Quan hệ Trung Quốc-Philippines lại căng thẳng vì Biển Đông là nhận định của học giả Richard Javad Heydarian, phó giáo sư chuyên về khoa học chính trị và các vấn đề quốc tế tại Đại học De La Salle và từng là cố vấn chính sách của Hạ viện Philippines, trong bài viết đăng trên trang mạng Asia Times ngày 17/8/2017.
|
Bộ trưởng Quốc phòng Philipines Delfin Lorenzana thăm đảo Thị Tứ ở Quần đảo Trường Sa ngày 21 tháng 4 năm 2017. Ảnh: Reuters |
Các báo cáo gần đây cho thấy Trung Quốc siết chặt vòng vây đối với đảo Thị Tứ, nơi trú ngụ của một cộng đồng dân cư Philippines và có một thị trưởng, bằng cách triển khai một số tàu hải quân và Cảnh sát biển xung quanh hòn đảo trong Quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp này.
Nhiều người ở Manila đặt câu hỏi: Liệu lập trường mềm dẻo đối với Trung Quốc của Tổng thống Rodrigo Duterte về vấn đề Biển Đông có phải là một chiến lược quốc gia có hiệu quả?
Trong Hội nghị các bộ trưởng ngoại giao ASEAN tổ chức tại Manila vào đầu tháng 8, Philippines đã thực hiện đặc quyền chủ tịch luân phiên để che chở Bắc Kinh chống lại bất kỳ lời chỉ trích nào về các hoạt động bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa trong vùng biển đang tranh chấp ở Biển Đông.
Trái ngược với hình ảnh vệ tinh mới nhất, các vị bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc và Philippines đều tuyên bố rằng Trung Quốc đã không tiến hành bất kỳ hoạt động bồi đắp nào ở Quần đảo Trường Sa, một khu vực tranh chấp giàu tài nguyên ở Biển Đông.
Mặc dù Trung Quốc đồng ý với một khuôn khổ đàm phán mới tại hội nghị các bộ trưởng ngoại giao ở Manila, các nhà phê bình cho rằng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 (không có tính ràng buộc pháp lý ) đã cho phép Trung Quốc tăng cường vị thế quân sự trong khu vực. Nhiều người nghi ngờ rằng Bắc Kinh sẽ đồng ý với một Bộ Qui tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có tính ràng buộc, khi Trung Quốc đang nhanh chóng giành được ưu thế chiến lược trong khu vực.
Bắc Kinh và Manila đang xem xét Thỏa thuận Phát triển chung (JDA) tại các khu vực “có tranh chấp chồng chéo”, bao gồm cả các vùng biển giàu dầu khí ngoài khơi đảo Palawan phía tây Philippines. Trong một cuộc điều trần của Quốc hội Philippines, Bộ trưởng Ngoại giao Alan Peter Cayetano đã xác nhận triển vọng hợp tác thăm dò và khai thác năng lượng giữa Philippines và Trung Quốc tại Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) đang tranh chấp.
Trong năm 2011, các tàu Trung Quốc đã đuổi tàu thăm dò do Forum Energy - một công ty của Anh quốc - thuê để thăm dò khảo sát khu vực Bãi Cỏ Rong. Năm sau, Hải quân Mỹ và Philippines đã tiến hành tập trận chung gần Bãi Cỏ Rong.
Thậm chí, Bộ Quốc phòng Philippines xem ra cũng khá mặn mà với ý tưởng “giữ nguyên hiện trạng” ở Biển Đông với Trung Quốc, mặc dù vẫn còn có nhiều nghi ngờ.
Trong một cuộc điều trần về ngân sách mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana tuyên bố trước Quốc hội Philippines rằng Bắc Kinh đã cam kết “sẽ không chiếm các đặc tính mới ở Biển Đông" và tránh “ xây dựng các công trình ở Bãi cạn Scarborough”, một bãi cạn tranh chấp và giàu có về thủy sản nằm cách bờ biển Philippines khoảng 100 hải lý.
|
Tàu chở các nhà báo Philippines vượt qua sự phong tỏa của tàu Cảnh sát biển Trung Quốc ở Bãi Cỏ Mây trong Quần đảo Trường Sa. Ảnh: Al Jazeera |
Tuy nhiên, các nhà lập pháp vẫn hoài nghi về cam kết của Trung Quốc. Gary Alejano, một nhà lập pháp hàng đầu và là cựu sĩ quan quân đội, đã cảnh báo về "cuộc tập trung đáng ngờ của tàu Hải quân và Cảnh sát biển Trung Quốc ở phía bắc đảo Thị Tứ", điều mà ông mô tả là “mối đe doạ đối với lợi ích của chúng ta ở Biển Tây Philippines (Biển Đông) ".
Nghị sĩ Gary Alejano vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với các đồng nghiệp trong quân đội và cho biết ông đã "nhận được thông tin từ các nguồn tin trong quân đội" nói rằng trong những ngày gần đây Trung Quốc đã triển khai tới 5 tàu (trong đó có 2 tàu khu trục nhỏ, 1 tàu Cảnh sát biển và 2 tàu đánh cá lớn) ở vùng biển chỉ cách đảo Thị Tứ có một hải lý về phía bắc.