Trung Quốc đang “nắn gân” Mỹ-Nhật Bản

Google News

(Kiến Thức) - Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Nhật Bản - một đồng minh quan trọng của Mỹ - đang trở thành một “ngòi nổ” nguy hiểm nhất khu vực Đông Á.

 Tuần duyên Nhật Bản quần nhau với Hải giám Trung Quốc ở vùng biển Senkaku/Điếu Ngư.

Cách đây gần một năm, cuộc đối đầu Trung Quốc-Philippines ở bãi đá ngầm Scarborough ở Biển Đông đã gióng hồi chuông báo động về việc Bắc Kinh có thể thôn tính trung tâm hàng hải của khu vực Đông Nam Á.

Ngày nay, tranh chấp đó vẫn còn “sủi tăm”, nhưng trọng tâm tranh cãi giữa Trung Quốc và các nước láng giềng đã chuyển đến Biển Hoa Đông - nơi tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku đang “sôi lên sùng sục”.

Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Nhật Bản, một đồng minh quan trọng của Mỹ, đã trở thành một “ngòi nổ” nguy hiểm nhất khu vực Đông Á. Bắc Kinh lý giải rằng Trung Quốc đã bị khiêu khích và phải trả đũa mạnh mẽ sau khi chính phủ Nhật Bản của Thủ tướng Yoshihiko Noda đã mua 3 trong số 5 hòn đảo không có người ở trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp từ một chủ sở hữu tư nhân Nhật Bản hồi tháng 9/2012.

Trước đó, chính phủ Nhật Bản đã thuê ba hòn đảo nói trên, nhưng tránh đưa người đến hoặc xây dựng trên đảo vì không muốn gây sự với Trung Quốc. Tuy nhiên, việc duy trì nguyên trạng của 3 hòn đảo nói trên đã bị Thống đốc Tokyo Shintaro Ishihara phá hoại, khi ông này tính chuyện mua đảo để xây dựng các cơ sở đánh bắt và chế biến hải sản ở đó. Tranh chấp gia tăng giữa hai nền kinh tế hàng đầu của châu Á nhằm kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã giúp một chính phủ bảo thủ dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền hồi tháng 12/2012, với cam kết tăng cường kinh tế và quốc phòng của Nhật Bản.

Kể từ khi Nhật Bản “quốc hữu hóa” 3 hòn đảo nói trên, Trung Quốc đã tìm cách tô vẽ Nhật Bản là một mối đe dọa đối với khu vực, có ý định phục hồi chủ nghĩa quân phiệt từng xâm chiếm phần lớn châu Á trước và trong Chiến tranh thế giới thứ II.

Tuy nhiên, các khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông rõ ràng có giá trị gấp bội về thủy sản, năng lượng và tài nguyên khoáng sản so với các khu vực ở Biển Hoa Đông mà Trung Quốc đang tranh chấp với Nhật Bản.

Yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông cũng lớn gấp bội so với yêu sách của nước này ở Biển Hoa Đông. Các vùng biển đảo tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản chỉ rộng có 68.000 km2, trong khi Bắc Kinh lại tuyên bố chủ quyền khoảng 3 triệu km2, chiếm gần 80% diện tích Biển Đông và tương đương với diện tích đất liền của Ấn Độ (3,3 triệu km2). Giá trị thương mại và chiến lược của Biển Đông cũng lớn gấp bội so với giá trị của quần đảo Senkaku và vùng biển xung quanh.

Vậy thì tại sao Trung Quốc lại “bỏ mềm, nắn rắn”, làm to chuyện tranh chấp biển đảo với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông?

Rõ ràng, Trung Quốc muốn “nắn gân” Nhật Bản và Mỹ vào thời điểm hai nước này đang vấp phải nhiều khó khăn kinh tế-chính trị. Ban lãnh đạo ở Bắc Kinh biết rằng nếu có thể “làm tới” ở Biển Hoa Đông trước hai cường quốc như Mỹ và Nhật Bản, họ sẽ dễ dàng hơn trong việc đè bẹp các đối thủ nhỏ hơn và yếu hơn ở Biển Đông.

Cũng có thể, việc Trung Quốc quyết định tăng cường các hoạt động bán quân sự và các hoạt động khác chống Nhật Bản một phần vì việc bắt nạt một số nước láng giềng nhỏ hơn, yếu hơn trong mấy năm qua đã dẫn đến phản ứng dữ dội trong khu vực. Tâm trạng nghi ngại ngày càng gia tăng đang khiến cho các nước ven Biển Đông tăng chi tiêu quốc phòng để chống lại sự bắt nạt của Trung Quốc và coi Mỹ là một đối trọng với Trung Quốc. Một số  nước này đang tìm cách thiết lập liên minh ở châu Á và dựa vào các hiệp ước an ninh sẵn có để chống lại sự chèn ép của Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc còn phải đối mặt với một vấn đề khó xử bởi vì yêu sách của họ ở Biển Đông không phải để chống lại đế quốc thực dân mà chống lại các nước láng giềng nhỏ yếu cũng từng nạn nhân của chủ nghĩa đế quốc. Yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông là chống lại các nước đã từng chiến đấu hoặc đấu tranh bằng phương thức ôn hòa chống lại các thế lực thực dân đế quốc. Malaysia và Brunei chống thực dân Anh. Philippines từng chống Mỹ, Việt Nam chống cả đế quốc Pháp lẫn Mỹ và Indonesia từng chống thực dân Hà Lan.

Tất cả các nước Đông Nam Á đã giành được độc lập trong nhiều thập kỷ qua. Nhiều nước cũng đạt được tốc độ tăng trưởng ngoạn mục như Trung Quốc trong những năm gần đây. Một số nước có tuyên bố chủ quyền trái ngược với Trung Quốc ở Biển Đông cũng coi vấn đề chủ quyền và lợi ích quốc gia là tối thượng. Tuy nhiên, dân số, sức mạnh kinh tế và sức mạnh quân sự của tất cả các quốc gia Đông Nam Á hợp lại vẫn yếu hơn nhiều so với Trung Quốc.

Do đó, Trung Quốc dễ bị coi là một nước chuyên đi bắt nạt các nước yếu hơn trong khu vực và điều này đã được phản ánh rộng rãi trong vô số các phương tiện truyền thông, trong báo cáo và phân tích của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ ở bên ngoài Trung Quốc.

Những tổn thất về uy tín, về hình ảnh quốc tế của Trung Quốc và về cái gọi là “trỗi dậy hòa bình” vốn đã khá nghiêm trọng. Những tổn thất này sẽ còn lớn hơn, nếu Bắc Kinh tiếp tục duy trì chính sách bắt nạt và đe dọa các nước láng giềng.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Lê Chân (theo Japan Times)

Bình luận(0)