Lý do Mỹ tập trung vào các NGO tại Trung Á

Google News

(Kiến Thức) - Chiến lược sử dụng tổ chức phi chính phủ (NGO) của Mỹ làm gia tăng tình trạng bất ổn ở các quốc gia tại khu vực Trung Á.

Mỹ và các nước đồng minh vẫn thường sử dụng những tổ chức phi chính phủ (NGO) để chuẩn bị và gây ra những “cuộc cách mạng màu” tại Bắc Phi, Trung Đông và các nước từng thuộc Liên Xô trước đây. Điều này đã khiến truyền thông thế giới có nhiều ý kiến trái chiều.
Hậu quả của những “hành động vì dân chủ” được Washington tiến hành có thể được thấy rõ tại Libya, Iraq, Ukraine và một vài quốc gia khác, nơi chiến lược này đã dẫn đến tình trạng hỗn loạn mất kiểm soát.
Chiến lược của các NGO do Washington đứng sau có thể được hiểu rõ thông qua câu nói nổi tiếng của Trung tá đã nghỉ hưu Ralph Peters: “Hollywood “đang chuẩn bị cho cảnh chiến trường” và bánh burger đã đến trước những viên đạn. Lá cờ đi sau thương mại”.
Ly do My tap trung vao cac NGO tai Trung A
 Một bức graffiti thể hiện thái độ ghê sợ nước Mỹ tại Iraq
Thông thường, mục tiêu của những “hoạt động che mắt” được tiến hành bởi các NGO này là nhằm giành quyền kiểm soát thị trường của đối phương, hay chống lại đối thủ chính trị, trong đó nổi bật là Iran, Nga. Điều này đã được thể hiện rõ trong những diễn biến gần đây ở Hong Kong. Washington đã kiến tạo thành công một mạng lưới các NGO tại đây để tăng cường lợi ích của Mỹ dưới vỏ bọc ủng hộ sự “dân chủ”, hoạt động bằng cách phát tán chương trình thông qua mạng xã hội. Điều này đã được lặp lại nhiều lần trên khắp thế giới nhằm tạo ra sự thay đổi chính phủ tại những quốc gia mà Nhà Trắng cho là mối đe dọa đối với sự thống trị của Mỹ.
Washington hàng năm chi ra hàng tỷ USD để tài trợ cho những hành động này thông qua Quỹ Quốc gia vì Dân chủ (NED) – tổ chức đứng đằng sau vô số những cuộc lật đổ trên thế giới bên cạnh CIA, cùng với nhiều quỹ tư nhân khác. Ở Nga, năm 2012 có tổng cộng 650 NGO nước ngoài tại đây, tiêu tốn hàng tỷ USD mỗi năm.
Ly do My tap trung vao cac NGO tai Trung A-Hinh-2
 Các tổ chức phi chính phủ của Mỹ tại Ukraine đứng sau các cuộc "cách mạng" đẫm máu tại đây
Vậy nên, tập trung vào khu vực trước kia là Liên Xô cũ, vài năm trở lại đây các NGO của phương Tây đang hoạt động tại Trung Á. Lợi ích của Mỹ tại khu vực này có thể đến từ nhiều nhân tố, bao gồm nguồn dự trữ tài nguyên lớn cùng với khả năng kiểm soát những nguồn tài nguyên này nếu có được chỗ đứng vững chắc tại đây, chẳng hạn như đất nước đang chìm trong hỗn loạn Afghanistan. Nhưng nhân tố chính đằng sau những ý đồ của Mỹ là khả năng ảnh hưởng đến tiềm năng địa chính trị và sự ổn định của cả châu Á và Nga. Đây là lí do vì sao vùng lãnh thổ ở trung tâm châu Á được các viện chiến lược của Mỹ xem là khu vực có thể giúp đặt ảnh hưởng lên Nga và Trung Quốc, tiến hành chiến tranh chống lại Afghanistan và có thể là cả Iran. Trong trường hợp đó, Mỹ muốn cắt đứt sự ảnh hưởng của Nga tại Trung Á, thông qua các tổ chức quốc tế và phi chính phủ.
Sau khi không thể giành lại vị thế chính trị tại Trung Á sau cuộc cách mạng Hoa Tulip tại Kyrgyzstan năm 2005, dẫn đến việc Nhà Trắng chuyển hướng tập trung sang “cải cách chính trị dân chủ” tại Ukraine và Hong Kong, bộ Ngoại giao Mỹ và Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID) năm 2011 đã cắt giảm đáng kể nguồn ngân sách dành cho các “chương trình” đang diễn ra tại Trung Á, từ 436 triệu xuống 126 triệu USD. Năm 2013, con số này còn giảm xuống 118 triệu USD.
Ly do My tap trung vao cac NGO tai Trung A-Hinh-3
 Khu vực Trung Á có vị trí địa chiến lược thuận lợi.
Tuy nhiên, sau sự tăng cường sức mạnh chính trị và kinh tế của Nga cùng với sự tham gia tích cực của các nước Trung Á trong chương trình Liên minh Hải quan do Nga khởi xướng… Nhà Trắng đã có những thay đổi đáng kể trong chính sách với các nước Trung Á. Vì thế, để “tăng cường tiếp cận với truyền thông tự do khách quan”, USAID đã cấp thêm 3,8 triệu USD cho các NGO tại Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan trong năm 2014.
Cùng thời điểm đó, ông George Soros đã chi đến 80 triệu USD vào “cải cách dân chủ” ở Kyrgyzstan trong suốt 11 năm qua. Chuyến thăm của nhà đầu tư 84 tuổi này đến Kyrgyzstan vào tháng 11/2014 đã thu hút được nhiều sự chú ý của truyền thông, cùng với đó là những sự hỗ trợ đáng kể về mặt tài chính mà ông đã cung cấp cho các NGO trong cuộc “cách mạng” tại Ukraine. Ông đã thể hiện rõ mình là một người mang tư tưởng chống Nga trong một cuộc họp báo tại Brussels khi thúc giục châu Âu phải “tỉnh dậy”. Đây là lý do vì sao chuyến thăm của ông đến Kyrgyzstan được các nhà quan sát quốc tế xem là một sự can thiệp vào tiến trình gia nhập Liên minh Hải quan và sự tiếp cận với Nga của nước này. Vì vậy mà trong suốt chuyến thăm của ông Soros tới đại sứ quán Mỹ tại Afghanistan đã có nhiều cuộc biểu tình nổ ra, buộc các NGO tại nước này không được lấy những “đồng tiền máu”.
Ly do My tap trung vao cac NGO tai Trung A-Hinh-4
 Tỉ phú George Soros, chủ tịch tập đoàn Soros Quantum Fund, là một người Mỹ mang tư tưởng chống Nga.
Hiển nhiên là Washington sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi những lợi ích của nước này tại khu vực Trung Á thông qua các tổ chức phi chính phủ, bằng cách tận dụng mọi cơ hội có thể để tăng cường sự ảnh hưởng đến các vấn đề đối nội của những nước từng thuộc Liên Xô trước kia. Hơn nữa, việc đưa những chính trị gia trung thành với Mỹ lên các vị trí lãnh đạo đất nước cũng là một mục tiêu hàng đầu của Nhà Trắng. Washington cũng sẽ tận dụng các yếu tố tôn giáo để tăng thêm tình trạng bất ổn trên cả khu vực.
Phong Đức (theo TD)

Bình luận(0)