“Tái chiếm” Senkaku bắt đầu ở…California

Google News

(Kiến Thức) - Chiến hạm, máy bay trực thăng, các đơn vị lính thủy đánh bộ Nhật Bản và Mỹ đang tập luyện "giải phóng" quần đảo Senkaku bị Trung Quốc "đánh chiếm".

 Mỹ-Nhật tập trận "tái chiếm" đảo.

Có điều, hoạt động này không diễn ra trên Biển Hoa Đông mà là ở bờ biển phía Tây nước Mỹ, thuộc bang California. Ở đây bắt đầu cuộc tập trận Nhật-Mỹ để hoạch định các phương án bảo vệ quần đảo. Tuy nhiên, tất cả những bận rộn náo nhiệt cùng với bắn đạn thật và đổ bộ quân dù, có lẽ sẽ không đưa lại cho Nhật Bản những kết quả mà các chính khách và chuyên viên quân sự của nước này trông đợi.

Vì sao Nhật Bản tập luyện các phương án “giải phóng” Senkaku?

Cuộc thao diễn được thực hiện theo yêu cầu của phía Nhật Bản, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng ráo riết đòi lấy lại quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Đã gần một năm nay trong vùng biển xung quanh Senkaku thường xuyên xuất hiện các tàu đánh cá của Trung Quốc và Đài Loan và để xua đuổi họ, các tàu tuần duyên Nhật Bản thậm chí đã phải sử dụng vòi rồng phun nước.

 Đụng độ trên biển sẽ không chỉ giới hạn bằng súng phun nước.

Tại Tokyo, dường như người ta đang e ngại rằng diễn biến tình hình sẽ không chỉ giới hạn bằng súng phun nước. Vì thế, Nhật Bản đã yêu cầu thủy quân lục chiến Mỹ chia sẻ kinh nghiệm về giải phóng vùng lãnh thổ bị đối phương chiếm giữ. Trong đó rõ ràng các tướng lĩnh Nhật Bản ấp ủ niềm hy vọng thầm kín là sẽ không phải áp dụng những kinh nghiệm đó, bởi Trung Quốc sẽ nhụt bớt trước quyết tâm chung của các đồng minh Nhật-Mỹ bảo tồn Senkaku và từ bỏ kế hoạch dùng vũ lực lấy lại Điếu Ngư/Senkaku.

Tuy nhiên hiện thời dường như Trung Quốc chẳng hề chùn bước. Từ Bắc Kinh vẫn tiếp tục vang lên những tuyên bố cứng rắn về việc sẵn sàng khôi phục sự công bằng lịch sử, tức là thu hồi Điếu Ngư.

Liệu Tokyo có tin vào những tuyên cáo này không? Hẳn là có. Vì vậy mới đề nghị người Mỹ cùng tiến hành cuộc tập trận chung.

Liệu Mỹ có giúp Nhật đẩy lùi các cuộc tấn công của Trung Quốc?

Câu hỏi khác là, vậy ở Tokyo có chắc chắn rằng, trong trường hợp phát sinh thực tế Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Senkaku, thì Mỹ có dành cho Nhật Bản sự trợ giúp quân sự đẩy lùi cuộc tấn công của Trung Quốc?

Về điều này, người Nhật vẫn băn khoăn vì một số ngờ vực.

Tập trận là một chuyện, nhưng Mỹ đánh nhau vì Nhật Bản ở Biển Hoa Đông lại là chuyện khác.

Đương nhiên, Washington gắn bó với Tokyo bởi những thỏa thuận an ninh và theo đó người Mỹ có trách nhiệm giúp bảo vệ người Nhật nếu lãnh thổ của đất nước này bị xâm lược. Thế nhưng người Mỹ có cho rằng Senkaku là lãnh thổ của Nhật Bản hay không? Trên thực tế, Hoa Kỳ chỉ thừa nhận rằng Senkaku đang do Nhật Bản quản lý, chứ chưa bao giờ phát biểu ý kiến rõ ràng nhất quán để ủng hộ lập trường của Nhật Bản trong vấn đề này. Quần đảo Senkaku nằm trong số những vùng lãnh thổ mà Nhật Bản bị mất như là kết quả bại trận trong Thế chiến II. Và người Mỹ đã buộc phải trao quần đảo cho đồng minh Nhật Bản, khi Washington đối mặt với nguy cơ chủ nghĩa cộng sản thắng thế ở Châu Á.

Hiện nay một lần nữa gia tăng vai trò của Nhật Bản như một đồng minh của Mỹ trong chiến lược của Washington nhằm kiềm chế Trung Quốc. Nhưng đối với Mỹ, Trung Quốc không chỉ là đối thủ, mà còn là đối tác kinh tế lớn nhất. Kinh tế hai nước ràng buộc chặt với nhau đến mức sự đổ vỡ nào cũng sẽ thành thảm họa cho cả đôi bên. Vì vậy khó có khả năng người Mỹ dự phần vào cuộc ẩu đả với người Trung Quốc vì những hòn đảo không người ở Senkaku. Mà cả Trung Quốc chắc cũng không mạo hiểm phá vỡ quan hệ với Mỹ chỉ vì mấy vách đá hoang. Có lẽ, hai nước đều chọn phương án tiếp tục hợp tác.

Mỹ trục lợi, Nhật Bản thua thiệt

Mỹ không thể ngăn chặn sự tồn tại của cuộc tranh chấp của Trung Quốc và Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tranh chấp lãnh thổ đã gây ra những thiệt hại đáng kể cho quan hệ hợp tác Nhật-Trung. Trong khi đó tranh chấp chủ quyền lãnh thổ tại khu vực Đông Á chỉ có lợi cho người Mỹ. Những yêu sách của Trung Quốc với các đảo ở Biển Hoa Đông và Biển Đông lại là nguyên cớ thúc đẩy các đối thủ có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh xích gần lại Mỹ và buộc phải bỏ không ít tiền ra để mua vũ khí Mỹ, tham gia vào những liên minh chính trị và kinh tế khu vực mà người Mỹ vận động, có định hướng chống Trung Quốc. Khó nghĩ ra chiêu thức nào khôn ngoan hơn: gây áp lực với Trung Quốc bằng lực lượng thống nhất của liên minh các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh. Và cùng lúc vẫn đều đều thu nhận lợi ích từ hợp tác kinh tế với Trung Quốc.

 Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhìn từ trên máy bay.

Khó khẳng định trước là người Mỹ sẽ thành công trong cuộc chiến mưu mô này. Nhưng rõ ràng là Nhật Bản và các nước láng giềng khác của Trung Quốc mà người Mỹ lôi cuốn vào cuộc chơi chống Trung Quốc sẽ chịu thua thiệt. Bằng chứng nhãn tiền là kinh tế Nhật Bản đã thiệt hại và dần đánh mất một thị trường khổng lồ ở Trung Quốc.

TIN LIÊN QUAN:

ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Văn Bình (theo VOR)

Bình luận(0)