Pháp “tiến thoái lưỡng nan” trong vụ tàu đổ độ Mistral

Google News

Hai tàu đổ bộ Mistral đóng cho Nga hiện đang đẩy Chính phủ Pháp vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan": bán không được mà giữ lại cũng chẳng xong.

Nga ngăn chặn khả năng Pháp bán Mistral
Ngày 9/5, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin tuyên bố về mặt pháp lý, Paris không thể bán các tàu đổ bộ trực thăng Mistral đã đóng cho Nga nếu không được Moscow đồng ý. Ông cũng khẳng định, Nga đã thông báo điều này cho phía Pháp.
Trong tuyên bố ngày 9/5, Phó Thủ tướng Rogozin - phụ trách công nghiệp quốc phòng Nga - giải thích, Pháp không thể bán hai tàu Mistral này vì Nga đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng cuối cùng (SKP). Do đó, nếu không được phép của Moscow, Paris sẽ không thể bán tàu Mistral.
Ông Rogozin nhấn mạnh, hai tàu đổ bộ trực thăng Mistral được đóng theo các tiêu chuẩn cũng như theo các yêu cầu kỹ thuật riêng của Hải quân Nga, được “Nga hóa” hoàn toàn. Có những yếu tố bí mật quân sự Nga nằm trong Mistral nên Paris chớ có hy vọng bán những chiếc tàu này cho nước khác.
Tuyên bố của ông Rogozin được đưa ra trong bối cảnh có thông tin rằng Paris sẽ bán Mistral cho Bắc Kinh nhân chuyến thăm của các tàu hải quân Pháp (trong đó có một chiếc Mistral) tới Thượng Hải. Ngoài ra, còn có nguồn tin khác cho rằng, Pháp có thể bán hai tàu sân bay trực thăng này cho Canada, Brazil, Ấn Độ…
Phap “tien thoai luong nan“ trong vu tau do do Mistral
 Hải quân Pháp vừa từ chối sử dụng 2 tàu Mistral bởi họ đã có 3 chiếc.
Trước đó, Phó Thủ tướng Rogozin cũng nói rằng phần đuôi tàu Mistral do Nhà máy đóng tàu Baltic của Nga đóng, trên tàu cũng được lắp đặt hệ thống cáp thông tin liên lạc của nước này. Ngoài ra, trên tàu còn có những thiết bị đặc chủng đảm bảo tàu có thể hoạt động trong điều kiện băng tuyết ở Bắc Cực.
Bởi vậy, phía Nga cho rằng nếu Paris phá vỡ thỏa thuận, Moscow sẽ lấy lại phần đuôi tàu, tháo dỡ hệ thống cáp thông tin liên lạc và các thiết bị khác về sử dụng. Như vậy, gần như Pháp phải phục dựng con tàu lại từ đầu. Điều này sẽ tiêu tốn một khoản ngân sách không nhỏ, cùng với phí tổn khoảng 1,2 tỷ Euro tiền đặt cọc và khoản tiền đền bù cho Nga về phá vỡ hợp đồng.
Đồng thời, Pháp cũng rất khó tìm được khách hàng mua hay tàu sân bay trực thăng Mistral bởi giá bán quá đắt cùng với việc phải sắm thêm vài chục chiếc trực thăng vận tải, tấn công và trinh sát, chống ngầm. Theo tờ Le Figaro của Pháp, hiện khả năng xuất khẩu của Mistral hầu như "bằng không".
Tờ báo này trích dẫn nhận định của một quan chức Pháp giấu tên cho biết, hải quân nước này đã từ chối sử dụng hai tàu Mistral, vốn đã được thiết kế đáp ứng các tiêu chuẩn của Nga. Đồng thời, ông cũng cho rằng những biện pháp cắt xẻ, đánh chìm tàu là không thể chấp nhận được, bởi nó thiếu tôn trọng các công nhân nhà máy đóng tàu Saint-Nazaire - những người đã đóng nhiều chiến hạm lớn cho hải quân Pháp.
Dân Pháp phản đối phương án đánh chìm tàu
Ngày 10/5, Tổ chức "Bleu Marine"của Pháp đã lên tiếng chống lại ý tưởng đánh chìm tàu "Mistral" của chính quyền nước này, sau khi Paris bày tỏ ý định cương quyết không bàn giao Mistral cho Moscow.
Hôm 6/5, tờ Le Figaro thông báo rằng tàu Mistral đóng cho Nga có thể bị phía Pháp đánh chìm ngoài biển khơi trong trường hợp phá bỏ hợp đồng và từ chối bàn giao những con tàu này. Hai phương án khác cũng được đề cập đến là tháo dỡ bán sắt vụn hoặc bán cho một nước khác.
Phap “tien thoai luong nan“ trong vu tau do do Mistral-Hinh-2
Pháp không thể bán các tàu này cho bất cứ nước nào bởi trên tàu có bí mật quân sự của Nga.
Trong tuyên bố của mình, Hiệp hội thống nhất các tổ chức yêu nước Pháp, nằm trong thành phần của “Mặt trận Dân tộc” này đã lên tiếng kiên quyết phản đối ý tưởng đánh chìm hai tàu sân bay trực thăng lớp "Mistral", đóng theo đơn đặt hàng của Nga.
Các thành viên “Bleu Marine” cho rằng những sự kiện ở miền đông Ukraine "không thể coi là nguyên cớ hợp lý để nước Pháp từ bỏ chủ quyền của chính mình”. Việc nước này buộc phải theo chủ trường chống Nga của Mỹ và NATO là điều gây phương hại cho nền độc lập của chính nước Pháp.
Trong văn kiện thông báo của Tổ chức ái quốc ày còn lưu ý rằng: “Chúng ta cũng không được để chính sách của Chính phủ gây tổn thất cho các công nhân nhà máy đóng tàu Saint-Nazaire, phá hoại niềm tin của các đối tác nước ngoài với ngành công nghiệp của nước nhà”.
Tuyên bố của "Bleu Marine" nêu rõ, chính quyền Pháp từ chối bàn giao hai tàu Mistral cho Nga, trong khi lại đồng ý bán 24 máy bay tiêm kích đa năng “Rafale” cho Qatar - là nước có lập trường hai mặt trong quan hệ với nhóm “Nhà nước Hồi giáo” IS, rõ ràng đang đe dọa cả các công dân của Pháp”.
Trước đây, Tổng Liên đoàn Lao động - nghiệp đoàn lớn thứ 3 của Pháp đã hối thúc chính quyền Paris giải quyết hợp đồng và bàn giao 2 tàu sân bay trực thăng Mistral cho Nga. Liên đoàn bày tỏ sự bức xúc khi Pháp hoãn bàn giao tàu đổ bộ tấn công Mistral cho Nga do sức ép từ phía Mỹ và Liên minh châu Âu (EU)
Những người lao động Pháp cho rằng, việc đưa các yếu tố chính trị vào một hợp đồng đã được ký kết từ rất lâu là điều vô lý, ngay cả Mỹ cũng vẫn cho phép các công ty thực hiện các hợp đồng đã ký với Nga, ví dụ như Exxon Mobil trong khai thác dầu khí - một lĩnh vực thế mạnh của Nga.
Họ tuyên bố, nếu ngừng giao tàu và phải chịu phạt hợp đồng lên tới hàng tỷ USD thì Mỹ và EU có trả giúp Pháp khoản bồi thường đó không? Và công ăn việc làm của những người lao động Pháp sau khi hợp đồng “khủng” có kèm theo điều khoản đóng 2 chiếc nữa bị đổ vỡ sẽ ra sao?
Theo Nguyễn Ngọc/ANTĐ

Bình luận(0)