Dân số lão hóa, quả “bom nổ chậm” ở Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Tình trạng lực lượng lao động giảm sút đang đe dọa nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và Trung Quốc “sẽ già đi trước khi giàu có”.

 Dân số Trung Quốc đang bị già hóa trông thấy.

Trong 35 năm qua, nguồn lao động dồi dào giá rẻ là một lợi thế to lớn để Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Hiện thời, hậu quả tiêu cực của chính sách “mỗi gia đình chỉ sinh một con” đã bắt đầu bộc lộ rõ rệt. Dân số Trung Quốc đang bị già hóa trông thấy. Số liệu thống kê cho thấy số người ở độ tuổi từ 15-59 đã giảm 3,45 triệu người trong năm 2012, giảm lần đầu tiên kể từ năm 1963, khi 10 triệu người thiệt mạng do nạn đói do kế hoạch “Đại nhảy vọt”.

Nhà nghiên cứu Wang Guangzhou, thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS),  dự kiến số người ở độ tuổi từ 15-64 sẽ giảm khoảng 40 triệu người trong giai đoạn từ năm 2014-2030. Chuyên gia Li Jun, cũng thuộc CASS, nhận định tình trạng dân số già hóa sẽ diễn ra rất nhanh chóng tại Trung Quốc, với tỷ lệ người trên 65 tuổi dự kiến tăng gấp đôi từ 7% lên 14% chỉ trong vòng 26 năm.

 Kim tự tháp dân số "ngọn to hơn gốc" ở Trung Quốc.

Thực trạng nói trên không chỉ khiến số người trong độ tuổi lao động giảm đi, chi phí nhân công gia tăng, mà lĩnh vực đầu tư, một trong những động lực chủ chốt cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, sẽ gặp khó khăn trong bối cảnh các gia đình tiết kiệm nhiều hơn để lo liệu tuổi già. Hiện Trung Quốc cũng chưa có sự chuẩn bị về mặt ngân sách về hệ thống an sinh xã hội để gánh vác trách nhiệm nặng nề trong chăm sóc người cao tuổi đang ngày càng gia tăng.

Mặc dù Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, song thu nhập bình quân tính trên đầu người tại nước này vẫn ở rất thấp so với Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác. Nhiều cuộc tranh chấp đã nổ ra trong thời gian gần đây, khi người lao động muốn tăng lương và cải thiện điều kiện lao động. Trước tình hình này, nhiều tập đoàn đa quốc gia muốn chuyển nhà máy đến các nước đang phát triển khác có chi phí nhân công rẻ hơn.

Theo kết quả khảo sát 514 nhà chế tạo Nhật Bản do Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tiến hành hồi năm ngoái, số doanh nghiệp bỏ phiếu bình chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tư nước ngoài hấp dẫn hàng đầu đã giảm hơn 10% trong năm 2011.

Các nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế. Nhà kinh tế Yao Wei thuộc Societe Generale chi nhánh Hong Kong kết luận: "Thời kỳ vàng son của ngành chế tạo, đặc biệt là sự phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, đã kết thúc”.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:


Văn Bình

Bình luận(0)