ASEAN chờ đợi phán quyết PCA về vụ kiện Biển Đông

Google News

Bất kể theo hướng nào, phán quyết PCA về vụ kiện Biển Đông đều gây ra những biến động lớn trong ASEAN và quan hệ ASEAN-Trung Quốc.

Nhận định trên được học giả Kavi Chongkittavorn, thuộc viện Nghiên cứu Chiến lược và vấn đề Quốc tế thuộc Đại học Chulalongkorn Thái Lan đưa ra ngay trước thời điểm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông.
ASEAN cho doi phan quyet PCA ve vu kien Bien Dong
Học giả Kavi Chongkittavorn, thuộc viện Nghiên cứu Chiến lược và vấn đề Quốc tế thuộc Đại học Chulalongkorn Thái Lan trả lời phỏng vấn VOV. 
Nhân dịp này, PV VOV đã có cuộc trao đổi với ông Kavi về tác động của phán quyết PCA với các nước có liên quan đến vụ kiện Biển Đông riêng và toàn bộ các quốc gia thành viên ASEAN nói chung.
PV: Thưa ông, phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ảnh hưởng thế nào đến việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông? Ông có thể dự đoán kết quả của phán quyết?
Ông Kavi: Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực có vai trò rất lớn đối với vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, vì chính phán quyết này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các biện pháp trong giải quyết tranh chấp giữa các nước có mâu thuẫn tại Biển Đông dựa trên pháp luật quốc tế. Đây được cho là một yếu tố quan trọng, một hướng đi mới trong việc tuân thủ pháp luật quốc tế trong giải quyết tranh chấp
Dù rất khó có thể phán đoán được phán quyết của PCA sẽ như thế nào nhưng, theo tôi thì Tòa Trọng tài Thường trực sẽ phải nghiên cứu thực trạng tại khu vực tranh chấp và việc phán quyết sẽ hoàn toàn không nghiêng về hướng nào mà chỉ dựa trên thực tế thực trạng của vấn đề hiện nay ở Biển Đông.
Trước đó, có rất nhiều nguồn tin được phát tán rằng phán quyết của tòa Trọng tài Thường trực sẽ gây nhiều điều bất lợi cho Trung Quốc, tuy nhiên đây chỉ là những phán đoán, tất cả phải chờ đợi một phán quyết chính thức từ phía tòa.
Thứ hai, toàn thể khối ASEAN đang trông đợi quyết định này. Tại thời điểm hiện tại, khối chưa thể đưa ra tuyên bố chung. Tuy nhiên, khối sẽ có phản ứng lại quyết định của Tòa Trọng tài Thường trực sau khi các Bộ trưởng Ngoại giao tổ chức cuộc họp thường niên cuối tháng này.
PV: Vậy ông nghĩ thế nào về vai trò của ASEAN, phán quyết của PCA liệu có phải là liều thuốc thử cho tính đoàn kết và thống nhất của ASEAN hay không?
Ông Kavi: Sau quyết định này, ASEAN vẫn giữ vị trí quan trọng trong việc thực hiện Luật Biển, đồng thời khuyến khích các bên liên quan thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ký kết năm 2002. Bước quan trọng tiếp theo, ASEAN cần nỗ lực hơn để thúc đẩy các bên thực hiện Bộ quy tắc ứng xử (COC).
Lúc đầu, ASEAN cũng đã có hướng sẽ đưa ra quan điểm của mình trước vấn đề này, tuy nhiên theo tôi thì ASEAN sẽ không làm thế nữa cho đến khi có phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực.
Hơn nữa, hiện nay Thủ tướng Campuchia Hunsen đã đứng ra tuyên bố không ủng hộ phán quyết này ở Biển Đông. Do đó, rất có thể ASEAN sẽ ra thông báo chung về vấn đề Biển Đông trong cuộc họp thường niên của ASEAN diễn ra vào cuối tháng 7/2016 tới đây tại thủ đô Vientiane (Lào).
Thông báo chung này rất có thể sẽ là quan điểm của ASEAN trên tất cả các vấn đề liên quan đến Biển Đông chứ không chỉ là về vấn đề phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về vụ kiện mà Philippines kiện Trung Quốc.
PV: Thái Lan sẽ phản ứng như nào?
Ông Kavi: Hiện tại, Thái Lan vẫn chưa quyết định rõ ràng vị trí của mình nhưng Thái Lan ủng hộ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển cũng như vai trò của ASEAN.
Trước đây, Thái Lan từng là điều phối viên ASEAN–Trung Quốc, do đó Thái Lan sẽ không nghiêng về bất cứ một phía nào trong tranh chấp ở Biển Đông vì Thái Lan không có tranh chấp trong vấn đề Biển Đông.
Là một trong những nước đầu tiên trong việc thành lập ASEAN nên Thái Lan sẽ sẵn sàng ủng hộ quan điểm của nước Chủ tịch ASEAN trong lần này trước những vấn đề của ASEAN.
PV: Thái độ của Mỹ và các nước lớn trên thế giới có ý nghĩa như thế nào?
Ông Kavi: Mỹ có quan điểm rất rõ ràng trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Mỹ khuyến khích trong 2 vấn đề chính ở Biển Đông, thứ nhất, Mỹ ủng hộ việc tiến hành xây dựng một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông nhằm giải quyết các vấn đề mâu thuẫn ở Biển Đông.
Thứ hai, Mỹ khuyến khích việc gìn giữ sự ổn định, hòa bình trong khu vực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất và công bằng nhất trong giao thông đường biển tại khu vực này.
PV: Quyết định của PCA có ảnh hưởng đến quan hệ giữa khối ASEAN và Trung Quốc hay không?
Ông Kavi: Hiện tại, tình hình biển Đông trở nên phức tạp hơn vì nó liên quan đến nhiều vấn đề, bao gồm tự do hàng hải, an toàn trên biển, nhưng tôi nghĩ, khối ASEAN còn phải bận tâm hơn đến mối quan hệ với Trung Quốc.
Biển Đông vẫn là vấn đề chủ chốt trong mối quan hệ hai bên. Trong tương lai, ASEAN có thể chứng kiến quá trình đưa ra tuyên bố chung về Biển Đông. Nhưng hiện tại, điều này khó xảy ra.
Năm nay, ASEAN và Trung Quốc kỷ niệm 25 năm hợp tác đối thoại. Vì thế, bắt đầu từ bây giờ, cả hai đều muốn thỏa thuận các điều khoản hợp tác cho 25 năm tiếp theo. Điều này cũng không dễ dàng.
25 năm trước, mối quan hệ ASEAN–Trung Quốc khá hòa hảo nhưng ngày nay, tình hình đã thay đổi. Vì thế, hai bên cần có thỏa thuận mới. Tính từ thời điểm hiện tại đến khi hội nghị diễn ra vào tháng 9 tại Vientiane, hai bên chỉ còn 88 ngày để đưa ra thỏa thuận mới. Hiện tại, họ vẫn thảo luận về những việc cần làm để duy trì quan hệ hợp tác.
PV: Theo ông, Trung Quốc và Philippines sẽ phản ứng như thế nào sau vụ việc, nếu như phán quyết bất lợi cho họ?
Ông Kavi: Thật khó để dự đoán Trung Quốc sẽ làm gì. Trung Quốc vẫn từ chối chấp nhận bất cứ quyết định nào nhưng sau đó, họ sẽ tận dụng cơ hội để đàm phán những gì có lợi cho họ.
Về Philippines, tôi cho rằng, phản ứng của họ sẽ linh hoạt hơn. Nước này vừa bầu Tổng thống mới. Ông Rodrigo Duterte cho biết, Philippines vẫn muốn duy trì quan hệ song phương với Trung Quốc.
Đây có thể là một yếu tố tốt cho sự vững mạnh hơn của ASEAN trước những mâu thuẫn trên Biển Đông vì từ trước đến nay Philippines đều tách mình ra đứng riêng biệt trong vấn đề Biển Đông.
Nếu Philipines cùng vào chung đi cùng ASEAN trong vấn đề này thì ASEAN sẽ càng vững mạnh và sẽ khó hơn rất nhiều nếu như bất kỳ một nước nào đó muốn chia rẽ ASEAN.
Theo VOV

Bình luận(0)