Liên quân Hồi giáo: “Thùng rỗng kêu to”?

Google News

(Kiến Thức) - Việc thành lập Liên quân Hồi giáo chống chủ nghĩa khủng bố là một động thái đáng hoan nghênh, nhưng rất có thể liên minh này chỉ mang tính hình thức.

Một động thái đáng hoan nghênh...
Việc 34 quốc gia Hồi giáo nhất trí thành lập một liên minh quân sự chống khủng bố để làm những gì mà Mỹ và các cường quốc khác từ lâu kêu gọi thế giới Hồi giáo nên làm. Đó là chống cái gọi là Nhà nước Hồi giáo và các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan khác.
Lien quan Hoi giao: “Thung rong keu to”?
Binh sĩ Ả-rập Xê-út.
Việc các nhà lãnh đạo Ả-rập Xê-út công bố việc thành lập Liên quân Hồi giáo bao gồm 34 quốc gia là một điều đúng đắn vì chống lại hệ tư tưởng khủng bố tà ác chính là điều mà các tín đồ Hồi giáo chân chính phải làm. Họ phải là những người chiến đấu và chiến thắng trong cuộc chiến chống “quái thai khủng bố” nhân danh Hồi giáo.
Phát biểu về một "căn bệnh” (khủng bố) đang gây họa cho thế giới Hồi giáo”, Phó Thái tử kế vị kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman nói rằng liên minh mới này cho thấy "thế giới Hồi giáo đang chiến đấu" chống lại hiểm họa của chủ nghĩa khủng bố.
Trong một tuyên bố tán thành việc thành lập Liên minh quân sự Hồi giáo, chính phủ Jordan khẳng định: "Đây là cuộc chiến của chúng ta, cuộc chiến của người Hồi giáo".
...nhưng có nguy cơ trở thành “thùng rỗng kêu to”
Tuy nhiên, việc công bố thành lập liên minh mới và những lời hùng biện xung quanh nó có nguy cơ biến thành một thứ “thùng rỗng kêu to”. Thông báo thành lập Liên quân Hồi giáo có thể được đưa ra nhằm mục đích xoa dịu thế giới sau các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris và San Bernardino. Các vụ tấn công khủng bố này làm dấy lên đòi hỏi những người Hồi giáo chân chính phải đứng lên chống lại các mối đe dọa khủng bố Hồi giáo cực đoan đang ngày gia tăng trên thế giới.
Về chuyện này, nhà ngoại giao Mỹ kỳ cựu chuyên về Trung Đông Aaron David Miller - hiện là phó chủ tịch của Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson ở Washington – nhận định: "Ả-rập Xê-út đang chịu rất nhiều áp lực vì những gì họ đã làm ở Yemen, vì những cáo buộc Riyadh đang truyền bá tư tưởng Wahhabi (thánh chiến) và vì những gì mà họ không làm trong liên quân chống IS do Mỹ cầm đầu ở Syria và Iraq. Vì vậy, tôi có thể thấy rằng điều này (việc công bố thành lập Liên quân Hồi giáo chống khủng bố) sẽ có một số giá trị tuyên truyền”. Ông Miller nói thêm: "Chúng ta đã có một liên minh gồm 65 quốc gia tham gia vào cuộc chiến để đánh bại ISIS và chỉ có một nửa tá trong số 65 nước nói trên tham gia trên thực tế. Vì vậy, tôi cho liên minh gồm 34 quốc gia Hồi giáo rất đa dạng này sẽ chỉ có giá trị tượng trưng”.
Thông báo thành lập Liên minh quân sự Hồi giáo có thể trở thành một thứ “thùng rỗng kêu to”,  nếu các quốc gia Hồi giáo - và đặc biệt là các quốc gia do người Hồi giáo Sunni chi phối như Ả-rập Xê-út - không thể giải quyết những mâu thuẫn đã mở ra cánh cửa cho các nhóm khủng bố cực đoan như Nhà nước Hồi giáo (IS) ùa vào Trung Đông.
"Khoảng trống quyền lực" nảy sinh khủng bố
Nhà phân tích Farea al-Muslimi - một chuyên gia về vùng Vịnh và  Yemen tại Trung tâm Carnegie Endowment tại Beirut – nói: "Tôi nghĩ rằng liên minh mới này chỉ có ý nghĩa biểu tượng... Đó chính là phản ứng trước những lời chỉ trích quốc tế rằng Ả-rập Xê-út đã  không làm gì đủ để ngăn chặn ISIS”.
Ông al-Muslimi cho rằng Nhà nước Hồi giáo (IS) và các nhóm khủng bố khác như Al Qaeda  phát triển mạnh khi các cuộc xung đột ở Yemen, Syria và Libya đã tạo ra "khoảng trống quyền lực" và những vùng lãnh thổ không có người cai quản.
Theo nhà phân tích Muslimi, trong một số trường hợp, các nước Hồi giáo đã tiếp tay cho các nhóm giống như IS. Ví dụ, chín tháng can thiệp quân sự của Ả-rập Xê-út vào Yemen đã mở đường cho phiến quân IS mở rộng lãnh thổ ở phía nam nước này. Ông khẳng định nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo đã đắc lợi từ tình trạng hỗn loạn và tan vỡ các cơ quan chính phủ ở một nước nghèo như Yemen.
Liên quân Hồi giáo “đón lõng” chuyển biến chính trị ở Syria?
Khi công bố “Liên minh quân sự Hồi giáo”, các nhà lãnh đạo Ả-rập Xê-út đã đưa ra một vài chi tiết cụ thể về những gì mà liên minh này sẽ làm. Nhưng có một số dấu hiệu cho thấy họ cũng hiểu rõ rằng xung đột trong các nước Hồi giáo đã cho phép các tổ chức khủng bố như IS sinh sôi nảy nở.
Tại một cuộc họp báo ở Paris, Ngoại trưởng Ả-rập Xê-út Adel al-Jubeir viện dẫn trường hợp Libya, nơi các phe phái chính trị đã đẩy đất nước này vào nội chiến. Tình trạng hỗn loạn này đã  cho phép các chiến binh liên kết với IS thành lập cứ địa tại thành phố Sirte trên bờ Địa Trung Hải. Theo các chuyên gia chống khủng bố, Sirte chính là cơ sở quan trọng thứ hai của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo, sau “thủ đô” Raqqa ở Syria.
Ngoại trưởng Jubeir nói rằng "các nước cần được giúp đỡ" trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố có thể yêu cầu sự hỗ trợ từ Liên minh quân sự Hồi giáo. Ông nói thêm rằng các nước láng giềng của Libya, nơi tranh giành quyền lực cho phép IS để phát triển mạnh, cũng có thể thành lập liên minh mới.
Liên minh quân sự Hồi giáo có trụ sở tại Riyadh, nơi các nước thành viên sẽ chia sẻ thông tin và chuẩn bị “sứ mạng giúp đỡ" mà các nước đó quyết định thực hiện. Một nhiệm vụ thứ hai của liên minh là tập trung đấu tranh về ý thức hệ với hệ thống tuyên truyền của các nhóm như IS.
Có lẽ, những đánh giá lạc quan nhất về Liên minh quân sự Hồi giáo là liên minh này sẽ giữ vai trò trang trí cho lực lượng gìn giữ hòa bình mà cuối cùng sẽ là cần thiết như một phần của một hiệp định hòa bình toàn diện và quá trình chuyển đổi chính trị ở Syria.
Bộ trưởng Quốc phòng Ả-rập Xê-út Salman đã ám chỉ khả năng này trong một cuộc họp báo tại Riyadh, khi nói rằng bất kỳ vai trò nào của Liên minh quân sự Hồi giáo ở Syria hay Iraq đều sẽ liên quan đến việc "phối hợp với các nước lớn và các tổ chức quốc tế”.
Mỹ, Nga và các cường quốc khác đang cố gắng đạt được một hiệp định ngừng bắn và kế hoạch chuyển tiếp chính trị nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm ở Syria. Ngoại trưởng John Kerry đã đến Moscow để hội kiến Tổng thống Vladimir Putin trong ngày 15/12 và đã đạt được thỏa thuận về việc tiến hành đàm phán về Syria tại New York vào ngày 18/12 tới.
Nhà phân tích Muslimi cho rằng việc các nước Hồi giáo cam kết chống chủ nghĩa khủng bố là một động thái đáng được hoan nghênh, nhưng để đánh bại IS, Al Qaeda và các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan khác sẽ đòi hỏi phải chấm dứt các cuộc chiến tranh phe phái vốn làm nảy sinh các nhóm khủng bố cực đoan.
Minh Châu (Theo CSM)

Bình luận(0)