Châu Á sẽ có thị trường chung vào năm 2015?

Google News

(Kiến Thức) - Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 22, vừa kết thúc tại thủ đô Bandar Seri Begawan, đã đề những mục tiêu đầy tham vọng.

Tiến tới thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Đến cuối năm 2015, 10 quốc gia thành viên ASEAN với tổng dân số 600 triệu người sẽ  thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN theo mô hình tương tự như Liên minh châu Âu. Nghị quyết đã được thông qua tại Hội nghị cấp cao Brunei nêu rõ rằng hơn ¾ khối lượng công việc về việc thiết lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã được hoàn thành. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ còn đầy rẫy khó khăn, trở ngại.

Phụ trách Trung tâm ASEAN tại MGIMO Victor Sumy nhận xét: “Vấn đề tự do hóa thương mại các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là gạo vẫn còn là một vấn đề đặc biệt nan giải. Vấn đề khó khăn này có thể vẫn không có câu trả lời cho đến tận ngày 31/12/2015. Tuy nhiên với một số ngoại lệ, Cộng đồng Kinh tế ASEAN cho đến thời điểm này có thể vẫn sẽ được thành lập”.

Theo Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, những vấn đề nan giải khác trong việc thiết lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN còn là sự thống nhất trong các quy định về an toàn kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh và nhiều quy định khác. Nhưng tất cả những khó khăn này cần phải được vượt qua, bởi việc thành lập một thị trường chung trao đổi hàng hóa, dịch vụ và sức lao động… là hết sức cần thiết đối với ASEAN.

Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định: “Nếu các quốc gia ASEAN không thiết lập một Cộng đồng Kinh tế hoạt động có hiệu quả, sự quan tâm chú ý của các nhà đầu tư từ các nước phát triển sẽ tập trung vào Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc”.

Hội nghị cấp cao ASEAN ở Bandar Seri Begawan cũng thông báo rằng vào ngày 9/5/2013,  10 nước thành viên ASEAN sẽ cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand sẽ bắt đầu đàm phán về việc thành lập trong khu vực châu Á Thái Bình Dương cơ chế quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

 RCEP sẽ trở thành khối thương mại lớn nhất thế giới.

RCEP sẽ trở thành khối thương mại lớn nhất thế giới, đại diện cho một phần ba kinh tế toàn cầu và gần một nửa dân số thế giới. Các chuyên gia xem khối này như một đối trọng đáng kể đối với Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương do Mỹ khởi xướng (TPP). Trong TTP sẽ có sự tham gia của một số quốc gia có trong thành phần của RCEP nhưng không có Trung Quốc. RCEP dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm 2015, cùng với việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:




Văn Bình (theo VOR)

Bình luận(0)