Quân đội Nhật Bản đang trở lại?

Google News

(Kiến Thức) - Trong bối cảnh an ninh khu vực Đông Átrở nên phức tạp do Trung Quốc, Nhật Bản đang hướng tới lực lượng quân đội và nền công nghiệp quốc phòng hùng mạnh.

Nhật Bản sắp có quân đội và nền quốc phòng đúng nghĩa
Cứ 2 năm một lần, Hội chợ thương mại quốc phòng Eurosatory tổ chức tại Paris (Pháp) với các loại vũ khi tối tân nhất được “phô diễn”. Các nhà sản xuất vũ khí từ hàng chục quốc gia mang theo các thiết bị hiện đại với hi vọng sẽ có các đơn hàng.
Năm 2014, những tên tuổi như Mitsubishi, Toshiba và Kawasaki sẽ có mặt tại hội chợ này và lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà thầu quốc phòng Nhật Bản sẽ tham gia vào một hội chợ vũ khí quốc tế.
Đây là một ví dụ cho thấy Nhật Bản đang thay đổi cách nhìn nhận về vấn đề chiến tranh và hòa bình.
Trong vòng hơn nửa thế kỷ, nền công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản chủ yếu tập trung vào mục tiêu phòng vệ không được phép xuất khẩu vũ khí, gần như “vô hình”. Nhưng lúc này khi Thủ tướng Shinzo Abe lập kế hoạch cải cách và mối lo ngại về Trung Quốc ngày càng tăng, Nhật Bản đang trên đường xây dựng một quân đội linh hoạt hơn, hiện hữu mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế và có các mối quan hệ đồng minh chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng muốn giành được một “miếng bánh” nhất định trong thị trường vũ khí thế giới đầy “béo bở”.
Các binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản huấn luyện. 
Sau Chiến tranh thế giới II, Nhật Bản theo đuổi Hiến pháp về quốc gia hòa bình theo đó nước này sẽ không được tuyên chiến và không có quyền sở hữu quân đội. Tuy nhiên, Nhật Bản được phép có cái gọi là “các lực lượng phòng vệ” trên bộ, trên không và trên biển dù không được sở hữu các loại vũ khí tấn công.
Mặc dù về bản chất là tự vệ, Các lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF) không phải là một lực lượng “dễ bị bắt nạt”. Các lực lượng này có quân số là 240.000 người với 3 tàu sân bay, hơn 40 tàu khu trục, 300 máy bay chiến đấu và có đủ năng lực bắn hạ các tên lửa đạn đạo nhắm đến Nhật Bản. Nếu chỉ để bảo vệ Nhật Bản thì đây là một lực lượng lớn, tuy nhiên JSDF không được phép hoạt động bên ngoài biên giới nước này.
Trong 5 năm trở lại đây, môi trường an ninh Nhật Bản ngày càng trở nên phức tạp. Triều Tiên đã thử vũ khí hạt nhân lần 3 và tiếp tục các hoạt động chế tạo tên lửa đạn đạo. Nga tăng cường các hoạt động quốc phòng ở khu vực Viễn Đông, củng cố các đồn bốt ở gần Nhật Bản và quần đảo mà nước này tranh chấp với Nhật Bản.
Nhưng thay đổi lớn nhất bắt nguồn từ Trung Quốc. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc hiện đã tăng hơn 10 lần so với năm 1989 và gấp gần 3 lần chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản. Trung Quốc ngày càng hung hăng ở Đông Bắc Á và năm 2011, Trung Quốc bắt đầu hành động để khẳng định chủ quyền của nước này đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vốn được Nhật tuyên bố chủ quyền.
Trên không, Nhật Bản cũng đang không ngừng bị Trung Quốc “quấy rối”. Trong năm 2013, Lực lượng phòng vệ trên không của Nhật Bản đã điều động máy bay ra chặn máy bay nước ngoài tới 433 lần, số lượng lớn kỉ lục, chủ yếu chặn máy bay quân sự của Trung Quốc và của Nga.
Ngày 25/5/2014, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay các máy bay chiến đấu Trung Quốc đã áp sát 2 máy bay tình báo của Nhật Bản trên biển Hoa Đông.
Trước đó ngày 23/11/2013, Trung Quốc tuyên bố thiết lập “Vùng xác định phòng không” bao gồm cả không phận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà không tham vấn trước với các quốc gia trong khu vực. Trung Quốc yêu cầu các máy bay nước ngoài bay qua vùng này phải gửi lịch trình bay trước cho nước này.
Mặc dù Nhật Bản không công nhận “Vùng xác định phòng không” kể trên của Trung Quốc nhưng vụ việc trên một lần nữa cho thấy Bắc Kinh ngày càng quyết liệt hơn về tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng trong đó có Nhật Bản.
Kế hoạch đối phó với Trung Quốc
Để đối phó với các hoạt động của Trung Quốc ngày càng gia tăng, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đang định hướng và sắp xếp lại, dịch chuyển các đơn vị về phía tây và tăng cường năng lực điều động. 
Ba phi đội máy bay chiến đấu và máy bay cảnh báo sớm đã được điều động về phía tây để đối phó với các máy bay nước ngoài xâm nhập. Một lữ đoàn lính thủy đánh bộ mới được đặt tại Nagasaki và sẽ được trang bị trực thăng vận tải đa năng MV-22 Osprey của Mỹ và các phương tiện đổ bộ.
Nhật Bản bắt đầu đóng 3 tàu khu trục mang máy bay trực thăng lớp Izumo – một loại tàu sân bay cỡ nhỏ dù Tokyo không muốn dùng từ này vì nhạy cảm với những vũ khí có tính tấn công. Ngoài ra, Nhật Bản sẽ sớm xây dựng năng lực tái chiếm các vùng lãnh thổ trong trường hợp bị nước ngoài chiếm giữ.
Tàu khu trục Izumo của Nhật hạ thủy năm 2013 và dự kiến đưa vào hoạt động 2015. 
Trong quá trình tự nới lỏng những hạn chế về quốc phòng, Nhật Bản đang dần dỡ bỏ qui định cấm xuất khẩu vũ khí. Tại Hội chợ Eurosatory, các sản phẩm quốc phòng đến từ Nhật Bản chỉ giới hạn ở các thiết bị an ninh, trong tương lai các mặt hàng có kích thước và độ sát thương lớn hơn chắc chắn sẽ xuất hiện. Việc các nhà thầu quốc phòng nước này trở nên nổi tiếng toàn cầu giống như Toyota hay Sony trong thị trường hàng dân dụng sẽ chỉ là vấn đề thời gian.
Nhật Bản vừa thông báo về một loạt dự án hợp tác với các quốc gia khác, một việc trước đây nước này không thể thực hiện theo lệnh cấm xuất khẩu vũ khí. Nhật Bản và Anh đang lên kế hoạch cùng nhau chế tạo trang phục trong chiến tranh hóa học và Australia muốn mua công nghệ tàu ngầm của Nhật Bản cho thế hệ tàu ngầm tấn công mới của nước này.
Thủ tướng Abe cũng đang mở rộng khung pháp lý và chính sách để Các lực lượng phòng vệ Nhật Bản không còn bị “bó chân bó tay”. 
Ông Abe đang thúc đẩy để Nhật Bản có quyền tham gia các hoạt động quốc phòng tập thể - tức là Nhật Bản sẽ có quyền bảo vệ các đồng minh và có quân đội tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình. Thực ra đây là những quyền cơ bản của các quốc gia theo luật pháp quốc tế nhưng trước đây, Nhật Bản vẫn luôn từ chối các quyền này.
Dư luận Nhật Bản, mặc dù không ưa Trung Quốc, nhưng vẫn chưa sẵn sàng ủng hộ nước này có vai trò quân sự lớn hơn hay tăng cường các hoạt động quân sự quốc tế, chưa nói gì tới việc thay đổi các điều khoản về quốc gia hòa bình trong Hiến pháp – mục tiêu lâu dài của ông Abe. Ông Abe đang “đặt cược” uy tín chính trị để tiến hành các cải cách quân sự và nếu nền kinh tế Nhật Bản không được cải thiện có thể ông sẽ bị buộc phải gác lại các cải cách đó.
Điều mỉa mai là nhân tố đang giúp thúc đẩy các kế hoạch của ông Abe lại chính là Trung Quốc. Nếu nước này tiếp tục có cả hành động hung hăng, ông Abe sẽ dễ dàng nhận được sự ủng hộ của dư luận trong nước về các vấn đề ngoại giao.
Tùng Lâm

Bình luận(0)