Senkaku/Điếu Ngư đẩy Nhật-Trung đến bờ vực chiến tranh?

Google News

(Kiến Thức) - Trung Quốc dùng Hải cảnh vũ trang và Nhật Bản không loại trừ sử dụng tàu chiến. Phải chăng tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư đang đẩy Nhật-Trung đến bờ vực chiến tranh?

Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani tuyên bố rằng Nhật Bản sẽ điều tàu chiến tuần tra vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư, nếu tàu chiến Trung Quốc đến gần quần đảo tranh chấp này.
Senkaku/Dieu Ngu day Nhat-Trung den bo vuc chien tranh?
Tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư có nguy cơ đẩy Trung Quốc và Nhật Bản đến bờ vực chiến tranh. 
Phải chăng Nhật Bản sẵn sàng đi tới chiến tranh với Trung Quốc vì quần đảo Senkaku/Điếu Ngư?
Trả lời câu hỏi này, chuyên gia hàng đầu Andrei Ivanov của Viện Nghiên cứu Quốc tế trực thuộc Học viện Ngoại giao MGIMO nhận định:
"Có lẽ, về mặt pháp lý, việc Nhật Bản sẵn sàng sử dụng lực lượng hải quân để bảo vệ lãnh thổ có vẻ khá tự nhiên và hợp lý. Mỗi nước cần phải xử sự như vậy. Ví dụ, pháp luật Nga cho phép lực lượng biên phòng sử dụng vũ khí trong trường hợp tàu thuyền nước ngoài xâm phạm…như đánh bắt trái phép trong vùng lãnh hải Nga. Nếu tàu chiến nước ngoài vi phạm biên giới hàng hải Nga thì Hải quân Nga sẽ được điều ra đánh chặn”.
“Rõ ràng là một tình huống như vậy có thể dễ dàng diễn biến thành xung đột vũ trang. Tất cả mọi thứ đều phụ thuộc vào thái độ kiềm chế của cả hai bên. Cho đến nay, trong cuộc tranh chấp xung quanh Senkaku, Tokyo đã thể hiện thái độ kiềm chế ngay cả khi các tàu chiến Trung Quốc vào vùng lãnh hải của nước Nhật và các máy bay Trung Quốc bay vào không phận của Nhật Bản".
“Xin nhắc lại rằng, Trung Quốc đã đẩy mạnh các yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sau năm 2012, khi chính phủ Nhật Bản thông qua  quyết định mua một số đảo từ chủ sở hữu tư nhân. Bắc Kinh coi hành động này là khiêu khích. Cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku đã tác động tiêu cực đến mối quan hệ Trung-Nhật, bao gồm cả việc ngừng liên hệ ở cấp cao nhất. Tuy nhiên, trong năm 2015, sau mấy cuộc gặp của các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Trung Quốc bên lề các diễn đàn quốc tế đã xuất hiện những dấu hiệu cải thiện quan hệ Trung-Nhật”.
“Chính vì vậy, lời tuyên bố gần đây của ông Gen Nakatani, cho dù đúng đắn và hợp lý, vẫn là hơi khó hiểu. Nếu Trung Quốc muốn bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản, thì không được lên kế hoạch thực hiện những  hành động trên quần đảo Senkaku có thể làm hỏng các mối quan hệ song phương. Mặt khác, thời gian gần đây, Trung Quốc tỏ ra kiên quyết tâm bảo vệ lợi ích… ở Biển Đông. Chắc là Bắc Kinh không muốn để ai đó nghĩ rằng, Trung Quốc thực thi chính sách yếu đuối, có tính dè dặt do dự. Vì vậy, lời tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản có thể dẫn đến kết quả ngược lại. Trung Quốc có thể quyết định phô trương sức mạnh quân sự gần quần đảo Senkaku để cho thấy rằng họ không sợ lời cảnh báo của vị bộ trưởng Nhật Bản. Và nếu Bắc Kinh đủ sáng suốt để không làm như vậy, thì lời tuyên bố của ông Gen Nakatani vẫn có thể tác động tiêu cực đến bầu không khí mới bắt đầu cải thiện trong quan hệ Trung-Nhật”.
Theo chuyên gia Andrei Ivanov, các vấn đề phức tạp trong mối quan hệ song phương như  tranh chấp lãnh thổ phải được giải quyết bằng biện pháp ngoại giao. Sự can thiệp của giới quân sự hoặc các phương tiện truyền thông… chỉ gây thêm rắc rối cho quá trình tìm kiếm thỏa hiệp.
Minh Châu (Theo Sputnik)

Bình luận(0)