Năm lý do khiến Nga không bỏ rơi Syria

Google News

Đối với Nga, việc bảo vệ Syria trên thực tế là bảo vệ lợi ích căn bản ngăn chặn Mỹ và NATO tiến vào “sân sau” của Nga.

 Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Sau khi Syria rơi vào xung đột rối ren, Nga là một nước lớn khác ngoài Mỹ đang tìm cách củng cố ảnh hưởng ở nước này. Nga đã điều đội tàu sân bay Kuznetsov tới Syria, tiếp đó là hai lần phủ quyết việc Liên hợp quốc trừng phạt Syria. Tháng 1/2013, bốn hạm đội lớn của Nga tiến hành diễn tập hải quân với quy mô lớn nhất trong mấy chục năm qua tại Địa Trung Hải và Biển Đen...

Vậy nguyên nhân nào khiến Nga nhiều lần biểu thị sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Syria?

Thứ nhất là xuất phát từ quan hệ hữu hảo truyền thống giữa hai nước. Ngay từ năm 1944, Liên Xô và Syria đã thiết lập quan hệ ngoại giao, sớm hơn nhiều so với thời điểm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Syria. Năm 1973, trước khi Chiến tranh Arập-Israel bùng nổ, Liên Xô đã cung cấp cho Ai Cập và Syria khoản viện trợ quân sự trị giá 5,4 tỉ USD, trong đó phần dành cho Syria chiếm hơn một nửa. Ngoài ra, Liên Xô còn đưa khoảng 3.500 cố vấn quân sự sang Syria, góp phần quan trọng giúp Syria chống lại sự phản công của Israel. Về phía Syria, dưới thời cha của Tổng thống al-Assad nắm quyền, nước này đã cử một lượng lớn học sinh, sinh viên tới Liên Xô du học xây dựng nên một lớp người thân Liên Xô trong giới chức cấp cao Syria.

Thứ hai là vị trí chiến lược quan trọng của Syria. Peter Đại đế từng nói: “Khi có thể tự do tiến vào Ấn Độ Dương, Nga có thể tạo dựng sự thống trị về quân sự và chính trị của mình trên toàn thế giới”. Xuất phát từ quan điểm này, trong lịch sử quan hệ đối ngoại của Nga, khu vực Trung Đông luôn là đầu cầu chiến lược để Nga tiến xuống phía nam.

Thứ ba là lợi ích quân sự to lớn của Nga ở Syria. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhằm tranh giành quyền bá chủ với phương Tây do Mỹ đứng đầu, Liên Xô đã bán cho Syria một lượng lớn vũ khí dưới hình thức viện trợ quân sự. Dường như toàn bộ trang bị vũ khí của Syria đều đến từ Liên Xô. Sau khi Liên Xô giải thể, vào năm 1994, Nga đồng ý tiếp tục cung cấp cho Syria các loại vũ khí và linh kiện. Tới năm 2010, giá trị tổng lượng vũ khí mà Syria mua sắm từ Nga đã lên tới 4 tỉ USD, bao gồm tên lửa phòng không, máy bay chiến đấu Mig - 29, Mig - 31, máy bay huấn luyện Yak - 130...

Thứ tư là sự bừng tỉnh về ý thức nước lớn của Nga. Sau khi ông Putin lên nắm quyền vào năm 2000, Nga tiến hành cải cách mạnh mẽ. Tận dụng cơ hội giá dầu thế giới tăng cao, kinh tế nước này đã có sự phục hồi và phát triển mạnh, không chỉ trả hết nợ của Liên Xô cũ vào năm 2006, mà còn nâng cao được quốc lực. Cùng với sự phục hồi về quốc lực, ý thức nước lớn cũng bắt đầu trỗi dậy ở Nga. Trong hàng loạt vấn đề, Nga đã công khai chĩa mũi dùi vào Mỹ.

Thứ năm là xuất phát từ bài học đau đớn Lybia. Năm 2011, Nga đồng ý thông qua Nghị quyết Hội đồng Bảo an LHQ về việc thiết lập khu vực cấm bay ở Lybia. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thiết lập vùng cấm bay không đạt được mục đích bảo vệ thường dân và tiến hành viện trợ nhân đạo, ngược lại còn trở thành công cụ hữu hiệu để NATO tiến hành tấn công đường không đối với Lybia và chi viện đường không cho lực lượng chống chính phủ ở nước này. Hiện nay, phương Tây định diễn lại trò cũ, mưu đồ thực hiện “mô hình Lybia” ở Syria, đương nhiên, khiến Nga phải cảnh giác và kiên quyết phản đối. Nga lo lắng phương Tây còn áp dụng vở kịch này ở các nước thuộc Cộng đồng Các quốc gia Độc lập (SNG), nuốt mất “khu vực lợi ích đặc quyền” của Nga, gây nguy hại tới an ninh quốc gia của Nga.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Theo Tin tức

Bình luận(0)