Mỹ “đau đầu” trước các thách thức ở Biển Đông

Google News

(Kiến Thức) - Mỹ đang đứng trước những lựa chọn khó khăn trong việc đảm bảo Biển Đông “lặng sóng” trong năm 2013 và cả những năm tới.


 Tàu chiến cận bờ USS Freedom của Mỹ đồn trú tại Singapore.

Tranh chấp lãnh hải đã gây ra “bão tố” trên Biển Đông suốt năm ngoái và sẽ còn tiếp tục “khuấy động” cả khu vực trong năm nay.

Dù đầu năm, tiến trình ngoại giao bắt đầu được các bên thúc đẩy, tình cảnh hiện tại lại chỉ ra khả năng các mâu thuẫn, đối đầu và tranh cãi đang bắt đầu sôi sục và leo thang trở lại trong suốt năm nay, thậm chí còn kéo dài sang những nawmk tiếp theo.

Các động lực mới để thúc đẩy các sáng kiến cụ thể như Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) nhằm giải quyết tranh chấp và căng thẳng vốn có từ lâu đồng thời đảm bảo hòa bình và an ninh khu vực có khả năng bị nhấn chìm trong một loạt trở ngại dai dẳng.

Những trở ngại đó bao gồm các yêu sách chồng chéo về chủ quyền, lãnh thổ; chủ nghĩa dân tộc trong khu vực dâng cao; nỗ lực hiện đại hóa quân sự đang diễn ra mạnh mẽ; một Trung Quốc ngày càng quyết đoán trong khi các tổ chức khu vực ngày càng lộ ra nhiều mâu thuẫn và bất đồng nội bộ.

Trong suốt thời gian qua, Trung Quốc liên tục né tránh các áp lực đa phương và ngày càng tỏ ra quyết đoán  hơn trong các yêu sách về chủ quyền biển đảo, ngang ngược triển khai hàng loạt đội tàu hải quân, hải giám, tàu cá hùng hậu và thậm chí cả các du thuyền… tuần tra và xâm phạm các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, gây không ít quan ngại và phẫn nộ của các quốc gia láng giềng.

Chưa hết, Bắc Kinh cũng sử dụng đủ mọi áp lực để củng cố và thực thi nguyên tắc của riêng họ đó là chỉ duy nhất các bên liên quan trực tiếp tới tranh chấp trong khu vực được quyền thảo luận, giải quyết vấn đề. Hành vi quyết đoán của Trung Quốc trong các tuyên bố chủ quyền đồng nghĩa với việc nước này ngày càng o ép, bắt nạt các láng giềng để đạt được tham vọng làm chủ “gần như toàn bộ Biển Đông”.

Các quốc gia trong khu vực bao gồm Philippines và Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ lên tiếng phản đối và báo động về sự quyết liệt của Trung Quốc trong các yêu sách về chủ quyền. Đồng thời, quan ngại sức mạnh quân sự đang lên của Bắc Kinh, các quốc gia trong khu vực buộc phải chi các khoản tiền kếch xù vào việc củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng nhằm đủ khả năng bảo vệ quyền lợi của mình.

Việc các quốc gia trong khu vực không ngừng chạy đua vũ trang, hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là lực lượng hải quân trở thành dấu hiệu báo “giông bão” bất cứ lúc nào cũng có khả năng nổi lên tại Biển Đông chỉ vì những sự cố nhỏ, các tính toán sai lầm hoặc một số động thái khiêu khích vượt tầm kiểm soát.

Trong khi đó, các cơ chế khu vực vẫn tỏ ra yếu ớt hoặc thậm chí thất bại trong việc kiềm chế xung đột. Năm 2012, lần đầu tiên trong lịch sử, ASEAN thất bại trong việc đưa ra một thông cáo chung sau một hội nghị cấp cao thường niên. Nguyên nhân là do Trung Quốc gây áp lực với Campuchia, ngăn cản đưa các vấn đề Biển Đông vào trong tuyên bố chung, dẫn đến các bất đồng và mâu thuẫn nội bộ ASEAN.

Ngoài ra, đã 10 năm trôi qua kể từ khi ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) năm 2002 nhưng các bên vẫn bế tắc trong việc thống nhất soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Viễn cảnh của COC trong những năm tiếp theo được dự đoán không mấy khả quan.

Chưa hết, ít nhất cho đến thời điểm này, một bộ quy tắc quốc tế có khả năng giải quyết các vấn đề khu vực cũng vẫn chưa được hình thành. Còn nhớ tháng 1 năm nay, Philippines chính thức đệ đơn kiện Trung Quốc lên một tòa án quốc tế để nhờ phân xử dựa trên tinh thần của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), nhưng Bắc Kinh bất hợp tác trong việc giải quyết vấn đề.

Trong một bức tranh rộng lớn, những động thái trên của Trung Quốc rõ ràng đang trực tiếp làm xói mòn các mục tiêu chiến lược của Mỹ trong khu vực. Và khi các giải pháp ngoại giao rõ ràng chứng tỏ sự bế tắc và thất bại trong việc chế ngự căng thẳng trên Biển Đông, tình thế cấp bách đang đặt ra là, Mỹ phải tìm kế khác để duy trì và thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng trong khu vực.

Có như vậy Washington mới bảo vệ được vị thế và lợi ích của họ tại đây. Bất cứ chiến lược nào, để đạt được hiệu quả, đều phải đảm bảo có được sự kết hợp toàn diện trên tất cả các lĩnh vực bao gồm, chính trị, ngoại giao, quân sự và kinh tế.

Cụ thể, Mỹ cần thực hiện các bước đi cụ thể để củng cố và nâng cao năng lực, khả năng phòng vệ tối thiểu của các đồng minh và đối tác khu vực trước những hành động gây hấn hoặc xâm lược đồng thời hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kinh nghiệm cho quân đội của các quốc gia trong khu vực, chẳng hạn về vận hành và đảm bảo an toàn trong hoạt động chống ngầm.

Ở vị thế là cường quốc số 1 thế giới, Mỹ phải nỗ lực nâng cao độ tin cậy của luật biển quốc tế bằng cách tham gia phê chuẩn Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS). Hiện Mỹ là thành viên Liên Hợp Quốc duy nhất không tham gia UNCLOS. UNCLOS không giải quyết các tranh chấp Biển Đông nhưng sẽ góp phần thúc đẩy sự hình thành của các luật biển quốc tế có thẩm quyền khác. Sẽ là vô nghĩa, nếu Mỹ chỉ hô hào suông mà không đi đầu trong việc thúc đẩy tự do hàng hải bằng cách không chấp nhận các quy tắc quốc tế về luật biển mà các quốc gia trong khu vực đều cam kết tuân theo.

Ở địa vị là cường quốc châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ cần tăng cường sức mạnh và vai trò lãnh đạo trung tâm của các tổ chức khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc quyết định vận mệnh của Biển Đông. Mỹ tham gia các chương trình nghị sự của khu vực như Hội nghị Cấp cao  Đông Á hoặc các diễn đàn do ASEAN chủ trì. Do đó, Washington nên thúc đẩy và nỗ lực tạo ra sự đồng thuận vì lợi ích chung giữa các thành viên trong nhóm.

Cuối cùng, Washington cần tích cực đi đầu hỗ trợ quân đội các bên liên quan xây dựng lòng tin lẫn nhau trong đó bao gồm Trung Quốc thông qua các hoạt động chung như diễn tập chống cướp biển, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai...

Đặc biệt là, Mỹ không nên loại trừ Trung Quốc ra khỏi các chương trình quân sự khu vực. Việc Bắc Kinh chấp thuận đề nghị tham gia cuộc tập trận lớn nhất thế giới RIMPAC 2014 là dấu hiệu đáng khích lệ có thể giúp các bên tăng độ tin cậy vào thể chế quân sự của nhau, giảm nguy cơ các sự cố nhỏ hoặc các tính toán sai lầm leo thang thành xung đột lớn.

TIN LIÊN QUAN

ĐANG ĐỌC NHIỀU


Bạch Dương (Theo The Diplomat)

Bình luận(0)