Trung Quốc: Tranh chấp biên giới thổi dạt ngoại giao quân sự?

Google News

(Kiến Thức) - Thái độ hung hăng của Bắc Kinh trong tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng đã hủy hoại niềm tin khó khăn lắm mới đạt được bằng ngoại giao quân sự.

Đó là nhận định của bài viết đăng trên báo “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” (SCMP) xuất bản ở Hong Kong ngày 31/7/2017.
Theo bài viết đăng trên SCMP, gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh và bảo vệ lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài là mục đích chính của ngoại giao quân sự, trong đó “ngoại giao quân sự phục vụ các mục đích chính trị".
Trung Quoc: Tranh chap bien gioi thoi dat ngoai giao quan su?
Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc diễu binh phô trương sức mạnh mới đây ở Hong Kong. Ảnh: CNN.com 
Zhou Chenming, một nhà bình luận quân sự ở Bắc Kinh, nhận định: "Do hoạt động kinh doanh của Trung Quốc vươn ra toàn cầu, PLA cần phải có biện pháp bảo vệ công dân, công ty và lợi ích kinh tế của Trung Quốc”.
Ngoại giao quân sự
Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc thường xuyên tham gia các cuộc đối thoại an ninh song phương và đa phương. Năm nay, Trung Quốc và Mỹ đã tăng cường đàm phán quân sự thông qua Đối thoại Ngoại giao và an ninh mới, thông qua các cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Tổng Tham mưu trưởng PLA Fang Fenghui (Phòng Phong Huy).
Ngoài việc tham gia các cơ chế khu vực và quốc tế, Bắc Kinh còn nâng cấp Diễn đàn Xianshang trong năm 2014 thành đối thoại quốc phòng và an ninh hàng năm, tương tự như Đối thoại Shangri-La ở Singapore.
Một mục tiêu rất khó khăn nhưng quan trọng trong ngoại giao quân sự là xoa dịu những quan ngại về sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc ("mối đe doạ Trung Quốc") trên toàn cầu và trong khu vực.
Nhà bình luận quân sự Zhou Chenming cho biết: "Quân đội Trung Quốc cần phải học và thực hành giao tiếp chuẩn mực cũng như thuyết phục phần còn lại của thế giới rằng họ không cần phải sợ ...(sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc)”.
Tranh chấp lãnh thổ
Tại cuộc diễu binh hành quân sự tại Cơ sở Đào tạo chiến thuật kết hợp Zhurihe ở Khu tự trị Nội Mông ngày 30/7, kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Quân Giải phóng Nhân dân (PLA), Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình đã ra lệnh cho quân đội sẵn sàng chiến đấu đánh bại "tất cả kẻ thù dám xúc phạm" Trung Quốc.
Trung Quốc vốn theo đuổi lập trường hung hăng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Báo “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” (SCMP) trích nội dung bài xã luận đăng trên “Thời báo Nghiên cứu” của Trường Đảng Trung ương: "Cá nhân (Chủ tịch Tập) chèo lái một loạt các biện pháp nhằm mở rộng lợi thế chiến lược và bảo vệ các lợi ích quốc gia (của Trung Quốc). Trong vấn đề Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông), cá nhân (ông Tập) đã ra các quyết định xây dựng các đảo, củng cố các bãi đá và thành lập (cái gọi là) thành phố Tam Sa. (Những quyết định này) đã làm thay đổi căn bản tình thế chiến lược tại Nam Hải (Biển Đông)".
Theo SCMP, bài xã luận đăng trên “Thời báo Nghiên cứu” cho thấy ông Tập Cận Bình đã tập trung hóa quyền lực và quyền kiểm soát nhất định đối với chính sách ngoại giao của Trung Quốc và điều đó khiến ông trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.
Học giả Raffaello Pantucci, giám đốc nghiên cứu an ninh quốc tế tại Viện nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh, nhận định rằng những động thái như vậy đã tác động tiêu cực đến việc xây dựng hình ảnh quân đội Trung Quốc.
Ông Pantucci nói: "Có một sự ngắt kết nối cơ bản giữa hành vi quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông và ‘Con đường tơ lụa trên biển’ mà Trung Quốc vẫn chưa hoàn tất. Một mặt, Trung Quốc đang xây dựng lòng tin và quan hệ, nhưng mặt khác lại làm gia tăng căng thẳng”.
Rốt cuộc, việc Bắc Kinh sử dụng sức mạnh như thế nào khi đối phó với các tranh chấp - chẳng hạn như cuộc xung đột đang diễn ra với Ấn Độ ở Bhutan - là những gì các nước trong khu vực đang quan tâm theo dõi chặt chẽ.
PLA vận chuyển hàng chục tấn khí tài vào khu vực Tây Tạng lân cận, kể từ va chạm Trung-Ấn nổ ra vào ngày 16 tháng 6 và đã tiến hành một cuộc tập trận kết hợp lực lượng trên Cao nguyên Tây Tạng.
Giáo sư John Blaxland, chuyên gia an ninh quốc tế và nghiên cứu tình báo của Đại học Quốc gia Australia, cảnh báo việc giải quyết mạnh tay vụ tranh chấp với Ấn Độ có thể làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc tế của Trung Quốc và dẫn đến phản ứng dữ dội, không chỉ từ New Delhi mà còn từ các nước trong khu vực.
Giáo sư Blaxland nói thêm: "Có những lo ngại ngày càng gia tăng ở khu vực Đông Nam Á và Australia rằng lời nói của thiện chí của Trung Quốc không đi đôi với hành động thực tế”.
Minh Châu (Theo SCMP)

>> xem thêm

Bình luận(0)