Trung Quốc sẽ “nắn gân” chính quyền Mỹ kế nhiệm

Google News

(Kiến Thức) - Trung Quốc chắc chắn sẽ “nắn gân” chính quyền Mỹ kế nhiệm ở Biển Đông. Vậy tân Tổng thống Mỹ nhậm chức trong tháng 1/2017 sẽ ứng xử như thế nào?

Biển Đông: Phép thử đối với chiến lược “xoay trục” của Mỹ
Bắc Kinh chắc chắn sẽ “nắn gân” chính quyền Mỹ kế nhiệm tại Biển Đông. Ở mức tối thiểu, Trung Quốc sẽ sử dụng chính sách "quyết đoán thụ động" để kiểm soát nhiều hơn đối với Biển Đông, huyết mạch của thương mại quốc tế. Gia cố các đảo nhân tạo, ráo riết tiến hành các hoạt động chấp pháp và ngoại giao, trong khi dùng đòn bẩy ưu đãi kinh tế để phá vỡ hợp tác đa phương chống hành động cưỡng ép của Bắc Kinh ở Biển Đông... Tất cả các nỗ lực này sẽ được tiếp tục và tăng cường trong tương lai gần.
Người ta cũng không loại trừ việc Trung Quốc tập trận hung hăng hơn và làm gia tăng nguy cơ xung đột ở Biển Đông. Tân Tổng thống Mỹ sẽ sớm bị Trung Quốc “nắn gân” một cách thường xuyên, khi Lầu Năm Góc tiếp tục tiến hành chiến dịch giám sát, bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông và bảo vệ các nước đồng minh như Philippines...
Trung Quoc se “nan gan” chinh quyen My ke nhiem
Cụm tàu sân bay Mỹ tiến vào Biển Đông. Ảnh The National Interest 
Mức độ căng thẳng mà người kế nhiệm Tổng thống Barack Obama thừa hưởng trong tháng 1/2017 phụ thuộc nhiều vào những gì sẽ xảy ra trong mấy tuần tới, với việc Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague đưa phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc “cưỡng chiếm” Biển Đông.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể thích “thách thức” vị Tổng thống Obama bị coi là “vịt què” hiện nay, thay vì chờ đợi cho một tân Tổng thống Mỹ muốn chứng tỏ quyền uy hoặc quyết tâm của mình ngay từ khi nhậm chức. Khi Trung Quốc thành công trong việc phá vỡ nguyên trạng theo hướng có lợi cho nước này, Bắc Kinh có thể đặt tân Tổng thống Mỹ vào một “sự đã rồi” ở Biển Đông.
Xét theo khía cạnh này, Mỹ đang tiếp tục chính sách trấn an các nước bạn bè trong khu vực, quyết tâm kiềm chế yêu sách quá đáng của Trung Quốc mà không dẫn đến xung đột. Bộ Quốc phòng Mỹ đang đầu tư các nguồn lực bổ sung và nâng cao khả năng phòng thủ tối thiểu cho các nước quan trọng trong khu vực.
Biển Đông đã trở thành một phép thử đối với cho chiến lược “tái cân bằng Châu Á” của chính quyền Obama. Do đó, những gì mà Uwashington làm hoặc không làm ở xung quanh khu vực Đông Nam Á trong vài tuần tới hoặc vài tháng tới sẽ liên quan đến uy tín của Mỹ và quá trình quản lý tiếp theo.
Ví dụ như vấn đề bãi cạn Scarborough Shoal, nơi đã có những lo ngại về việc Trung Quốc bắt đầu “bồi đắp” trên rạn san hô mà nước này chiếm đoạt từ tay Philippines trong năm 2012. Nếu Mỹ xác định rằng bãi cạn Scarborough Shoal được bảo vệ theo hiệp ước phòng thủ chung với Manila, việc phân định ranh giới có thể chặn trước hành động bồi đắp của Trung Quốc hoặc là chất xúc tác dẫn đến một cuộc khủng hoảng. Dù thế nào đi chăng nữa, bãi cạn Scarborough vẫn sẽ là một điểm nóng ở Biển Đông trong mấy năm tới.
Năm chủ đề có tính chất định hướng chiến lược
Bất chấp những gì có thể xảy ra trong năm nay, việc nêu lên những vấn đề có tính định hướng chiến lược Biển Đông của chính quyền sắp tới là cần thiết.
Theo các cuộc thảo luận và nghiên cứu tại Center for a New American Security, có năm chủ đề lớn nổi lên cho thấy chính sách của Mỹ nên ràng buộc với Biển Đông.
Chủ đề thứ nhất, Biển Đông là một phần trong chiến lược lớn hơn của Mỹ đối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Chiến lược tái cân bằng của chính quyền Obama cho phép tạo ra một sự cân bằng quyền lực rộng hơn giữa các thế lực trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, trong khi bảo tồn và phát triển một cấu trúc dựa trên luật lệ, trong đó có tương tác quốc tế. Chính vì vậy, không nên coi chiến lược tái cân bằng này là một chiến lược cô lập Trung Quốc.
Ngoài chiến lược Châu Á, chính quyền Mỹ tiếp theo cũng sẽ buộc phải đối phó với các vấn đề an ninh toàn cầu khác. Một số thách thức lớn có thể tiếp tục đe dọa an ninh quốc tế, trong đó có các mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan, Bắc Triều Tiên và sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.
Chủ đề thứ hai sẽ định hình chiến lược của chính quyền Mỹ tiếp theo là các mối quan hệ song phương với Trung Quốc. Quan hệ Mỹ -Trung Quốc được định hình một phần bởi “sự hợp tác và cạnh tranh” ở Biển Đông. Chính quyền Obama đã tìm cách để mở rộng hợp tác với Trung Quốc mà không từ bỏ cạnh tranh trong các lĩnh vực có mâu thuẫn, đặc biệt là trong không gian mạng và hàng hải Châu Á.
Việc Trung Quốc hiện đại hóa quân sự nhanh chóng và triển khai chiến lược A2/AD có thể được xem như là một thách thức đối với sự hiện diện quân sự của Mỹ nhằm bảo đảm một trật tự khu vực dựa trên luật pháp quốc tế.
Những thách thức này sẽ trở nên phức tạp ở Biển Đông do các lợi ích phi đối xứng của Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc coi Biển Đông là “lợi ích quốc gia cốt lõi”. Điều này có thể trái ngược với quan điểm của Mỹ “ vốn coi đây là một công cụ phục vụ cho mục tiêu lớn hơn nhằm duy trì sự ổn định trong khu vực và quan hệ hòa bình với Trung Quốc”.
Nếu lợi ích của Mỹ trong khu vực còn được diễn đạt một cách mơ hồ, Bắc Kinh có thể sẽ thử thách ý chí của Washington. Vì vậy, cần phản làm rõ rằng lợi ích của Mỹ được gắn bó chặt chẽ gắn bó với tiến bộ, phát triển và thịnh vượng của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Chủ đề thứ ba là vai trò quan trọng của việc Mỹ tiếp tục hiện diện và can dự hiệu quả với khu vực. Chiến lược của Mỹ vẫn tập trung vào việc duy trì các tiền đồn quân sự và chứng tỏ tiếp tục cam kết với các cường quốc khu vực. Nhưng các yếu tố khác trong chiến lược của Mỹ nhất thiết phải dựa vào các đồng minh và các đối tác mạnh trong khu vực, đặc biệt là các quốc gia ven Biển Đông.
Chủ đề thứ tư là chiến lược Biển Đông phải toàn diện và do đó phải mở rộng ra ngoài các công cụ có sẵn của Bộ Quốc phòng Mỹ. Do khả năng phòng thủ của hầu hết các nước trong khu vực không thể đối chọi với sức mạnh củaTrung Quốc, Mỹ cần phải tìm kiếm các công cụ chính sách khác để ngăn cản sự quyết đoán của Trung Quốc và khuyến khích Bắc Kinh tuân thủ các chuẩn mực trong khu vực. Cần phải có một nỗ lực ngoại giao phối hợp hơn nữa để buộc Trung Quốc phải hành động có trách nhiệm hơn, bất kể ở cấp độ khu vực hay quốc tế.
Nói chung, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cần phải “nói ít hơn và làm nhiều hơn nữa”.
Ngoài ra, Mỹ cũng cần dùng đòn bẩy kinh tế làm công cụ gây sức ép đối với Trung Quốc. Thâm hụt thương mại lớn đôi khi khiến người ta quên đi một thực tế Mỹ là một thị trường vô cùng quan trọng đối với Trung Quốc.
Chủ đề thứ năm là chính sách của Washington phải xác định rõ ràng hơn về lợi ích của Mỹ. Làm rõ lợi ích là rất cần thiết đối với chiến lược của Mỹ liên quan đến Biển Đông và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Mặc dù lên nhiều câu hỏi hơn câu trả lời, năm chủ đề nêu trên tạo ra những ranh giới cơ bản cho việc tranh luận về chiến lược của Mỹ ở Biển Đông, đối với cả chính quyền Obama và chính quyền Mỹ mới sẽ tiếp nhận quyền lực trong tháng 1/2017.
Video Mỹ điều tàu chiến tuần tra sát các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa. (Nguồn VTC):

Minh Châu (Theo The Diplomat)

Bình luận(0)