Trung Quốc khiến Thái Bình Dương dậy sóng

Google News

Trung Quốc đang tạo ra những cơn sóng dữ tại Thái Bình Dương, khi nỗ lực tăng cường sức mạnh cũng như mở rộng phạm vi hoạt động của hải quân.

Tàu chiến Trung Quốc chọc thủng "chuỗi đảo thứ nhất" ở Tây Thái Bình Dương.
Theo Rick Fisher - chuyên gia về các vấn đề quân sự Châu Á tại Trung tâm Phân tích Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, “những gì chúng ta đang thấy là Trung Quốc hiện nay tìm cách tăng cường năng lực hải quân nhằm thực hiện các mục tiêu chiến lược”.
Chủ tịch Tập Cận Bình gần đây đã tái khẳng định Trung Quốc quyết tâm trở thành cường quốc biển. Bắc Kinh khăng khăng rằng họ không có tư tưởng “bá quyền” và chỉ phát triển hòa bình, nhưng theo các nhà phân tích, việc hải quân Trung Quốc gần đây liên tiếp tiến hành tập trận và việc 5 chiếc tàu chiến của nước này lần đầu tiên tuần tra vòng quanh Nhật Bản là thể hiện sức mạnh mang tính biểu tượng, trong khi những chiếc tàu khác thì thường xuyên tuần tra xung quanh các đảo tranh chấp với các nước láng giềng, đang khiến nguy cơ về các cuộc xung đột ngày càng tăng lên.
Mục tiêu biển xa
Cuộc hải hành xung quanh Nhật Bản cho thấy Hải quân Trung Quốc đã lần đầu tiên thâm nhập vào eo biển Soya (Nga gọi là eo biển La Perouse) - nằm giữa đảo Sakhalin của Nga và đảo Hokkaido của Nhật - và eo biển Miyako gần Okinawa trên đường tham gia diễn tập hải quân với Nga tại vịnh Pyotr Đại đế tháng 7/2013. Nhìn bề ngoài, chuyến hành trình này không có gì đáng chú ý, nhưng đặt trong bối cảnh gần đây thì đó là điều không thể bỏ qua.
Tàu đổ bộ cỡ lớn của Trung Quốc từng hoành hành ở Biển Đông, tiến sát bờ biển Malaysia.
Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của ĐCS TQ, cho biết Hải quân Trung Quốc đã “xuyên thủng” tuyến phòng thủ chuỗi đảo thứ nhất- một nhóm quần đảo lớn đầu tiên nằm ngoài lục địa Đông Á, bao gồm quần đảo Nhật Bản, quần đảo Ryukyu, Đài Loan và Bắc Philippines.
Theo nhà phân tích Jonathan Holslag thuộc Viện Brussels nghiên cứu về Trung Quốc đương đại, việc hải quân Trung Quốc hành trình qua tuyến đường biển quan trọng và nhạy cảm đã chuyển thông điệp tới các nước láng giềng rằng nước này sẽ bảo vệ những lợi ích bên ngoài khu vực biển của Trung Quốc và tìm cách trở thành một cường quốc hải quân thực sự.
Phó Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Tống Học từng tuyên bố nước này đã có một chiếc tàu sân bay cũ mua lại từ Nga, đã đi vào hoạt động từ tháng 8/2012, và tàu sân bay này không phải là duy nhất.
Mới đây, tạp chí Jane’s cho biết vệ tinh Mỹ đã chụp hình nhà máy đóng tàu ở đảo Trường Hưng, thuộc Thượng Hải và phát hiện giữa các tàu dân sự có một đối tượng đặc biệt. Theo nhận định của các chuyên gia, qua bức ảnh có thể nhận thấy một phần chiếc tàu sân bay mới của Trung Quốc do nước này tự đóng.
Mặt khác, Bắc Kinh tiếp tục gia tăng áp lực thường xuyên với việc tuyên bố chủ quyền theo “đường lưỡi bò” - chiếm gần như toàn bộ Biển Đông - trong khi những ngày gần đây, truyền thông Trung Quốc phát đi hình ảnh về các tàu du lịch tới Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Các tàu của Bắc Kinh cũng thường xuyên tuần tra gần quần đảo tranh chấp Điếu Ngư /Senkaku với Nhật Bản.
Theo chuyên gia Fisher, để được thừa nhận là một “cường quốc biển”, Trung Quốc đã triển khai lực lượng với quy mô lớn hơn tới khu vực Châu Phi và Mỹ Latinh và đây có lẽ là một “thắng lợi” đáng kể của hải quân nước này. Chính hành động và tham vọng đó của Trung Quốc khiến cho các nước láng giềng phải tiến hành các biện pháp phòng vệ.
Cuộc đua trên biển
Nhằm đối phó với sức mạnh gày càng tăng của Trung Quốc, Nhật Bản đã trình làng chiến hạm lớn nhất của nước này kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai - chiến hạm trị giá 1,2 tỷ USD này dùng để chở máy bay trực thăng nhưng cũng có thể dùng cho các máy bay phản lực cất, hạ cánh.
Khu trục hạn trực thăng của Nhật Bản có thể dễ dàng biến thành tàu sân bay.
Trong khi đó, Philippines cũng đã nhận thêm tàu chiến lớp Hamilton của Cảnh sát biển Mỹ và mua tàu tuần tra của Pháp trong nỗ lực tăng cường sức mạnh hải quân. Ngoài ra, Mỹ - hiện có một vài căn cứ quân sự trong khu vực tại các nước đồng minh thân cận ở Châu Á- đang thực hiện chiến lược “xoay trục” hướng về Châu Á-Thái Bình Dương bằng việc thúc đẩy quan hệ quân sự có chiều sâu với Philippines, thiết lập hiện diện luân phiên 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ tại Darwin, Australia, và triển khai luân phiên 4 tàu tuần duyên LCS tại Singapore. Tháng 6/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cũng tuyên bố rằng Mỹ sẽ triển khai 60% lực lượng hải quân tới Thái Bình Dương.
Theo chuyên gia Fisher, khi Bắc Kinh hoàn thiện năng lực hải quân, nước này sẽ dễ hành động liều lĩnh nhằm tạo “sự cố” để tiến hành một cuộc chiến quy mô nhỏ trên biển mà Trung Quốc có thể “giành thắng lợi”.
Theo Báo Tin tức

Bình luận(0)