Học thuyết quân sự Nga không đe dọa phương Tây

Google News

(Kiến Thức) - Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov ngày 11/4 khẳng định rằng học thuyết quân sự mới của Nga không đe dọa  các nước phương Tây.

Theo Thứ trưởng Anatoly Antonov, học thuyết quân sự Nga thích nghi với những thay đổi trên thế giới kể từ năm 2010. Học thuyết này  giúp phân tích rõ “cách mạng sắc màu”, cuộc xung đột ở Ukraine, hoạt động của nhóm Nhà nước Hồi giáo cực đoan và nhiều vấn đề toàn cầu khác.
Hoc thuyet quan su Nga khong de doa phuong Tay
Thứ trưởng Quốc phòng Anatoly Antonov: Học thuyết quân sự mới của Nga không đe dọa các nước phương Tây. 
Trả lời phỏng vấn của  RIA Novosti, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov tự đặt câu hỏi và trả lời: “Với đặc điểm trên, làm sao mà người ta có thể nói học thuyết quân sự này đe dọa các nước phương Tây? Chắc chắn là không”.
Ông Antonov cho biết một trong những lý do dẫn đến việc Nga sửa đổi học thuyết quân sự là do Mỹ mưu toan thao túng các vấn đề quốc tế và các nước phương Tây có ý định đặt các nước Ả Rập trong vòng ảnh hưởng của họ.
Thứ trưởng Antonov cho biết học thuyết quân sự mới của Nga là một văn kiện được soạn thảo kỹ lưỡng đến từng chi tiết, nhấn mạnh tính chất phòng thủ và đề ra các bước cần thiết để duy trì hòa bình trên toàn thế giới.
Ngăn chặn xung đột theo luật pháp quốc tế
Học thuyết quân sự sửa đổi được Tổng thống Vladimir Putin phê duyệt vào cuối năm 2014 tập trung vào hành động của nước Nga trong việc ngăn chặn và phòng ngừa các cuộc xung đột quân sự.  Những hành động đó được tiến hành phù hợp với các chuẩn mực của luật pháp quốc tế và các điều ước quốc tế mà Liên bang Nga đã ký kết.
Thứ trưởng Quốc phòng Anatoly Antonov khẳng định rằng tránh để xảy ra chiến tranh hạt nhân cũng như bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào khác là cốt lõi của học thuyết quân sự Nga. Ông nói tiếp: “Học thuyết quân sự mới của Nga chú ý nhiều đến các vấn đề hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tăng cường an ninh quốc tế”. Theo ông, sự hợp tác được đề ra trong học thuyết này bao gồm cả việc tăng cường Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) và tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE ) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) cũng như tăng cường quan hệ song phương với Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Học thuyết quân sự  sửa đổi của Nga được phê duyệt năm 2014 giữ lại hầu hết các điều khoản của  học thuyết quân sự năm 2010. Các điều khoản mới trong học thuyết quân sự năm 2014 bao gồm việc đảm bảo lợi ích của Nga ở Bắc Cực và thiết lập quan hệ đồng minh với Abkhazia và Nam Ossetia. Học thuyết này cũng xác định hoạt động của các công ty quân sự tư nhân nước ngoài gần biên giới Liên bang Nga là một mối đe dọa bên ngoài.
Học thuyết mới coi việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào các mục đích quân sự- chính trị là một trong những mối đe dọa bên ngoài đối với Nga.  Mối đe dọa hàng đầu trong danh sách các mối đe dọa là việc NATO tăng cường hiện diện quân sự sát biên giới Nga.
Minh Châu (Theo Sputnik)

>> xem thêm

Bình luận(0)