Biển Đông thử thách “Con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Phản ứng của Bắc Kinh trước phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng tài La Haye sẽ tác động rất mạnh đến sáng kiến “Con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc.

Đó là nhận định của Tiến sĩ Christine Guluzian, một nhà nghiên cứu khách mời của Viện Cato, trong bài viết đăng trên trang mạng The National Interest ngày 16/8/2016.
Bien Dong thu thach “Con duong to lua moi” cua Trung Quoc
Căng thẳng Biển Đông đe dọa "Con đường tơ lụa" Trung Quốc. Ảnh The National Interest 
Đề xuất “Một vành đai, một con đường” (OBOR) mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2013 là một mạng lưới thương mại và cơ sở hạ tầng - bao gồm “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” và “Con đường tơ lụa trên biển” - kết nối Trung Quốc với các nước ở Châu Á, Châu Phi , Trung Đông và Châu Âu. Sáng kiến này có ý nghĩa quan trọng đối với mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia và khu vực của Trung Quốc.
Do tầm quan trọng của dự án “Một vành đai, một con đường” (còn được gọi là “Con đường tơ lụa mới”) đối với Trung Quốc, Bắc Kinh cần phản ứng thận trọng trước phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài ở La Haye. Phán quyết này được xem như một phép thử về cách xử lý các tranh chấp tiềm năng trong tương lai.
Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài ở La Haye ra phán quyết có lợi của Philippines trong tranh chấp hàng hải với Trung Quốc và bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh đối với Biển Đông. Tòa Trọng tài khẳng định rằng phán quyết này có tính ràng buộc đối với Trung Quốc vốn là một bên ký kết Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Trong khi đó, Trung Quốc đã bác bỏ thẩm quyền của Tòa Trọng tài và tuyên bố sẽ không chấp nhận và cũng không tham gia vụ kiện Biển Đông của Philippines.
Trong khi Trung Quốc quyết định phải làm gì tiếp theo, một số nước thấp thỏm chờ đợi.
Các nước tham gia dự án “Con đường tơ lụa mới” sẽ chăm chú quan sát động thái tiếp theo của Trung Quốc. Việc thực thi sáng kiến “Con đường tơ lụa mới” sẽ đòi hỏi sự hiện diện ở một số nước, trên một số châu lục và kết nối với các cơ quan quốc tế khác nhau. Biển Đông chính là một tuyến đường vận chuyển lớn và sẽ kết hợp các phân đoạn của “Con đường tơ lụa trên biển”. Các đối tác thương mại của Trung Quốc có thể ngại tham gia một thỏa thuận phức tạp như OBOR, với một đối tác không tuân theo phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế.
Giám đốc Chương trình "Một vành đai, một con đường” của Đại học Oxford, giáo sư Denis Galligan, nhấn mạnh rằng "một cam kết xuyên biên giới lớn như OBOR sẽ đòi hỏi cấu trúc pháp lý có thể xử lý được các vấn đề phức tạp từ thương mại quốc tế, tài chính, đầu tư, ngân hàng, chứng khoán, hàng hải và vận tải, cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng và giải quyết tranh chấp”.
Trong hầu hết các trường hợp xảy ra tranh chấp, các bên cần nhờ đến Tòa Trọng tài quốc tế phân xử. Trong bối cảnh đó, các bên tham gia OBOR đều muốn Trung Quốc đảm bảo sẽ tuân thủ phán quyết của trọng tài. Ngoài ra, vì sáng kiến OBOR một dự án dài hạn ước tính phải mất khoảng 40 năm để hoàn tất, đảm bảo của Trung Quốc thông qua các hợp đồng và thỏa thuận sẽ có trọng lượng lớn đối với tất cả các bên hữu quan.
Với danh tiếng nhà nước pháp quyền đang bị đe dọa, phản ứng hiện thời của Trung Quốc trước phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài xem ra là khá thiển cận.
Việc phớt lờ các phán quyết của tòa án hoàn toàn có thể dẫn đến nghi ngờ, leo thang tranh chấp và khiến cho các bên khác không muốn tham gia dự án OBOR. Mặt khác, việc công nhận sự bất khả xâm phạm của các hiệp định quốc tế sẽ giúp Trung Quốc phát triển các cơ hội thương mại và đầu tư.
Theo Tiến sĩ Christine Guluzian, phản ứng của Bắc Kinh đối với phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài ở La Haye là một phép thử, một cơ hội để chứng minh rằng Trung Quốc có là một đối tác đáng tin cậy trong dự án “Con đường tơ lụa mới”, một đối tác cam kết đặt chính sách "đôi bên cùng thắng” trên nền tảng của sự tuân thủ các quy định của pháp luật hay không.
Có một điều bất di bất dịch là thương mại đòi hỏi sự tin tưởng và sự tin tưởng lại được xây dựng trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật.
Minh Châu (Theo National Interest)

Bình luận(0)