng quan hệ và có triển vọng trở thành các đối tác chiến lược. Thỏa thuận thương mại song phương năm 2001 đã giúp kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng lên từ 1,5 tỷ USD năm 2001 thành 29 tỷ USD vào năm 2013.
Việt Nam cũng nằm trong kế hoạch hợp tác phát triển kinh tế với châu Á của Washington. Cùng với 9 quốc gia khác, Mỹ và Việt Nam đang thương lượng để kí kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận kinh tế nhằm mục tiêu thúc đẩy mạnh quan hệ thương mại giữa Mỹ và châu Á trong thế kỷ 21.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS McCain và tàu cứu hộ đa năng USNS Safeguard đến thăm Việt Nam tháng 4/2014.
Tờ Thời báo Washington cũng nhận định, Việt Nam đang thắt chặt quan hệ với Washington ở các lĩnh vực then chốt khác. Trong tháng 5, Việt Nam tuyên bố tham gia vào Sáng kiến an ninh chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI). Động thái này của Việt Nam đã “mở cánh cửa” giúp hai bên tiến hành các hoạt động giám sát hàng hải chung.
Tờ Stars and Stripes trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cũng vừa đăng tải bài viết của tác giả Erik Slavin nhận định: mặc dù chưa rõ liệu các lực lượng Mỹ có thể sử dụng Cam Ranh, một cảng biển có giá trị bên Biển Đông hay không nhưng việc Việt Nam hoan nghênh các chuyến thăm của tàu chiến và máy bay Mỹ đang khiến khả năng đó tiến gần hơn tới hiện thực.
Các nhà phân tích cho rằng, ngoài các cuộc thảo luận song phương về quốc phòng, chống khủng bố và các hoạt động hành pháp, con đường để Việt – Mỹ tiến tới mối quan hệ đối tác chiến lược đang ngày càng được rộng mở.
“Việt Nam có thể yêu cầu Mỹ trợ giúp về năng lực giám sát và trinh sát trên biển, liên quan tới việc điều động các hệ thống ra đa và các thiết bị kĩ thuật khác”, giáo sư Carlyle Thayer từ ĐH New South Wales (Australia) nhận định và cho biết thêm: Việc Mỹ tăng cường hiện diện ở Biển Đông cũng khiến Trung Quốc hành động bớt hung hăng hơn.
Tùng Lâm

Bình luận(0)