Mỹ-Nhật gắn bó hơn sau chuyến thăm của Thủ tướng Abe?

Google News

(Kiến Thức) - Theo giới phân tích, quan hệ Nhật-Mỹ sẽ gắn bó hơn sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Abe.

 Tổng thống Obama (trái) tiếp Thủ tướng Abe tại Nhà Trắng.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến Mỹ hội kiến với Tổng thống Obama tại Nhà Trắng. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật, kể từ khi ông Abe trở lại nắm quyền vào tháng 12/2012.

Thủ tướng Abe từng muốn công du Mỹ đầu tiên nhưng bị phía Mỹ từ chối vì còn bận nhiều việc trước và sau lễ nhậm chức của Tổng thống Obama. Kết quả, các nhà lãnh đạo Nhật Bản này đi thăm khu vực Đông Nam Á, khi Tokyo tận dụng mối quan tâm chung về hành vi ngang ngược của Trung Quốc để tăng cường quan hệ với các nước thành viên ASEAN.

Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Abe diễn ra vào thời điểm Tokyo đang phải đối mặt với một môi trường an ninh khu vực đầy phức tạp. Nhật Bản vẫn đang bị sa vào tình trạng đối đầu căng thẳng với Trung Quốc về  quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông, với rất ít dấu hiệu đi đến một giải pháp trong tương lai gần. Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nhật cũng diễn ra chỉ một tuần sau khi Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ ba và có kế hoạch thực hiện ít nhất một vụ thử hạt nhân nữa trong tương lai gần.

Các nhà lãnh đạo theo đường lối dân tộc ở Nhật Bản luôn ủng hộ mạnh mẽ việc tăng cường mối quan hệ quân sự Mỹ-Nhật. Hơn thế nữa, những thách thức từ phía Trung Quốc và Triều Tiên đã khiến nhu cầu tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ trở nên cấp bách hơn đối với Tokyo.

Theo yêu cầu của Nhật Bản, hai bên đã thông báo xem xét việc sửa đổi Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Nhật vào cuối tháng 10/2012, khi Thủ tướng tiền nhiệm Yoshihiko Noda vẫn còn tại vị. Vào thời điểm đó, Nhật Bản đã nói rằng việc sửa đổi này là cần thiết do có “những thay đổi về chất trong môi trường an ninh”, kể từ khi hai bên xem xét lại hiệp ước này trong năm 1997. Các cuộc đàm phán cấp chuyên viên sẽ được bắt đầu từ tháng sau.

Từ lâu, Mỹ đã hối thúc Nhật Bản tăng cường vai trò an ninh trong khu vực bằng cách nâng cấp lực lượng quân đội và nới lỏng các hạn chế về những hoạt động quốc tế mà Nhật Bản có thể tham gia. Thủ tướng Abe chia sẻ và tán đồng quan điểm này, một phần vì những hành động ngày càng táo tợn của Trung Quốc và Triều Tiên. Tuy nhiên, việc Thủ tướng Abe nôn nóng mở rộng vai trò quốc phòng của Nhật Bản đã khiến cho một số quan chức Mỹ  mất bình tĩnh. Họ lo ngại chính sách quốc phòng của Thủ tướng Abe sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng với Trung Quốc và Hàn Quốc.

Trong quá trình xem xét lại Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Nhật, Washington chắc chắn sẽ tìm cách né tránh việc Nhật Bản yêu cầu Mỹ cam kết rõ ràng hơn trong việc bảo vệ các hòn đảo mà Nhật Bản đang có  tranh chấp với các nước láng giềng. Cho đến nay, Mỹ đã thực hiện một chính sách không rõ ràng đối với vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Một mặt, Wasshington khẳng định rằng quần đảo này nằm trong phạm vi của hiệp ước phòng thủ chung với Nhật Bản, nhưng mặt khác lại nói Mỹ không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp biển đảo này.

Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Abe cũng sẽ nhấn mạnh đến khía cạnh kinh tế, khi nhà lãnh đạo Nhật Bản này không chỉ tìm cách sửa đổi nền kinh tế trì trệ mà còn phải đối mặt với các vấn đề cơ cấu dài hạn. Thủ tướng Abe muốn nhận được bảo đảm từ phía Tổng thống Obama rằng Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ các chính sách tiền tệ tích cực của ông, một chính sách  đã bị một  số đối tác thương mại chỉ trích. Thủ tướng Abe cũng sẽ tìm cách thuyết phục Tổng thống Obama hỗ trợ xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Mỹ sang Nhật Bản, nước vốn phụ thuoojcd nặng nề vào việc nhập khẩu năng lượng.

Về phần mình, Tổng thống Obama muốn Thủ tướng Abe cam kết tham gia Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nền tảng của chương trình nghị sự kinh tế của Washington trong khu vực. Các tiêu chuẩn thương mại cao của TPP đã vấp phải sự phản đối của một số nhóm lợi ích ở Nhật Bản, đặc biệt là ngành nông nghiệp vốn được trợ cấp nặng nề  Với nhưng đòn bẩy mà Mỹ hiện có trong tay, có lẽ Nhật Bản sẽ có một số nhượng bộ liên quan đến Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Lê Chân

Bình luận(0)